Bát Tràng huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn xã Bát Tràng ước thực hiện được hơn 69 tỷ đồng, thu nhập bình quân toàn xã đạt hơn...
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Hoàng Tiến Dũng, xã đặc biệt chú trọng huy động mọi nguồn lực, phát huy những lợi thế sẵn có của địa phương.
Sản xuất gốm tại làng nghề truyền thống xã Bát Tràng. Ảnh: Nguyễn Quang
Xã Bát Tràng hiện nay gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Kim Đức; phần lớn diện tích tự nhiên, toàn bộ quy mô dân số của xã Bát Tràng; một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đa Tốn, thị trấn Trâu Quỳ; phường Thạch Bàn, phường Cự Khối.
Bát Tràng có các làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Giang Cao và Kim Lan nằm ở tả ngạn sông Hồng, là những làng gốm cổ lâu đời, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn xã có 1.200 hộ sản xuất, kinh doanh và hơn 300 nghệ nhân gốm sứ. Sản phẩm của các làng nghề là sự kết tinh giữa phương pháp thủ công tinh xảo, sáng tạo nghệ thuật, thẩm mỹ và bản sắc văn hóa được gìn giữ qua từng thế hệ, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Xã cũng là điểm du lịch làng nghề, du lịch tâm linh hấp dẫn của thành phố với 47 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 10 di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia, 20 di tích lịch sử cấp thành phố.
Trong đó phải kể đến Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt tại làng cổ Bát Tràng. Đây là nơi trưng bày triển lãm lịch sử gốm sứ Bát Tràng qua các thời kỳ, cũng là nơi tổ chức hội chợ, các hoạt động văn hóa đa dạng, kết hợp xưởng trải nghiệm làm gốm thủ công cho khách tham quan, nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên trải nghiệm...
Hay Bảo tàng gốm cổ Kim Lan hiện có khoảng 300 hiện vật, chủ yếu là gốm và các dụng cụ làm gốm, minh chứng cho quá khứ huy hoàng của làng nghề với đủ các loại hình gốm đất nung cho đến gốm tráng men, góp phần đại diện cho lịch sử gốm sứ Việt Nam.
Thông tin về định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, với lợi thế về làng nghề gốm sứ truyền thống, Bát Tràng tiếp tục tập trung phát triển làng nghề kết hợp với phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của địa phương. Khai thác hành lang dọc theo hai bờ sông Hồng, xã định hướng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, mô hình trang trại sinh thái vườn ven sông; khai thác hệ thống làng nghề, đình, chùa... gắn với tâm linh tín ngưỡng, văn hóa truyền thống (làng nghề Bát Tràng) để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh; tập trung sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao… để phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp sinh thái.
Nằm ven sông Hồng, xã Bát Tràng còn là nơi sản xuất, cung cấp rau và các sản phẩm nông sản sạch, an toàn, quy mô lớn cho Thủ đô và các tỉnh lân cận. Điển hình là Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức có diện tích sản xuất rau an toàn lớn nhất thành phố với quy mô hơn 200ha.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, thu nhập trên diện tích canh tác của hợp tác xã đạt khoảng 700 triệu đồng/ha/năm. Hợp tác xã cũng đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có 17 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao. Thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục thực hiện hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh, tập trung; xây dựng từ 5-8 mô hình thí điểm và mô hình trình diễn nhân rộng ứng dụng trong sản xuất rau, hoa; duy trì và tiếp tục bảo hộ 1-2 nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm đặc trưng, chủ lực của địa phương.
Theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Hoàng Tiến Dũng, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Bát Tràng đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm 2025 tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, phấn đấu thu ngân sách đạt và vượt mức dự toán được giao; duy trì xã không còn hộ nghèo; phấn đấu hơn 90% số hộ gia đình, thôn và tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa; tập trung chuyển đổi số nhằm từng bước xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số… Xã tiếp tục đề xuất thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng giao thông, công viên, các dự án đầu tư, làm tiền đề, cơ sở phát triển dịch vụ và định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo.