Trường vùng cao tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1
Không chỉ dạy tiếng Việt trong giờ học, mà trong các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, nhiều trường mầm non vùng cao đã lồng ghép dạy tiếng Việt cho học sinh.
Học tiếng Việt mọi lúc mọi nơi
Với trẻ mầm non là người dân tộc thiểu số, trước khi đến trường, các em chủ yếu sử dụng ngôn ngữ riêng của dân tộc mình nói chuyện với nhau.
Do vậy, nhiều em đến tuổi đi học vẫn chưa biết sử dụng thành thạo tiếng phổ thông để giao tiếp với thầy cô. Nhằm kích thích trẻ giao tiếp với mình bằng tiếng phổ thông, các trường đã lồng ghép, tận dụng mọi giờ học để dạy tiếng Việt.
Theo chia sẻ của cô Hoàng Thị Thu Hiền - Phó hiệu trưởng Trường Mầm non 1 xã Lâm Ca (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn), cái khó khi giảng dạy cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tiếng Việt chính là ngôn ngữ. Học sinh của cô đa số là người dân tộc Tày, Dao… trước khi đến trường các em chưa biết tiếng Việt hoặc biết rất ít tiếng Việt. Do đó trẻ rất nhút nhát, rụt rè, thiếu tự tin.
Bên cạnh đó, đời sống kinh tế khó khăn, phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học của trẻ, đặc biệt là trẻ mầm non. Để hỗ trợ trẻ nắm vững tiếng Việt và tự tin giao tiếp, nhà trường chủ động phối hợp với gia đình, đồng thời lựa chọn phân công giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy cho các em.
Còn theo chia sẻ của cô Đinh Thị Thanh Hoà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, việc dạy tiếng Việt luôn được nhà trường chú trọng. Đặc biệt là đối với trẻ chuẩn bị vào lớp Một. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên đứng lớp xây dựng kế hoạch năm học, đưa ra những mục tiêu và nội dung cụ thể. Đặc biệt, chú trọng vào lĩnh vực phát triển ngôn ngữ.
Mỗi tuần giáo viên Trường Mầm non Hương Liên sẽ dạy 1-2 tiết tiếng Việt cho trẻ. Ngoài ra nhà trường còn tích hợp dạy tiếng Việt cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi. Ví dụ: trong giờ chơi, trước khi ăn, trước khi đi ngủ và trong giờ đón và trả trẻ. Tập trung dạy các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, rèn cho trẻ cách phát âm và nhận biết chữ cái cho đúng.
Cô Hòa cũng cho biết thêm: "Đối với học sinh dân tộc thiểu số, khả năng tiếng Việt hạn chế hơn do vậy nhà trường cử giáo viên cốt cán cùng với giáo viên trực tiếp dạy cùng xây dựng kế hoạch, đồng thời tham khảo ý kiến của chuyên viên phòng giáo dục".
Không những vậy, đối với trẻ 2-3 tuổi mới vào lớp, giáo viên thường xuyên gần gũi giao tiếp bằng tiếng Việt. Tổ chức cho trẻ đi tham quan trải nghiệm, giao lưu với các lớp trẻ dân tộc Kinh để trẻ thêm tự tin, mạnh dạn và giao tiếp bằng tiếng Việt nhiều hơn. Ngoài ra nhà trường cũng tổ chức các chương trình giao lưu cho trẻ dân tộc được tham gia vào các hoạt động.
Cô Hòa cũng nhấn mạnh: “Chương trình GDPT mới học sinh sẽ có nhiều trải nghiệm cũng như đòi hỏi khá cao trong học tiếng Việt. Vì vậy giáo viên ở cấp mầm non, đặc biệt là giáo viên dạy cho trẻ 5 tuổi phải dạy các con tiếng Việt một cách thành thạo, rèn phát âm chuẩn để giảm bớt áp lực đầu cấp”.
Theo đó, hằng năm Trường Mần non Hương Liên đã tổ chức nhiều buổi giao lưu, trò chuyện và cho trẻ đi thăm quan trường tiểu học để các em được khám phá, trải nghiệm, được trực tiếp vào làm quen với cô giáo, các anh chị lớp Một.
“Qua đó để khi trẻ lên lớp 1 không bị bỡ ngỡ, kích thích ham muốn học tiếng Việt trong trẻ”, cô Hòa nói.
Xây dựng chương trình học riêng
Đặc thù địa phương học sinh chủ yếu là người đồng bào dân tộc, có tiếng nói riêng. Do đó, để tăng cường việc dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non ở huyện Đình Lập, ngành giáo dục đã lồng ghép vào các hoạt động trải nghiệm để giảng dạy.
Theo chia sẻ của bà Lã Hải Yến – Phó trưởng Phòng giáo dục huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) cho biết: “Để kích thích học sinh học tiếng Việt, cũng như tự tin vào lớp 1 Phòng Giáo dục đã chỉ đạo các trường trang trí, gắn chữ cái, chữ số ở các góc học tập, lồng ghép vào hoạt động vui chơi.
Xây dựng các tiết học làm sao lồng ghép, rèn luyện giúp học sinh phát triển khả năng học tiếng Việt. Mỗi tiết, các trường sẽ lồng ghép 2-3 chữ cái để học sinh tìm hiểu và khám phá”.
Bên cạnh đó, bà Yến cũng chỉ ra một số khó khăn gặp phải trong quá trình dạy tiếng Việt cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số là hiện tượng học sinh bị ngọng.
Đối với những học sinh này, để phát âm chuẩn, Phòng giáo dục cũng như các trường mầm non đã đưa ra nhiều phương pháp để rèn luyện cho học sinh.
“Buổi chiều, những học tiết học chính khóa sẽ rèn 1-2 chữ cái thông qua các tiết như: Thơ, kể chuyện cho các em luyện nói, luyện phát âm. Hay trong các hoạt động vui chơi, đối với những học sinh bị ngọng giáo viên cũng ưu tiên để các em tham gia hoạt động, chia sẻ suy nghĩ cảm nhận của mình qua các hoạt động từ đó cô giáo sẽ hỗ trợ, điều chỉnh giúp học sinh”, bà Yến nhấn mạnh.