Truy quét hàng hóa dịp cuối năm, lực lượng chức năng thu giữ hàng vạn sản phẩm thời trang 'nhiều không"
Ngày 12/11, Tổng cục QLTT cho biết, lực lượng chức năng vừa phát hiện gần 3.000 sản phẩm thời trang là quần áo, giày dép, mỹ phẩm có dấu hiệu nhập lậu tại Thanh Hóa và hơn 10.000 đôi bít tất giả tại Hà Nội.
GĐXH - Theo đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, trong tháng 11/2024, nếu sàn thương mại điện tử Shein và Temu không hoàn thành đăng ký tại Việt Nam. Đến nay, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra và cảnh báo người tiêu dùng nguy cơ rủi ro với các sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép.
Cụ thể, tại Thanh Hóa, khi kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoa (số 57 Vệ Yên, Phường Quảng Thắng, TP. Thanh Hóa), lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang kinh doanh thực phẩm, thời trang là quần áo, giầy dép…, với số lượng gần 2.000 sản phẩm.
Toàn bộ số hàng đều do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ theo quy định, có dấu hiệu hàng hóa nhập lậu. Ước tính tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết khoảng 130.630.500 đồng.
Tiếp tục kiểm tra hộ kinh doanh Trang Store (địa chỉ số 28 Nguyễn Trinh Tiếp, phường Ba Đình, TP. Thanh Hóa), lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện cơ sở đang kinh doanh hàng hóa gồm mỹ phẩm, thực phẩm các loại, số lượng gần 1.000 sản phẩm.
Toàn bộ hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ theo quy định. Ước tính tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết khoảng 265.350.000 đồng.
Số hàng nói trên đã bị tạm giữ để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Cùng thời điểm, tại Hà Nội, lực lượng chức năng đột xuất kiểm tra điểm chứa trữ kinh doanh là một ngôi nhà cũ tại ngõ 199 đường Đình Xuyên, huyện Gia Lâm thì phát hiện trong căn nhà rộng khoảng 150m2 này đang chứa đầy hàng hóa chủ yếu là tất các loại.
Chủ hộ kinh doanh được xác định là bà P.M.T (SN 1993, thường trú tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).
Phải mất nhiều giờ kiểm đếm, lực lượng chức năng mới có thể thống kê, phân loại được các sản phẩm vi phạm, bởi chúng được chủ hàng để xen kẽ, trà trộn với các sản phẩm hợp pháp, có giấy tờ đi kèm.
Hơn 10.000 đôi bít tất giả với đủ chủng loại, đủ nhãn hiệu nổi tiếng đã bị thu giữ
Theo lực lượng chức năng, hàng hóa được cất giấu kín kẽ trong một ngôi nhà cũ, phủ kín bằng bạt mềm bên ngoài nhằm ngụy trang, che giấu.
Ngoài ra, chủ hàng cũng lắp camera cảnh giới xung quanh, nếu phát hiện động tĩnh bất thường là sẽ lập tức "tẩu tán" hàng hóa đi nơi khác.
Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, vì vậy các thành viên Ban chỉ đạo 389 thành phố sẽ tiếp tục công tác kiểm tra, giám sát thị trường.
Đây là yếu tố cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời duy trì môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch. Đợt kiểm tra cũng nhằm nâng cao năng lực đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo Tết Nguyên đán an lành cho người dân trên địa bàn thành phố.