Danh họa cuồng loạn Caravaggio
Trong thế giới hội họa Baroque, tranh của họa sĩ người Ý Caravaggio (1571 - 1610) gây rùng mình hơn cả vì đậm sắc thái bạo lực.
Tranh của Caravaggio cực kỳ bạo lực, máu me và u ám nhưng vẫn hút ánh nhìn. Ảnh: Thecollector.com |
Đáng sợ hơn, chúng phản ánh chính xác bản tính và thiên hướng của người vẽ ra.
Cuộc đời… nát bét
Caravaggio sinh ra ở Milan, từ nhỏ đã phải sống rất cơ cực do gia cảnh bần hàn, nhưng ông sớm tiếp xúc với hội họa nhờ làm người giúp việc kiêm học trò của họa sĩ Simone Peterzano (1535 - 1599, Ý). Năm 1592, ở tuổi 21, Caravaggio tới Rome và vô tình, vào thời gian này, Giáo hội đang vô cùng khát tranh tôn giáo phong cách mới.
Cuối thế kỷ XVI, đạo Tin lành phát triển mạnh ở châu Âu. Những người theo tôn giáo này phản đối sự miêu tả của các nhân vật trong Kinh thánh trên các tranh vẽ, điêu khắc nghệ thuật và thẳng tay phá hủy chúng.
Ý, với tư cách trụ sở của Giáo hội Công giáo buộc phải trở thành tiên phong chống lại cuộc Cải cách Tin lành. Các giáo hoàng sử dụng nhiều biện pháp đối phó và trong đó có hội họa. Họ nỗ lực lấp đầy các nhà thờ và cung điện khổng lồ đang xây dựng bằng tranh tôn giáo mới.
Tuy còn rất trẻ nhưng Caravaggio đã nổi tiếng nhờ am tường kiến thức về thần thoại và sở hữu phong cách vẽ ấn tượng. Năm 1596, ông vẽ xong bức tranh “Bacchus” cho Đức Hồng y Francesco Maria del Monte (1549 - 1627). Bacchus miêu tả cảnh vị thần rượu nho cùng tên đang dựa lưng thư giãn với ly rượu trên tay, xung quanh đầy trái cây và trên mái tóc là vòng nguyệt quế bằng lá nho.
Họa sĩ Caravaggio. Ảnh: Wikipedia.org |
Sau “Bacchus”, Caravaggio tiếp tục thành công với “Narcissus”, chàng trai say mê chính mình trong kiệt tác sử thi “Metamorphoses” của thi sĩ Ovid (43 TCN - 17/18 SCN, La Mã). Nếu Bacchus là vị thần say xỉn và điên rồ thì Narcissus là chàng trai cuồng tự luyến. Nhiều người cho rằng, cả 2 chính là lời tiên đoán cho cuộc đời cũng như phong cách hội họa áp đảo của Caravaggio.
Trước khi đến Rome, Caravaggio đã là thanh niên bất trị. Ông thường xuyên gây sự, đánh nhau, thậm chí xô xát và khiến cả cảnh sát bị thương. Chính vụ đả thương cảnh sát khiến ông phải bỏ Milan, trốn đến Rome trong tình cảnh không một xu dính túi.
May mắn cho Caravaggio là chỉ sau vài tháng đói rách, ông được họa sĩ Giuseppe Cesari (1568 - 1640), người đang được Giáo hoàng Clement VIII (1536 - 1606) bảo trợ nhận vào làm ở xưởng vẽ, cho phép vẽ tranh và nhanh chóng trở thành họa sĩ trẻ tiềm năng.
Bất chấp ơn cưu mang, Caravaggio sớm gây gổ, cãi vã kịch liệt với Cesari và cuối cùng hất Cesari sang một bên để “tự theo con đường riêng”. Suốt ngày, ông nhậu nhẹt, đánh bạc và ẩu đả trên đường phố.
Trái với thói tật “nát như tương”, tài năng hội họa của Caravaggio là không thể phủ nhận. Nó thu hút nhân vật vừa quyền lực vừa sành sỏi tranh nhất đương thời là Hồng y Del Monte.
Nhờ Hồng y, Caravaggio ký được hợp đồng cực kỳ béo bở là trang trí Nhà nguyện Contarelli trong Nhà thờ San Luigi dei Francesi. Với 2 bức tranh “Cuộc tử vì đạo của Thánh Matthew” và “Lời kêu gọi của Thánh Matthew”, ông gây chấn động giới hội họa và ngày càng nhận được nhiều lời mời vẽ tranh với giá tiền thuê cao ngất ngưởng.
Càng tiếng tăm, Caravaggio càng cuồng loạn. Ông liên tục bị bắt vì vô số các tội danh quái gở, ví dụ như ném đĩa atiso vào mặt người hầu bàn, xé áo của đối thủ chơi quần vợt… Năm 1606, Caravaggio còn đâm chết thanh niên tên Ranuccio Tomassoni vì “giành giật đàn bà”.
Với tội danh giết người, Caravaggio buộc phải trốn khỏi Rome để tránh bị xử tử. Ông chui nhủi hết thành phố này đến thành phố khác, vẽ tranh kiếm sống và kỳ vọng đến ngày được ân xá, nhưng vẫn không ngừng say xỉn và bạo lực. Lúc ở Malta, ông còn bị trục xuất vì đánh nhau với một hiệp sĩ đồng hương.
Năm cuối đời, Caravaggio thành công khiến Giáo hội rủ lòng thương, cho phép về Rome. Tuy nhiên, đúng lúc lên đường, ông bị cảnh sát bắt nhầm và tạm giam. Dù được thả ra ngay nhưng tất cả đồ đạc cá nhân của ông đã bị mất. Trong lúc điên cuồng tìm kiếm chúng, Caravaggio bị say nắng và đổ bệnh, cuối cùng qua đời tại Porto Ercole, nơi cách rất xa Rome.
“Cái đẹp của máu me”
Sau thời gian ngắn vẽ tranh tôn giáo với những cảnh tượng thần thoại sáng sủa, Caravaggio sa đà vào những cảnh u ám, bạo lực. Năm 1599, ông ra mắt tác phẩm khiến toàn giới hội họa thất kinh, “Judith cắt đầu Holofernes”. Nó làm sống dậy khoảnh khắc kinh hoàng nhất trong Kinh thánh, người phụ nữ Do Thái tên Judith sát hại tướng quân Assyria, Holofernes.
Theo thần thoại tôn giáo, Judith sống ở thành phố Bethulia. Khi thành phố này bị quân Assyria bao vây, cô đã giả dạng nạn dân và tiếp cận Holofernes, nịnh bợ ông rằng định mệnh của ông là người chiến thắng.
Bị lời ngon tiếng ngọt mê hoặc, Holofernes mời Judith vào lều. Trong lúc ông mất cảnh giác, Judith lấy kiếm ra cắt đứt đầu và mang về dâng lên chủ thành Bethulia, mở đường cho chiến thắng của người Do Thái.
Narcissus, bức tranh được xem như lời tiên tri cho cuộc đời 'tự mình hại mình' của Caravaggio. Ảnh: Thecollector.com |
Trong tranh của Holofernes, Judith được vẽ với khuôn mặt cực kỳ bình tĩnh và thản nhiên, như thể chuyện đang làm chỉ là việc rất bình thường. Ngược lại, Holofernes đầy kinh ngạc và hoảng loạn. Máu từ vết cứa trên cổ ông trào ra, thấm đẫm tấm ga trải giường màu trắng.
Thời gian lưu vong sau vụ ngộ sát, Caravaggio vẽ càng u ám hơn. Ông nhận lời vẽ bức “Vụ chặt đầu Thánh John ở Baptist” và ra mắt bức tranh giống như cảnh tĩnh cắt ra từ một thước phim kịch tính.
Trong tranh, Thánh John ở Baptist bị đao phủ giữ chặt trong tình trạng cổ đã bị cắt đứt, máu chảy xối xả và xung quanh là những người chứng kiến với khuôn mặt đầy nét kinh hãi.
Họ bao gồm một phụ nữ bị ép phải đặt chiếc chậu xuống bên cạnh, một phụ nữ ôm mặt đau đớn, một người đàn ông chỉ tay ra lệnh và 2 người đàn ông đứng ngoài cửa sổ nhìn vào.
Nhờ “Vụ chặt đầu Thánh John ở Baptist”, Caravaggio mới được sống ở Malta nhưng, vì bạo lực, ông lại bị đuổi đi. Suốt nhiều năm, ông tích cực vẽ tranh Công giáo để xin lệnh ân xá từ Giáo hội và cuối cùng đã nhận được nó với bức tranh “Thủ cấp của Thánh John ở Baptist”.
Đây có lẽ là bức tranh rùng mình nhất trong sự nghiệp hội họa của Caravaggio. Nó họa lại cảnh công chúa Do Thái Salome dâng đầu của Thánh John ở Baptist lên cho hoàng huynh Herod, Vua xứ Judea trên một cái khay. Vẻ mặt của Herod đầy đắc thắng còn tay thì túm tóc của Thánh John ở Baptist kéo lên.
Trước khi “Thủ cấp của Thánh John ở Baptist” đến được Giáo hội, Caravaggio đã bị một nhóm tín đồ Tin lành cuồng nhiệt bao vây, đánh hội đồng và bị dao rạch một vết sâu trên mặt. Rất có khả năng là vì tội nghiệp ông, Giáo hội mới cho ân xá.
Mặc dù, Caravaggio không bao giờ về được đến Rome nhưng “Thủ cấp của Thánh John ở Baptist” đã an toàn đến tận bây giờ. Nó cùng với nhiều bức tranh đầy u tối, bạo lực của ông cuốn hút cái nhìn của người thưởng thức, khiến họ thấy sợ hãi nhưng lại không thể rời mắt nổi.