Còn 2 ngày tốt cúng Rằm tháng 7 năm 2022 giúp mang may mắn, tài lộc đến cho cả nhà
Rằm tháng 7 là một ngày lễ quan trọng trong năm. Chính vì vậy lễ cúng Rằm tháng 7 được các gia đình hết sức coi trọng, lưu tâm.
Cúng Rằm tháng 7 vào ngày nào tốt nhất?
Bà Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) vừa sắp lễ xá tội vong nhân, vừa trò chuyện hướng dẫn con dâu mới việc cúng Rằm tháng 7.
Đầu tiên bà hướng dẫn con dâu xem Lịch vạn niên, theo đó Rằm tháng 7 năm 2022 rơi vào thứ Sáu, ngày 12/8/2022 dương lịch (tức ngày 15/7 năm Nhâm Dần). Cúng Rằm tháng 7 thường cúng đúng hôm Rằm, tốt nhất là buổi sáng.
Bà Lan bảo với con dâu rằng, các cụ xưa từ mùng 2 tháng 7 âm lịch đã bắt đầu cúng tới 14/7 âm lịch - đó là lễ cúng xá tội vong nhân với quan niệm là thời điểm mà Diêm Vương cho mở cửa Quỷ Môn Quan để các vong hồn được về thăm lại dương giới. Lễ này nhằm bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn bơ vơ không người thờ cúng.
Nhưng ngày nay do quá bận rộn nên nhiều nhà gắn luôn lễ xá tội vong nhân và lễ cúng Rằm tháng 7 vào một ngày tại nhà cho tiện. Vì thế mới có nhiều người nhầm cúng Rằm tháng 7 là cúng xá tội vong nhân.
Cũng dịp này có lễ Vu lan - là lễ báo hiếu mẹ cha của đạo Phật, liên quan đến việc cầu siêu cho vong linh người đã khuất. Trong cuốn Lễ Tết 365 ngày của tác giả Thanh Bình có giải nghĩa: "Lễ Vu Lan là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất - một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện đạo lý "ăn quả nhớ kẻ trồng cây".
Dịp này các gia đình hay lên chùa tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên và cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát.
Các chùa trước ngày Rằm tháng 7 cũng dành 1 ngày để tổ chức lễ Vu lan báo hiếu phục vụ nhu cầu cầu siêu của nhân dân.
Lễ Vu lan cúng ở chùa (ngày thì tùy chùa quy định), sau đó tùy điều kiện mà người dân về nhà sắm hương hoa trà quả tụng kinh Vu lan cầu siêu cho cha mẹ, tổ tiên tại nhà.
Lễ cúng xá tội vong nhân thường từ ngày mùng 2 đến ngày 14 âm lịch, thời gian tùy gia chủ sắp xếp cho hợp lý - nhưng theo quan niệm dân gian là cúng trước ngày Rằm tháng 7.
Và trong khoảng thời gian này hay có những trận mưa rào to - gọi là "mưa chở mã" - cho các vong hồn thụ hưởng.
Người xưa cho rằng, cúng trước ngày Rằm tháng 7 thì những cơn mưa chở mã mới dễ nhận đồ cúng lễ. Muộn hơn thì không có mưa, và cửa ngục đóng, người âm có thể sang tháng 7 sau mới được nhận đồ cúng lễ.
Tục lệ cúng xá tội vong nhân trước Rằm tháng 7 được lưu truyền từ rất lâu đời cho tới ngày nay.
Gợi ý mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 tỏ lòng thành kính, cầu may mắn, yên bình
Theo Lịch Vạn sự thì còn ngày 13/7 âm lịch là ngày đẹp để thực hiện lễ cúng này. Giờ đẹp để dâng hương là: Kỷ Mão (5h-7h); Tân Tị (9h-11h); Giáp Thân (15h-17h); Bính Tuất (19h-21h). Nhưng một số người thì gộp cả 3 lễ cúng Rằm, lễ Vu lan, lễ xá tội vong nhân cùng làm trong ngày Rằm tháng 7 cho tiện. Theo đó từ sáng sớm người dân đã chuẩn bị 3 mâm lễ xong xuôi, bắt đầu tụng văn khấn cúng Rằm tháng 7, rồi tụng kinh Vu lan - việc này thường làm xong trong buổi sáng.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 có 3 lễ: cúng Phật, cúng trong nhà và cúng ngoài trời.
Cúng Phật
Mâm cúng Phật nên sắp 1 mâm cơm chay, hay mâm ngũ quả đơn giản với hoa hương đèn nước (tùy gia chủ) - nhưng phải là đồ thật và nên cúng vào buổi sáng.
Sau khi dâng cúng Phật thì có thể hạ lễ để cả nhà cùng được thọ lộc.
Cúng thần linh, gia tiên
Cúng thần linh và gia tiên (còn gọi là lễ cúng trong nhà), làm lễ chay, hay mặn tùy gia chủ, cũng có trái cây, hoa cúng, nước, rượu, nhang, nến... thể hiện lòng thành kính, biết ơn tổ tiên.
Tùy nhà mà có lễ cúng mặn hay không. Lễ mặn là những món ăn thơm ngon, tinh khiết thường có xôi, gà luộc, cơm canh, các món xào, món nộm... và vàng mã cho người đã mất (quần áo, giày dép, đồ dùng trẻ nhỏ...).
Chú ý là mâm cúng thần linh, gia tiên thường đặt thấp hơn mâm cúng Phật.
Lễ cúng Phật, lễ cúng thần linh, gia tiên, người ta thường không quá cầu kỳ việc tổ chức vào giờ nào bởi các lễ cúng này thành tâm là chủ yếu, miễn không để quá Rằm.
Mâm cúng ngoài trời
Cúng ngoài trời (còn gọi là cúng thí thực, mâm cúng chúng sinh) với mục đích chính là bố thí cho những cô hồn bơ vơ, không nhà cửa, không người thờ cúng - có thể hiểu là cầu siêu và có lễ thí thực cho vong linh thiếu phước.
Lễ cúng thường tiến hành vào buổi chiều tối ngay sau lễ xá tội vong nhân, hoặc chiều ngày 14 -15/7 âm lịch - là thời điểm các vong linh trở về địa ngục (theo quan niệm tâm linh) và họ có thể dễ dàng thụ hưởng đồ cúng và mang theo về âm giới.
Mâm cúng chúng sinh gồm:
Muối gạo
Cháo trắng nấu thật loãng.
3 chén nước, hương nến, hoa quả, bánh kẹo, bỏng nẻ, ngô, khoai, lạc... và không thể thiếu tiền mã với những bộ quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc khác nhau...
Thời gian cúng chúng sinh sớm nhất là 14 giờ, chậm nhất là 19 giờ. Không cúng sớm hơn, cũng không cúng muộn hơn. Giờ thông thường nhất các chùa chiền hay dùng để cúng chúng sinh là vào giờ Dậu (17 - 19 giờ) - là lúc nhập nhoạng nên các cô hồn có thể ăn uống được.
Không cúng chúng sinh buổi sáng, buổi trưa vì theo dân gian ban ngày có ánh sáng mặt trời, các linh hồn về đang yếu ớt, sợ ánh sáng sẽ không thể nhận các vật phẩm bày cúng.
(*) Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.