Thâm nhập ngành công nghiệp sản xuất tiền giả lớn nhất thế giới
Việc sản xuất tiền giả tại Peru đã trở thành ngành công nghiệp sinh lời khổng lồ.
Tiền giả có độ chuẩn xác cao nên không thể soi bằng mắt thường. Ảnh: ITN |
Đất nước này trở thành quốc gia sản xuất tiền giả nhiều nhất thế giới. Tội phạm tiền giả thu về lợi nhuận cao gấp nhiều lần tội phạm ma túy.
Nguyên vật liệu giá rẻ
Hồi năm 2013, cảnh sát Peru choáng váng khi chứng kiến kĩ năng làm tiền giả của một cậu bé 13 tuổi ở thủ đô Lima, Peru. Cậu bé khéo léo trượt miếng nhựa mỏng, sáng bóng lên tờ tiền giả 100 USD có hình in sắc nét của Benjamin Franklin. Cậu bé bị cảnh sát bắt giữ trên phố với một túi đựng 700 nghìn USD, euro giả.
Trong nhiều thập kỷ, Colombia được biết đến là quốc gia sản xuất tiền giả nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, Peru đã vượt qua Colombia trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất tiền giả. Năm 2012, Mỹ ước tính 17% tiền giả ở nước này có nguồn gốc từ Peru.
Theo Sở Mật vụ Mỹ, đơn vị bảo vệ đồng đô la, loại tiền tệ được giao dịch rộng rãi nhất thế giới, Peru có nguồn vật liệu và nhân công giá rẻ. Hệ thống pháp luật kém hiệu quả, chưa có chế tài mạnh mẽ cho việc sản xuất tiền giả. Cộng với nguồn nhân lực làm việc tỉ mỉ, cẩn trọng, Peru có thể sản xuất tiền giả nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Việc buôn bán tiền giả ở Peru sinh lợi đến mức những tên tội phạm buôn bán ma túy, chủ yếu là cocaine, cũng chuyển sang sản xuất và phân phối tiền giả.
Quy trình sản xuất tiền giả có thể nói ngắn gọn là việc sao chép một tờ tiền thật thành một tờ tiền giống tương tự nhưng không phải do cơ quan có thẩm quyền tổ chức in, đúc và phát hành.
Hiện nay, có nhiều phương pháp sản xuất tiền giả như kỹ thuật số, thủ công. Vật liệu sử dụng để in tiền giả cũng rất giống vật liệu làm nên tiền thật. Vì vậy, công nghệ sản xuất tiền giả ngày càng tinh vi và công phu.
Sở dĩ Peru dẫn đầu thế giới về buôn lậu tiền giả là do những tên tội phạm có thể tối ưu hóa quá trình sản xuất nhưng vẫn đảm bảo độ tinh vi của sản phẩm. Những tờ tiền giả có nguồn gốc từ Peru giống với tiền thật đến mức ngay cả các chuyên gia hầu như cũng không thể phân biệt bằng mắt thường.
Ông Walter Escalante, chỉ huy bộ phận chống gian lận thuộc Lực lượng Cảnh sát Peru, cho biết: “Các nhóm tội phạm cố gắng đầu tư ít nhất có thể, hạn chế sử dụng vật liệu đắt tiền nhưng không vì thế mà giảm chất lượng của sản phẩm hay hiệu suất công việc”.
Một kẻ chuyên làm tiền giả ở Peru có biệt danh là Geraldo Chavez, tiết lộ, tại Peru, nguyên liệu thô rất rẻ. Trong đường dây sản xuất tiền giả của người này, chi phí nguyên vật liệu (giấy, mực...) và nhân công trên mỗi hóa đơn chiếm 3 - 5 USD. Giá bán của một tờ tiền giả mệnh giá 100 USD là 20 USD. Lợi nhuận trên mỗi tờ tiền giả bán ra đạt 15 - 18 USD.
Chavez cho biết việc sản xuất tiền giả cần 10 - 12 người gồm người vận hành, nhà thiết kế, người phụ trách vật tư, người cắt tiền, người đóng gói và người giám sát. Mỗi đơn hàng trị giá 5 triệu USD sẽ hoàn thành trong khoảng một tuần và mọi người phải làm xuyên đêm.
Thông thường, khách hàng mua từ 10 - 15 nghìn USD, trong đó người mua phải trả 20% mệnh giá nếu là khách hàng thường xuyên hoặc 25% nếu là người mới. Như vậy, Chavez sẽ lãi ít nhất 300% từ khoản đầu tư của mình. Với tốc độ trên, không khó lý giải vì sao các nhóm tội phạm Peru lại sản xuất nhiều tiền giả đến vậy.
Quy định lỏng lẻo
Ngoài lý do về nguyên vật liệu, luật pháp Peru cũng ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất tiền giả. Nhiều quốc gia trên thế giới, như Mỹ và các nước châu Âu, giám sát rất chặt chẽ việc bán, phân phối và sử dụng máy móc, công nghệ in tiền, nhất là máy in offset.
Máy in offset là công cụ mà nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, sử dụng để in tiền của họ. In offset là kỹ thuật sử dụng lực ép các tấm cao su dùng trong in ấn (offset) lên giấy đã dính mực trước đó. Kỹ thuật này giúp tránh việc giấy bị dính nước do mực in và đảm bảo chất lượng thành phẩm tốt nhất.
Trong khi ở Peru không có quy định nghiêm ngặt về việc mua bán hay sử dụng máy in offset hay các loại giấy, mực thường dùng trong việc sản xuất tiền. Thậm chí, những tên tội phạm còn tìm được nguồn vật tư chất lượng, hiện đại, tiên tiến nhất.
Peru cũng có quy định cấm sản xuất và buôn bán tiền giả nhưng việc thực thi pháp luật còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở. Từ năm 2012, Sở Mật vụ Mỹ đã thành lập văn phòng thường trú tại Peru nhằm phối hợp chặt chẽ với chính quyền nước này trong cuộc chiến chống buôn bán tiền giả.
Tuy nhiên, họ chưa thể triệt phá các “hang ổ” tội phạm dù đã thu giữ hàng triệu USD tiền giả. Điều này cho thấy tội phạm làm tiền giả ở Peru đã nhũng nhiễu một thời gian rất dài, cắm sâu vào hệ thống tội phạm nước này và không thể triệt phá hoàn toàn.
Thậm chí, ở Peru có nhiều khu phố là trung tâm sản xuất tiền giả, nơi các nhóm tội phạm tập hợp với nhau. Những khu phố này thường nằm cách xa khu dân cư do tiếng ồn của máy móc in ấn, được canh phòng cẩn mật. Sở Mật vụ Mỹ vẫn chưa thể xâm nhập vào các khu vực này.
Ông Walter Escalante cho biết: “Từ năm 2009, trong các cuộc điều tra hợp tác với Sở Mật vụ Mỹ, chúng tôi đã thu giữ khoảng 75 triệu USD tiền giả. Chúng tôi không biết có bao nhiêu phần trăm tiền giả vào Mỹ bất hợp pháp và xâm nhập vào hệ thống tài chính”.
Độ chuẩn xác cao
Ngoài ra, không thể phủ nhận mức độ tỉ mỉ của tội phạm Peru. Nói cách khác, mức độ giống thật ở tờ tiền giả của Peru là không nơi nào sánh kịp. Không giống như những nơi làm tiền giả khác dựa vào máy in công nghệ mới, tội phạm Peru hoàn thiện từng tờ tiền giả bằng tay. Sau khi in xong một tờ tiền, họ sẽ thêm thắt những chi tiết, chỉnh sửa nhỏ bằng tay để tăng thêm chất lượng.
Đơn cử, để tạo một tờ tiền giả, bạn cần một bức ảnh chất lượng cao của tờ tiền thật. Nhưng tội phạm Peru đã tiến xa hơn bằng cách sử dụng phim âm bản của những bức ảnh chất lượng cao vì phim âm bản thể hiện nhiều chi tiết ảnh hơn so với phim dương bản. Với những chi tiết không thể nhìn thấy trên phim âm bản, người Peru sẽ vẽ bằng tay.
Họ cũng liên tục đổi mới phương pháp làm tiền giả. Ví dụ, chúng sử dụng bút dạ quang màu vàng mô phỏng “sợi an ninh” phát sáng dưới hệ thống phát hiện tiền giả bằng tia cực tím. Hoặc chúng ấn những chiếc ghim nhỏ lên tờ tiền mới đúc để giả làm chữ nổi.
Để ngăn chặn vấn nạn tiền giả, Bộ Tài chính Mỹ liên tục cập nhật những chi tiết mới cả công khai lẫn bí mật trên tờ tiền thật. Tuy nhiên, mỗi một thay đổi đều được ngành công nghiệp Peru sao chép tỉ mỉ, thậm chí có phần chỉn chu hơn. Đây không phải trận đấu có thể kết thúc sớm.
Trong ngành công nghiệp làm tiền giả khổng lồ ở Peru, Joel Quispe được xem là bậc thầy. Mỗi tờ tiền giả do hắn ta sản xuất sử dụng nhiều loài mực khác nhau, được thiết kế tỉ mỉ và đẹp mắt. Người ta ước tính Joel Quispe bán được hàng triệu USD tiền giả từ năm 2009 cho đến khi bị bắt vào năm 2011. Hắn ta đang thi hành án ở một trong những nhà tù có an ninh cao nhất Peru.
Đối với tội phạm tiền giả ở Peru, Joel Quispe vẫn là một huyền thoại. Sự tỉ mỉ, cẩn thận, chỉn chu trong từng tờ tiền giả do người này làm ra rất khó để phát hiện bằng mắt thường mà phải dùng đến công nghệ truy quét hiện đại.
Sau khi Joel Quispe bị bắt, người ta cứ nghĩ các băng nhóm làm tiền giả do hắn ta điều hành sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, Sở Mật vụ Mỹ tiếp tục bắt 2 tên đàn em của Quispe, nay đã trở thành kẻ làm tiền giả chuyên nghiệp.
Lợi nhuận khổng lồ
Theo các điều tra viên, việc làm tiền giả thu lợi nhuận cao hơn buôn bán ma túy. Trước đây, việc sản xuất ma túy ở Peru phổ biến hơn sản xuất tiền giả nhưng chính phủ ngày càng thắt chặt quy định về ma túy. Do đó, việc sản xuất và vận chuyển ma túy tốn chi phí cao hơn, mạo hiểm hơn. Bọn tội phạm quyết định chuyển sang sản xuất tiền giả.
Nếu so sánh, sản xuất tiền giả cũng tốt hơn sản xuất ma túy vì chi phí thấp hơn, vận chuyển đơn giản hơn và mức án thấp hơn. Buôn bán ma túy có thể bị tử hình nhưng sản xuất và buôn bán tiền giả tại Peru đối mặt với mức án khoảng 10 - 20 năm tù giam.
Tiền giả sau khi sản xuất sẽ được vận chuyển về thủ đô Lima, Peru. Ở đó, chúng được đóng gói thành bưu kiện chất lên máy bay hoặc giấu bên trong hành lý như sách rỗng, giày thể thao, đồ chơi trẻ em...
Những tờ 100 USD được chuyển đến Mỹ trong khi những tờ 10 hay 20 USD được chuyển đến các nước láng giềng của Peru. Nhu cầu khổng lồ nằm ở Argentina, Venezuela và thường được lưu hành trên thị trường chợ đen.
Hình thức che giấu tiền giả cũng tương tự như cocaine. Sau khi nhập cảnh trót lọt vào Mỹ, tiền giả sẽ được vận chuyển đến các băng đảng tội phạm đường phố. Những nhóm này sẽ tiếp tục bán tiền giả qua thị trường chợ đen hoặc vận chuyển cho đối tác ở các quốc gia khác.
Một cách an toàn hơn là vận chuyển qua Mexico và theo các tuyến đường biên giới, được quản lý bởi những kẻ buôn lậu người di cư, xâm nhập vào Texas, California, Mỹ.
Mật vụ Mỹ, Jose, nhận định: “Nó rất giống với cuộc chiến chống ma túy. Cách thức hoạt động rất giống nhau. Bọn tội phạm có nhiều tuyến đường để buôn lậu. Rất nhiều tổ chức buôn bán tiền giả do các gia đình điều hành vì đây là kỹ năng được truyền lại chứ không thể chuyển giao”.
Bất chấp làn sóng tiền giả do tội phạm Peru sản xuất lưu thông tràn lan, cựu đặc vụ Mỹ Brewer cho biết nó sẽ không bao giờ vượt ra khỏi phạm vi thương mại bán lẻ. Máy đếm tại các ngân hàng hiện nay có thể phát hiện tiền thật với tiền giả. Hiện nay, chưa tờ tiền giả nào có thể vượt qua công cụ này.