A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản vật trời ban ở An Lão

Tỉnh Bình Định đang bảo tồn rừng chè cổ thụ mọc tự nhiên ở xã An Toàn, huyện An Lão; định hướng phát triển thành đặc sản của địa phương, thu hút du lịch.

Nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, xã vùng cao An Toàn được ví như "cổng trời", huyện phía Tây Bắc tỉnh Bình Định. Ngoài khí hậu quanh năm mát mẻ và nhiều cảnh quan đẹp, đây cũng là nơi duy nhất ở Bình Định có khu bảo tồn thiên nhiên, hiện do Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn quản lý.

Khẳng định thương hiệu

Theo Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn, tại khoảnh 11A, tiểu khu 37 tục danh Bãi cỏ Gia Long thuộc thôn 2 có khu rừng chè cổ thụ "tiến vua" (hay còn gọi là chè Ô Long) khoảng 1,9 ha, với hơn 1.000 gốc trên trăm tuổi. Ngoài ra, tại 3 thôn của xã An Toàn hiện còn có nhiều cây chè cổ thụ mọc tự nhiên nằm rải rác. Có nhiều giai thoại về rừng chè tự nhiên này nhưng đến nay vẫn chưa có tài liệu nào xác định được nguồn gốc của những cây chè cổ thụ nhưng ai cũng cho hay ít nhất nó đã sinh tồn tại đây hàng trăm năm.

Lá chè xanh ở xã An Toàn vo nấu nước có màu vàng sánh rất đẹp. Khi uống có vị đắng ở đầu lưỡi, ngọt hậu, thơm ngon và có mùi đặc trưng nên được gọi là "thuốc bổ của rừng". Do vậy, thời gian qua, nhiều thế hệ ở xã An Toàn đã sử dụng lá chè tự nhiên này nấu nước uống hằng ngày.

Sản vật trời ban ở An Lão- Ảnh 1.

Rừng chè cổ thụ tại xã An Toàn

Đất tại khu rừng chè cổ thụ khá bằng phẳng nên thời gian qua, người dân địa phương tận dụng những khoảng trống để trồng cây khoai mì và quế. Tuy nhiên, không ai phá bỏ những cây chè mọc tự nhiên nơi này mà chỉ vun vén, chăm sóc .

Nhận ra tiềm năng phát triển của rừng chè mọc tự nhiên ở xã An Toàn, thời gian qua, huyện An Lão đã định hình phát triển chè "tiến vua" theo hướng sản phẩm đặc trưng địa phương để làm quà tặng chất lượng cao phục vụ du lịch.

Cụ thể, năm 2016, UBND huyện An Lão đã phê duyệt Ðề án khôi phục và phát triển vùng chè tự nhiên rộng 1,9 ha tại thôn 2, xã An Toàn; đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu chè đặc sản "tiến vua", do Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn thực hiện. Quyết định này như liều thuốc "tái sinh" để cây chè cổ tại xã An Toàn có điều kiện phục hồi và phát triển. Ngay sau đó, rừng chè tập trung tại Bãi cỏ Gia Long được chọn để bảo tồn; rào chắn được dựng lên; từng cây chè được vun gốc, bón phân; đồng thời vùng chè được trồng bổ sung đông đặc từ 600 cây ban đầu tăng lên 1.000 cây.

Đến năm 2019, huyện An Lão lập các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Chè tiến vua An Toàn - An Lão". Ngoài ra, huyện An Lão cũng đã đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP đối với sản phẩm này.

Hình thành không gian văn hóa

Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn, đơn vị đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Dược và Trang thiết bị y tế Bình Định tiến hành phân tích, đánh giá hàm lượng các dược chất có trong chè tự nhiên ở An Toàn; qua đó, so sánh với các vùng chè khác khá nổi tiếng như chè Gò Loi ở huyện Hoài Ân để tiến tới xây dựng thương hiệu, sản xuất hàng hóa bán ra thị trường.

Những bước đi ban đầu này là sự cụ thể hóa định hướng của huyện An Lão trong việc phát triển sản phẩm đặc trưng địa phương gắn liền với phát triển sinh kế, đời sống cho người dân ở xã vùng cao An Toàn; khai thác du lịch trải nghiệm cộng đồng…

Sản vật trời ban ở An Lão- Ảnh 2.

Công việc chăm sóc, bảo tồn giống chè cổ của nhân viên Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn

Ðể sớm biến điều này thành hiện thực, UBND huyện An Lão đề xuất UBND tỉnh Bình Định và các sở, ban, ngành hỗ trợ lập quy hoạch vùng An Toàn; đồng thời lập đề án phát triển sản phẩm chè "tiến vua" gắn với phát triển sản phẩm văn hóa du lịch.

Theo ông Ðỗ Tùng Lâm, quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão, việc tổ chức quy hoạch sẽ góp phần bảo tồn được diện tích chè cổ thụ, xây dựng và hình thành không gian văn hóa chè "tiến vua" tại xã An Toàn. Mục tiêu hướng đến là tạo sinh kế phát triển bền vững cho người dân địa phương, đặc biệt là giúp đồng bào Ba Na bám đất, bám rừng và sống được nhờ sản vật dưới tán rừng một cách bền vững.

Ngoài bảo tồn vùng chè tập trung của Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn, huyện An Lão còn tổ chức khảo sát toàn bộ các vùng chè khoảng 5.000 ha đang có ở cả 3 thôn thuộc xã An Toàn; qua đó sẽ khoanh vùng, bảo vệ và chăm sóc để có thể khai thác sản phẩm. Về lâu dài, ngành chức năng của huyện tham vấn các đơn vị chuyên môn để nghiên cứu sâu hơn về công tác bảo tồn nhằm nhân giống chè.

"Hiện chúng tôi gấp rút thực hiện việc kiểm đếm, đánh dấu các diện tích vùng chè cổ thụ. Đồng thời phối hợp với bà con ở địa phương khoanh vùng và bảo vệ chè tự nhiên ở trong rừng đặc dụng, tính toán tới việc khai thác thành sản phẩm hàng hóa giúp người dân có thêm thu nhập từ sản vật dưới tán rừng" - ông Lâm tin tưởng. 

Gắn với phát triển văn hóa du lịch

Xét đề nghị của UBND huyện An Lão về việc hỗ trợ phát triển cây chè "tiến vua" tại xã An Toàn, UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản giao UBND huyện An Lão chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan khảo sát, đề xuất bố trí mặt bằng tại xã An Toàn để thực hiện lắp đặt cơ sở hạ tầng, thiết bị dây chuyền công nghệ sản xuất thử nghiệm sản phẩm chè "tiến vua". Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định phương án sản xuất thử nghiệm sản phẩm chè này. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng hướng dẫn UBND huyện An Lão hỗ trợ thủ tục liên quan đến quy hoạch tại khu vực xã An Toàn. Đồng thời, đồng ý chủ trương cho UBND huyện An Lão lập đề án phát triển sản phẩm chè "tiến vua" gắn với phát triển văn hóa du lịch.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết