A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mục tiêu lạm phát đã khiến các ngân hàng trung ương gặp khó khăn

Mặc dù nghe có vẻ không hợp lý nhưng sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley đã đặt ra một câu hỏi về việc liệu mục tiêu lạm phát của các ngân hàng trung ương có nên được nâng lên để giảm rủi ro của việc thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt quá mức sẽ dẫn đến suy thoái hay không?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa

Điều này là bởi vì cho dù quản lý rủi ro và phán đoán đầu tư kém hiệu quả thì SVB, cuối cùng vẫn là nạn nhân của chế độ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2009, áp lực giảm phát là thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương.

Vấn đề của họ không phải là làm thế nào để giảm lạm phát xuống mức mục tiêu, mà là làm thế nào để nâng lên mức mục tiêu. Điều này chỉ có thể làm được bằng cách sử dụng lãi suất danh nghĩa cực thấp và thậm chí âm.

Hệ quả của việc cho phép sử dụng chính sách tiền tệ cực đoan này, theo như Edward Chancellor, tác giả của cuốn sách Cái giá của thời gian (The Price of Time), là vô số biến dạng thị trường được tạo ra, bao gồm “tất cả đều là bong bóng”, trong đó giá của hầu hết mọi tài sản đều được đẩy lên cao ngất ngưởng. Với thu nhập từ tài sản giảm sút nghiêm trọng, các nhà đầu tư buộc phải tìm kiếm lợi nhuận bất chấp rủi ro.

Đó chính là câu chuyện của SVB, ngân hàng của rất nhiều công ty công nghệ. Ở giai đoạn đỉnh cao của sự bùng nổ công nghệ, ngân hàng này đã đón nhận một dòng tiền gửi như thủy triều.

Do lượng tiền gửi vượt quá các cơ hội cho vay tiềm năng, vì thế ngân hàng phải tìm các hình thức đầu tư cho số tiền đó.

Với các giấy tờ ngắn hạn gần như không có lợi nhuận gì, ngân hàng này đã tìm kiếm lợi nhuận và chốt khoản tiền trị giá 120 tỷ USD chủ yếu là đầu tư vào các chứng khoán được thế chấp dài hạn được đánh giá cao.

Các công cụ dài hạn đặc biệt dễ bị tổn thương khi lãi suất tăng. Vì vậy, khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ ở thời điểm được đánh giá là muộn để đối phó với lạm phát cao bất ngờ, sự sụt giảm giá trị theo thị trường của danh mục đầu tư của SVB đã gần như xóa sạch vốn của ngân hàng.

Điều này sẽ không thành vấn đề nếu người gửi tiền vẫn tin tưởng vào ngân hàng vì sẽ không có tổn thất nếu chứng khoán được giữ đến ngày đáo hạn.

Nhưng cộng đồng công nghệ đã hoảng sợ, đã xảy ra tình trạng rút tiền gửi và SVB đã phải bán những tài sản mất giá, do đó dẫn đến sự phá sản của chính mình.

Hiện tại, có thể mới chỉ là khởi đầu của một loạt giai đoạn bất ổn tài chính, điều này sẽ làm tăng thêm rủi ro khi cố gắng kéo lạm phát trở lại mức 2%. Fed và các ngân hàng trung ương khác sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sản lượng và việc làm.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều tranh luận về việc nâng lạm phát mục tiêu từ 2 lên 3%. Điều này cũng không phải là vô lý nếu, như cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh Andy Haldane đã lập luận, chúng ta đang chứng kiến ​​sự dịch chuyển đi lên trong mức giá cân bằng toàn cầu. Dù sao đi nữa, không có sự biện minh lý thuyết nào cho việc đánh đồng 2% với sự ổn định giá cả.

Tuy nhiên, di chuyển các cột mục tiêu sẽ giống như đầu hàng lạm phát. Uy tín của các ngân hàng trung ương sẽ chịu thiệt hại lớn và kỳ vọng lạm phát sẽ tăng vọt. Vì vậy, họ có thể làm theo đề xuất kéo dài thời gian đạt được mục tiêu 2% hoặc tạm thời đình chỉ trong khi hứa sẽ khắc phục vào ngày sớm nhất có thể.

Nhưng điều đó để lại 2 câu hỏi lớn hơn. Những gì chúng ta đã học được về lạm phát mục tiêu là trong thời kỳ giảm phát, sẽ gây ra mầm mống bất ổn tài chính.

Sau đó, khi lạm phát quay trở lại, sẽ là nguyên nhân gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính khi lãi suất được tăng lên để đưa lạm phát về với mức mục tiêu. Trên thực tế, lạm phát mục tiêu dường như chỉ hoạt động khi giá cả ổn định.

Một câu hỏi nữa được đặt ra là mục tiêu lạm phát 2% ảnh hưởng như thế nào đến khả năng thu hẹp mức nợ công rất cao hiện nay của các chính phủ. Biện pháp khắc phục truyền thống là sự kết hợp giữa tăng trưởng, tạo ra doanh thu thuế để giúp trả nợ và lạm phát, làm giảm giá trị thực của nợ.

Tuy nhiên, tăng trưởng yếu và mục tiêu lạm phát 2% làm giảm phạm vi vỡ nợ không chính thức thông qua lạm phát. Trong cơn hoảng loạn chung sau sự sụp đổ của SVB, các ngân hàng đã vội vã vay 330 tỷ USD tài trợ dự phòng từ Fed.

Có nhiều đồn đoán rằng Fed có thể trì hoãn tăng lãi suất hơn nữa. Do đó, chúng ta bị mắc kẹt trong một ràng buộc cố hữu, theo đó chính sách không thắt chặt mà thay vào đó là nới lỏng một cách mạnh mẽ trong khi nợ tiếp tục gia tăng một cách khó cưỡng.

Theo thitruongtaichinhtiente.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...