A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp thúc đẩy triển khai ngân hàng số tại Việt Nam

Xu hướng phát triển ngân hàng số trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam đang tạo ra những thay đổi về giá trị cho các chủ thể tham gia. Trong thời gian tới để ngân hàng số trở thành nhu cầu phát triển tất yếu của các ngân hàng thương mại cần chú trọng một số giải pháp cụ thể.

Đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam

- Nghiên cứu và xây dựng lộ trình chuyển dịch mô hình sang Ngân hàng số: Xác định chiến lược phát triển “Ngân hàng số” vì đây là xu hướng chung của các ngân hàng trên thế giới nhằm hướng đạt mục tiêu bền vững.

Trong bối cảnh hiện nay, các NHTM cần từng bước nâng cao năng lực quản trị điều hành, thay việc đầu tư mở rộng mạng lưới điểm giao dịch vật lý (vốn gặp nhiều khó khăn và tốn kém) bằng cách xây dựng lộ trình phát triển Ngân hàng số, hay còn gọi là “Ngân hàng không chi nhánh”.

Trong đó, các bước thực hiện: (i) đầu tiên là “loại bỏ thời gian lãng phí” thông qua cải tiến quy trình, (ii) tiếp theo là xây dựng các dịch vụ số, gắn liền trong hệ sinh thái số với các đối tác/bên thứ 3 cung cấp dịch vụ/hàng hóa khác, (iii) quan trọng nhất là việc thúc đẩy sáng tạo đối với tất cả lãnh đạo và nhân viên của ngân hàng.

- Thực hiện phân bổ nguồn lực để phát triển công nghệ mới: Trong kế hoạch ngân sách hàng năm, các NHTM cần xem xét tỷ trọng các khoản chi đầu tư với các khoản chi tiêu, việc cắt giảm những chi phí không thực sự cần thiết để dành nguồn lực cho đầu tư công nghệ cũng nên được cân nhắc đến.

Cần xác định chi phí đầu tư rõ ràng, xứng đáng, đi đôi với kì vọng doanh thu tiềm năng trong tương lai. Từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động của ngân hàng, tạo tiền đề cho sự chuyển dịch thành Ngân hàng số. Việc nghiên cứu các công nghệ này sẽ cần nhiều thời gian và có lộ trình nên giải pháp ban đầu có thể hợp tác với các công ty công nghệ và/hoặc đầu tư vào các startup về công nghệ là một hướng đi có thể xem xét.

Trong thời gian đó, các NHTM cần có sự quan tâm đến nâng cấp Core banking, đảm bảo Core banking đáp ứng được các yêu cầu về mở rộng khách hàng, quản trị vận hành và quản lý rủi ro.

Việc hợp tác đầu tư với các công ty công nghệ còn có thể giúp các NHTM hạn chế được các đối thủ cạnh tranh tiềm năng, đó chính là các công ty công nghệ này, nếu không hợp tác với NHTM họ có thể tự đầu tư nghiên cứu các ứng dụng số hóa và tích hợp sản phẩm tài chính/thanh toán, tương tự như các công ty công nghệ trên thế giới hiện nay.

- Song song với chuẩn bị về vốn, cần xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực nhạy bén. Tăng cường đào tạo về kiến thức, kỹ năng và văn hóa quản trị rủi ro cho nhân viên ngân hàng, từ đó truyền thông và hướng dẫn khách hàng để sử dụng sản phẩm và phòng, ngừa rủi ro. Đối với các công cụ quản trị rủi ro, chẳng hạn như đầu tư vào khả năng kiểm tra sức chịu đựng, thực hiện đầy đủ các tuyến phòng thủ, đầu tư vào chất lượng và báo cáo dữ liệu trước hết đáp ứng nhu cầu hiện tại và sau đó chuẩn hóa hơn để chuẩn bị chức năng cho tương lai theo định hướng Ngân hàng số.

 - Nghiên cứu thuê/mua giải pháp ứng dụng Big Data trong chấm điểm tín dụng (Credit Scoring): Với cơ sở Dữ liệu lớn, mô hình có thể xác định điểm số tín dụng của khách hàng dựa trên các chỉ tiêu phi tài chính như lịch sử mua sắm, lịch sử thanh toán các hóa đơn bán lẻ, kết quả phân tích hành vi khách hàng thông qua dữ liệu từ mạng xã hội, mạng viễn thông, mức độ trung thực...

Mô hình này giúp ngân hàng giảm thiểu chi phí và cho phép ra kết quả nhanh hơn trong quá trình phê duyệt tín dụng (Home Credit có thời gian trung bình 15 phút), đồng thời là cơ sở để phát triển và quản lý sản phẩm tín dụng như các khoản vay vi mô không tài sản đảm bảo (tối đa 10 triệu), sản phẩm vay kiểu mới như Cho vay tức thời (instant loans)...

- Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung của ngân hàng, tạo điều kiện để các bộ phận truy cập, thu thập dữ liệu dễ dàng và đầy đủ hơn; đồng thời, phân quyền truy cập đối với những thông tin bảo mật. Các NHTM có thể xem xét thành lập Trung tâm Khai thác và Quản lý Dữ liệu kinh doanh nhằm chuyên biệt hóa chức năng phân tích kho dữ liệu, quản lý các dự án về dữ liệu và phối hợp cung cấp thông tin cho các Khối kinh doanh/Phòng nghiên cứu phát triển SPDV/Khối CNTT/Ban lãnh đạo Ngân hàng tương tự như trung tâm BICC - VPBank, trung tâm ACI - Techcombank.

 - Phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng thông minh trong đó có ví điện tử song song với xây dựng hệ sinh thái tương ứng: Đối với ví điện tử, hệ sinh thái bao gồm nhiều lĩnh vực, gia tăng số điểm chấp nhận thanh toán, khắc phục các hạn chế về công nghệ đồng thời nâng cao giải pháp bảo mật để người dùng yên tâm sử dụng.

Việc đẩy mạnh liên kết với website bán lẻ để tích hợp cổng thanh toán ví điện tử trên các website bán hàng, đặc biệt là những trang thương mại điện tử có nhiều lượt theo dõi có thể giúp mở rộng cơ sở khách hàng và tương tác nhờ mua sắm tích hợp thương mại và thanh toán bằng ví.

Đối với Ngân hàng Nhà nước

- Nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý: NHNN cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu về Fintech, tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đồng thời thành lập Tổ nghiên cứu về Ngân hàng số, đánh giá tiềm năng và xu hướng phát triển/chuyển dịch mô hình Ngân hàng số tại Việt Nam để có các chính sách hỗ trợ cho các NHTM trong quá trình chuyển dịch này.

- Tổ chức các Hội thảo/Diễn đàn quốc tế về Ngân hàng số, qua đó giúp các NHTM học hỏi, chia sẻ, và là cầu nối để các NHTM hợp tác với các ngân hàng/tổ chức tài chính đã nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật số và xây dựng/chuyển đổi thành công Ngân hàng số.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...