A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Tiền phòng, hậu kiểm” trong chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản

Cục Thuế Quảng Bình xác định, công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp trong việc tự giác kê khai giá chuyển nhượng trên hợp đồng đúng với giá thực tế giao dịch là vấn đề quan trọng. Đồng thời với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Cục Thuế đã tăng cường công tác “tiền phòng, hậu kiểm” nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, thu thuế đối với hoạt động này...

Tiếp tục thực hiện các giải pháp chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ngày 10/6/2022 Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có Công điện số 08/CĐ-TCT gửi các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo toàn ngành Thuế  tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Theo tinh thần của Công điện thì ngành Thuế tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản tại bộ phận 1 cửa liên thông theo nguyên tắc “tiền phòng hậu kiểm”.  Vậy cụ thể “ tiền phòng, hậu kiểm " đối với cơ quan thuế trong hoạt động chống thất thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản là phải làm gì?

Quan điểm “tiền phòng, hậu kiểm” trong chống thất thu kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có nghĩa là tuyên truyền để phòng ngừa là vấn đề quan trọng, và đầu tiên, sau đó mới kiểm tra xử lý.

Theo quan điểm này cơ quan thuế các cấp không được gây khó khăn cho người nộp thuế; không được ngăn chặn việc chuyển nhượng bất động sản của người dân; không được gây ách tắc, tồn đọng hồ sơ chuyển nhượng bất động sản không thực hiện trả lại hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định (ngâm hồ sơ) mà cần thực hiện tính thuế theo đúng quy định tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ, Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015, của Bộ Tài chính và Công văn số 3849/BTC-TCT ngày 28/4/2022, của Tổng cục Thuế để đảm bảo thời gian theo quy định đối với các hồ sơ chuyển nhượng của người nộp thuế.

Trường hợp phát hiện rủi ro thì chuyển sang thực hiện thanh tra, kiểm tra sau theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Với quan điểm chỉ đạo như trên, Cục Thuế Quảng Bình xác định công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp trong việc tự giác kê khai giá chuyển nhượng trên hợp đồng đúng với giá thực tế giao dịch là vấn đề mấu chốt và quan trọng. Việc tuyên truyền, vận động phải làm thường xuyên, liên tục và làm tận người dân, doanh nghiệp, làm ngay từ khi người dân, doanh nghiệp phát sinh nhu cầu mua bán, chuyển nhượng bất động sản.

Để làm được điều đó, Cục Thuế đã phát hành “Thư ngỏ” gửi đến từng người dân tại các xã phường, các văn phòng công chứng khi làm thủ tục kê khai hợp đồng mua bán, chuyển nhượng. Ngoài ra, Cục còn xây dựng các chuyên mục truyền hình, viết các tin bài, sử dụng các mạng xã hội, các trang web của ngành, các báo, đài địa phương để tuyên truyền rộng rãi đến người dân.

Việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản còn được thực hiện bởi sự phối hợp, vào cuộc của các cơ quan như: Tư pháp, công an, tài nguyên môi trường, chính quyền các cấp. Các cơ quan này đã và sẽ góp phần quan trọng trong việc vận động, hướng dẫn người mua bán, chuyển nhượng bất động sản hiểu được những hệ lụy về mặt pháp lý đối với người dân, doanh nghiệp khi kê khai giá chuyển nhượng không đúng thực tế giao dịch.

Ngoài việc phòng ngừa người nộp thuế khai sai giá thực tế, đem lại nhiều rủi ro cho họ thì Cục Thuế cũng quán triệt phòng ngừa rủi ro pháp lý cho công chức thuế. Rủi ro đến với công chức thuế có thể do xác định sai căn cứ tính thuế, ấn định tiền thuế không đầy đủ cơ sở pháp lý, thông đồng, thỏa hiệp với người nộp thuế trong giải quyết hồ sơ làm thất thu ngân sách, kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ theo quy định, thái độ, tác phong ứng xử với người nộp thuế không đúng, thậm chí vòi vĩnh, nhận hối lộ.

Đối với vấn đề “hậu kiểm”, Cục Thuế xác định, trong quá trình xử lý hồ sơ không được gây ách tắc đối với các hồ sơ đã đầy đủ thủ tục và đầy đủ tính pháp lý. Không được trả hồ sơ vì lý do nghi ngờ giá chuyển nhượng thực tế cao hơn giá ghi trên hợp đồng. Tất cả các hồ sơ đều phải được trả kết quả đúng hạn.

Sau khi trả kết quả tiến hành phân loại mức độ rủi ro từng hồ sơ, tiến hành xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ để đề xuất xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Các trường hợp đã đủ căn cứ ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế thì tiến hành ấn định thuế, truy thu, xử phạt. Các trường hợp rủi ro cao, chưa đủ căn cứ ấn định thì lựa chọn chuyển cơ quan công an tiếp tục xác minh xử lý theo quy chế phối hợp và theo quy định của pháp luật.

Ngoài việc kiểm tra, xử lý đối với người nộp thuế nếu vi phạm, Cục Thuế Quảng Bình cũng sẽ tiến hành kiểm tra công vụ đối với quy trình xử lý hồ sơ mua bán, chuyển nhượng bất động đối với công chức thuế. Các trường hợp công chức không xử lý hồ sơ có dấu hiệu vi phạm hoặc xử lý sai, xử lý chậm, gây khó khăn, tiêu cực với người nộp thuế... sẽ bị xử lý theo quy định của ngành và các quy định của pháp luật.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...