A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường học Hà Nội gắn kết với gần 700 chuyên đề kinh nghiệm giảng dạy được chia sẻ

Với phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, Hà Nội nỗ lực giảm khoảng cách giáo dục giữa các quận huyện toàn thành phố qua hàng trăm chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy.

Một trong những buổi sinh hoạt chuyên đề giữa giáo viên quận Hoàng Mai và huyện Ứng Hòa

Một trong những buổi sinh hoạt chuyên đề giữa giáo viên quận Hoàng Mai và huyện Ứng Hòa

Sau 8 tháng triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, 100% các đơn vị quận huyện, thị xã trên địa bàn đã kết nối, ký kết giao ước, xây dựng nội dung, kế hoạch và lộ trình thực hiện phong trào.

Có 672 trường mầm non, tiểu học, THCS tổ chức gặp gỡ, ký biên bản ghi nhớ song phương; 65 trường THPT và Trung tâm GDNN-GDTX ký cam kết giao ước.

Tính đến hết năm học 2022-2023, có 160 chuyên đề được tổ chức thực hiện. Ở mức độ cấp trường, đã có 628 chuyên đề chia sẻ, liên kết được thực hiện, tập trung chủ yếu vào những hoạt động hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, các chuyên đề về hoạt động trải nghiệm, kĩ năng sống cho trẻ mầm non; ứng dụng CNTT trong dạy học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, ôn thi học sinh giỏi.

Các trường THPT, các Trung tâm GDNN-GDTX đã thực hiện được 30 buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm tổ chức các hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn theo hình thức trực tiếp, thực hiện được 6 buổi chia sẻ kinh nghiệm, dạy học theo hình thức online...

Bên cạnh các hoạt động chia sẻ, học tập trong lĩnh vực chuyên môn, các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cũng là một nội dung được các quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục quan tâm.

Việc cho học sinh các trường ngoại thành thăm quan học tập ở các trường nội thành và ngược lại cũng được nhiều trường THPT tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, các đơn vị tích cực hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó.

Để phong trào có sức lan tỏa và đạt hiệu quả tốt hơn, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương mong thời gian tới, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền;

Xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực; yêu cầu phong trào là một trong những nội dung thi đua của đơn vị, tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các cơ quan, các doanh nghiệp... đưa giáo dục thực sự là sự nghiệp của toàn dân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết