Xu hướng chọn ngành, nghề dần cân bằng
Theo thống kê nhanh của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), đến ngày 8/5 có trên 688.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến thành công.
Thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng kết quả xét tuyển đại học có 537.000, chiếm gần 79%. Điều đáng nói số thí sinh chọn bài thi theo tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) tiếp tục chiếm ưu thế với 52%, tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) chỉ trên 30%.
Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, xu thế này không mới nhưng nó đang cho thấy sự cân bằng trong nhu cầu nhân lực.
Bài thi theo tổ hợp KHXH chiếm ưu thế 3 năm liền
Từ thống kê nhanh, tỷ lệ học sinh đăng ký bài thi theo tổ hợp môn năm 2022 có thể thấy xu hướng chọn tổ hợp không có gì mới. Cụ thể, trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, số thí sinh chọn bài thi theo tổ hợp KHXH là gần 53%, áp đảo so với 34,07% thí sinh lựa chọn bài thi KHTN.
Năm 2020, tỷ lệ thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp KHXH tăng lên 55,38%. Năm 2021, tổng số bài thi KHXH là 541.777 (chiếm 53,38%), cao hơn nhiều so với số thí sinh đăng ký chọn bài thi KHTN là 343.564 (33,85%).
Đánh giá về xu hướng trên, ThS Phùng Quán - chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) - nhìn nhận: Đa số học sinh vẫn lo hoàn tất chương trình THPT và tốt nghiệp. Theo chia sẻ của nhiều em, tổ hợp KHXH dù sao vẫn dễ lấy điểm hơn tổ hợp KHTN.
“Cũng như 3 năm gần đây, số học sinh đăng ký tổ hợp KHTN khá thấp. Chênh lệch trên thể hiện rõ sự cầu toàn của phần lớn thí sinh cho kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thực tế nhiều năm qua cũng cho thấy, việc các môn khối KHXH như: GD Công dân, Lịch sử, Địa lý nếu thí sinh có hiểu biết xã hội, ôn tập bài vở hệ thống, biết vận dụng tình huống đúng hay sai và học kỹ năng dùng Atlat rất dễ kiếm điểm. Ngược lại, với bài thi thuộc tổ hợp KHTN nếu thí sinh không nắm vững công thức, định lý, định luật thì khó chọn được đáp án đúng và đạt mức điểm mình mong muốn”, ThS Phùng Quán nhận định.
Trần Thị Tú Trinh - học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) cũng thừa nhận điều này. Tú Trinh chọn tổ hợp KHXH vì mình có thế mạnh ở môn Ngữ văn và Ngoại ngữ nên chỉ cần cố gắng làm tốt bài thi tổ hợp là có thể tham gia xét tuyển nhiều trường, ngành mà em yêu thích. “Mục tiêu lớn nhất của em khi chọn bài thi KHXH là để tốt nghiệp trước, kế đến là có điểm số tốt nhất cho tổ hợp môn xét tuyển đại học”, Tú Trinh chia sẻ.
Điểm chuẩn sẽ ra sao với nhóm ngành KHXH?
Từ kinh nghiệm của mình, ThS Phùng Quán cho rằng: Với những thay đổi trong đăng ký xét tuyển trong năm nay và với xu thế chọn ngành nghề của học sinh, điểm chuẩn của các ngành có các tổ hợp liên quan đến bài thi KHTN sẽ tương tự năm 2021. Riêng điểm chuẩn cho phương thức điểm thi THPT dự kiến tương đối cao.
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - chia sẻ: Học sinh đăng ký các môn KHXH nhiều hơn với mục tiêu chỉ đậu tốt nghiệp THPT là điều dễ hiểu. Bởi các môn này có mức độ khó ít hơn nhiều so với các môn KHTN và dễ đạt điểm trung bình hơn.
Điểm chuẩn nhóm ngành KHXH sẽ tăng hay không (do tỷ lệ đăng ký lớn) rất khó để nhận định, do chỉ tiêu dành cho phương thức xét của từng trường khác nhau. “Thực tế có quá nhiều phương thức xét tuyển để các em lựa chọn ngoài phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Với điều chỉnh trong hình thức xét tuyển chung về một cổng của Bộ GD&ĐT như năm nay, dự đoán điểm chuẩn nhóm ngành KHXH sẽ nhích nhẹ ở phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT”, ThS Phạm Thái Sơn nhận định.
TS Mai Đức Toàn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Gia Định - nêu quan điểm: Thí sinh chọn tổ hợp bài thi liên quan đến sở trường và lợi thế khi thi tốt nghiệp THPT (tùy vào năng lực), nhưng qua đây cho thấy xu hướng các ngành nghề thuộc nhóm KHXH đang chiếm ưu thế do nhu cầu của xã hội và phản ánh sở thích của các em.