Tìm giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng với những tác động tiêu cực do dịch COVID-19, khảo sát VCCI cũng cho thấy các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Ngày 19/8, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã phối hợp với Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam tổ chức Diễn đàn: "Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững".
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho hay, nền kinh tế Việt Nam đang trong quý 3 năm 2022, chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, GDP tăng 7,72% trong quý II, các cân đối lớn được đảm bảo, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch VCCI, cùng với những tác động tiêu cực do dịch COVID-19, khảo sát VCCI cũng cho thấy các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Những khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động của dịch COVID-19 đã khiến cho các doanh nghiệp dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 nhằm xây dựng doanh nghiệp Việt Nam mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần Phúc Sinh nhận định, Việt Nam là một đất nước nông nghiệp và xuất khẩu rất nhiều mặt hàng nông sản trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, trồng trọt ở đâu,... Các doanh nghiệp làm nội địa tại Việt Nam dù lớn, nhưng không gắn chặt với các vùng sản xuất, chế biến, trong khi các khách hàng châu Âu rất quan tâm đến phát triển bền vững và truy xuất nguồn gốc.
“Thực tế cho thấy, các công ty phải đầu tư vào trong ngành chế biến, bởi vì nếu không đầu tư chế biến, thì việc cạnh tranh càng trở nên khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh số của Phúc Sinh đã tăng 50% so với 2021, vì chúng tôi đầu tư rất nhiều vào các hoạt động có chiều sâu, phát triển bền vững để đáp ứng với nhu cầu mà thế giới đã thay đổi, hoặc có đòi hỏi cao hơn”, ông Phan Minh Thông cho hay.
Vì vậy, để tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng - Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, doanh nghiệp cần đón đầu và tận dụng cơ hội về dòng vốn dịch chuyển đầu tư; đặc biệt là dòng vốn đầu tư của các nước ra khỏi Trung Quốc, Hongkong...
Cùng với đó, khai thác cơ hội ở các thị trường Việt Nam đã có FTA đặc biệt là EU, Hoa kỳ... Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của sản phẩm và để tận dụng tối đa ưu đãi của 15 FTA, doanh nghiệp cần liên kết chặt trẽ với các ngành, cơ quan chức năng. Cần tìm hiểu rõ chuỗi cung ứng của mình để cố gắng lấp hoặc tham gia lấp đầy các chỗ đứt, gãy của các chuỗi cung ứng này.
PGS. Trần Phương Trà - Chuyên ngành Quản trị chiến lược, Giám đốc chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Trường Kinh doanh IPAG (Paris, Pháp) cũng chỉ ra rằng, những doanh nghiệp tìm ra “kim chỉ nam” trong việc tạo ra giá trị cho khách hàng, cho nhân viên và cho những nhà cung cấp sẽ tạo ra hiệu suất cao ngoại lệ hơn so với các doanh nghiệp khác.
Từ những kinh nghiệm quốc tế, PGS. Trần Phương Trà đề xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng tư duy luôn luôn tạo ra giá trị; xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể, xác định ưu tiên các chương trình tạo ra giá trị cho doanh nghiệp như với tăng trưởng xanh, cần đánh giá tính bền vững,…Với khía cạnh tổ chức, đổi mới sáng tạo cần gắn liền với tổ chức, gắn với chiến lược để vận hành có tính hệ thống. Trong đó, văn hóa sáng tạo, khởi nghiệp là môi trường tạo tiền đề cho những đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm và công nghệ.
Ngoài ra, trong bối cảnh, Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập trong lĩnh vực kinh tế trên nhiều góc độ doanh nghiệp cần tăng sức cạnh tranh để mở rộng và khai thác thị trường quốc tế.