A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về Triều Khúc nghe thanh âm làng cổ

Là vùng ven đô cách trung tâm Hà Nội khoảng 8km về hướng Tây Nam, mặc dù có tốc độ đô thị hóa rất nhanh nhưng làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì vẫn giữ được nhiều nghề thủ công truyền thống cùng văn hóa, phong tục tập quán đặc trưng của làng Việt cổ trong lòng Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Làng nghề thủ công đất Thăng Long

Dù làng quê có nhiều đổi thay song nét đẹp riêng có của làng quê truyền thống vẫn được chính quyền và nhân dân Triều Khúc gìn giữ, phát huy. Hiện xã có 10 di tích gồm chùa, đình, đền, miếu, nhà thờ giáo họ và 2 lễ hội truyền thống. Trong đó, Lễ hội Triều Khúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2019.

Về Triều Khúc nghe thanh âm làng cổ
Lễ hội làng cổ Triều Khúc với điệu múa Bồng

Theo cụ Triệu Khắc Sâm (86 tuổi) - bô lão của làng, Triều Khúc là làng cổ gắn với lịch sử đánh giặc của vua Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương (người gốc làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây). Hiện nay, tại đình Triều Khúc còn lưu giữ nhiều tấm bia cổ và truyền thuyết về thời Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng gắn với lịch sử hình thành và phát triển của địa phương. Triều Khúc xưa có tên gọi là làng Đơ Thao nức tiếng với nghề dệt truyền thống. Tương truyền, cuối thế kỷ 18, vào thời Lê - Trịnh, ông Vũ Đức Úy được triều đình cử làm Phó sứ sang Trung Quốc và học được nghề dệt thao, khi về nước được vua phong chức, ông tổ chức dạy nghề cho dân làng Triều Khúc.

Từ đó, Triều Khúc có nghề dệt. Nhiều hộ chuyên dệt the (áo the, quạt the), dệt nái (yếm, bao thắt lưng), nhuộm (áo, yếm, váy, thắt lưng). Nghề dệt làng Triều Khúc xuất phát từ mục đích phục vụ cho nhu cầu sử dụng, nhưng lại có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình bởi tính chất trang trí của nó.

Triều Khúc có bí quyết nổi tiếng về kỹ thuật nhuộm màu tơ bằng cách thức thủ công, sợi tơ dệt thắm sắc nhưng không bị phai màu. Các đồ án hoa văn trang trí trên thổ cẩm làng Triều Khúc là kho tàng tư liệu về vốn cổ của dân tộc. Các họa tiết này như là một ngôn ngữ hình ảnh đặc trưng của người dân Triều Khúc, kể lại nhiều câu chuyện về thiên nhiên, xã hội, là tiếng nói của tâm hồn, là ý niệm cuộc sống của người dân trước việc ứng xử với cái đẹp như: Mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cây cối, nhà cửa, con người và những linh vật… Nghề dệt thổ cẩm Triều Khúc là gạch nối dân gian giữa giá trị thực dụng và giá trị nghệ thuật một cách vô thức nhưng nó phản ánh được một phần tính cách dân tộc theo lát cắt ngang của lịch sử văn hóa.

Cũng với đôi tay tài hoa khéo léo, các hộ dân làng Triều Khúc thu mua lông gà, lông vịt khắp nơi về làm chổi lông. Nhờ nghề này, đời sống dân làng ổn định hơn làng quê khác trong vùng.

Xã hội phát triển, nhiều nghề thủ công truyền thống ở Triều Khúc tuy mai một nhưng nhờ một số hộ duy trì nên nghề được lưu giữ. Đặc biệt, một số nghề được lưu truyền trong các dòng họ. Ví như dòng họ Hoàng Đình chuyên làm băng hiệu, tua cờ, mũ phục vụ lễ hội và quân đội;dòng họ Nguyễn Hữu chuyên dệt thảm, trang trí nội thất được nhiều khách hàng ưa chuộng,...

Hiện nay, làng Triều Khúc có 1 hợp tác xã công nghiệp dệt, 20 doanh nghiệp tư nhân sản xuất hơn 100 mặt hàng thủ công.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, biết bao thế hệ người dân Triều Khúc vẫn đang tiếp nối việc gìn giữ và phát huy làng nghề truyền thống, đưa làng nghề từ những khó khăn ở bên bờ vực giải thể đến phát triển thành nghề trụ cột đem lại thu nhập cho bao người lao động. Đặc biệt hơn, sự hiện hữu của làng nghề còn thể hiện sự gìn giữ những tinh hoa thủ công của ông cha, góp phần tôn vinh vẻ đẹp và những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất kinh kỳ.

Đặc sắc điệu múa có một không hai

Không chỉ có nhiều nghề thủ công, làng Triều Khúc còn rất giàu văn hóa truyền thống. Trong đó phải kể đến Lễ hội làng Triều Khúc, đặc biệt là điệu múa Con đĩ đánh bồng - còn gọi là điệu múa Bồng. Hiện, Câu lạc bộ múa Bồng của làng Triều Khúc có 30 thành viên. Ngoài biểu diễn trong các dịp lễ hội, hầu Thánh, câu lạc bộ còn phục vụ các sự kiện văn hóa của địa phương, tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa của huyện, Thành phố...

Cũng theo cụ Triệu Khắc Sâm, múa Bồng gắn liền với sự kiện Phùng Hưng tập hợp binh sĩ, đóng quân tại làng Triều Khúc xưa. Ban đầu, múa Bồng được diễn nhằm giải trí cho binh lính khi mừng công thắng giặc. Do trong quân không có nữ, các binh sĩ đóng giả con gái rồi múa mua vui. Sau khi vua Phùng Hưng băng hà, để tưởng nhớ ngài, nhân dân Triều Khúc đã lập đình thờ. Cũng từ đó, múa Bồng là điệu múa phục vụ nghi lễ tế thần khi vào đám và là điệu múa hầu Thánh, mang tính nghi lễ.

Anh Nguyễn Huy Tuyển (sinh năm 1978) hiện là đội trưởng của Câu lạc bộ, đã tham gia múa Bồng hơn 20 năm nay. Mặc dù công việc của anh là chuyên chở nguyên vật liệu xây dựng, nhưng bận rộn đến đâu anh cũng không bỏ múa Bồng.

Anh kể: “Câu lạc bộ do nghệ nhân Triệu Đình Hồng thành lập từ năm 1985. Nhận thấy điệu múa cổ có nguy cơ thất truyền, nghệ nhân Triệu Đình Hồng vận động bà con phục hồi. Ông hướng dẫn chúng tôi cách đưa tay ra sao, bước chân thế nào, ánh mắt từng người trong mỗi cặp làm sao phải ra cái thần "Con đĩ đánh bồng"... Ngày mới biểu diễn trước dân làng, chúng tôi rất xấu hổ, nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi ông động viên rằng cần phải giữ hồn cốt truyền thống, thế là chúng tôi đều cố gắng. Giờ thì không ngại nữa, ai cũng thấy vinh dự khi được chọn biểu diễn trước dân làng mình”.

Anh Bùi Văn Hảo, thành viên Câu lạc bộ múa Bồng làng Triều Khúc cho biết: “Tôi đã tham gia câu lạc bộ được 10 năm, để được tham gia múa hầu Thánh, phải là nam giới chưa vợ, không có tang, nhân phẩm tốt, gia đình gia giáo, hòa thuận. Lúc trình diễn, người múa trang điểm giống con gái, đầu đội khăn gỗ ngoài chít khăn mỏ quạ màu đỏ tươi, mặc quần áo trắng, bên ngoài quần mặc thêm váy nhiễu màu đen thụng tới mắt cá chân, cổ quàng tấm lụa nhỏ có hình lá sen thêu hoa lá cách điệu (có những dải màu ngũ sắc rủ xuống), ngang lưng thắt tấm lụa dài màu xanh lục”.

Trải qua thăng trầm, điệu múa cổ này vẫn được trai làng Triều Khúc gìn giữ, trở thành nét văn hóa rất riêng của người Hà Nội. Việc giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống được Triều Khúc coi trọng hàng đầu cùng với phát triển du lịch, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tân Triều nói riêng và huyện Thanh Trì nói chung.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Triều Đặng Ngọc Quyền, năm 2013, xã Tân Triều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2022, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm 2023, tiếp tục được Đoàn thẩm định của thành phố Hà Nội đánh giá đủ điều kiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn xã hiện có 11.732 hộ dân, thu nhập bình quân năm 2023 đạt 89 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng 65%; thương mại, dịch vụ 35%; sản xuất nông nghiệp dưới 0,1% trong cơ cấu kinh tế toàn xã…

Bảo Thoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...