Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế - đào tạo mỹ thuật trong bối cảnh hiện nay
Mùa tuyển sinh 2025, không khí tại Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế đang sôi động hơn bao giờ hết. Với 417 thí sinh đăng ký dự thi – con số cao nhất trong một thập kỷ qua – ngôi trường danh giá này tiếp tục khẳng định vị thế là cái nôi đào tạo mỹ thuật hàng đầu miền Trung và Tây Nguyên, nơi ươm mầm những tài năng nghệ thuật cho đất nước.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng đề cao giá trị thẩm mỹ, hành trình của ngôi trường gần 70 năm tuổi này là một câu chuyện đầy cảm hứng về đam mê, sáng tạo và nỗ lực vượt khó.
Cái nôi nghệ thuật miền Trung
Trường Đại học Nghệ thuật, trực thuộc Đại học Huế, từ lâu đã là biểu tượng của giáo dục mỹ thuật chuyên nghiệp tại Việt Nam. Với bề dày lịch sử gần 70 năm, đây không chỉ là nơi đào tạo các thế hệ họa sĩ, nhà giáo Sư phạm Mỹ thuật, nhà điêu khắc, nhà thiết kế, mà còn là bệ phóng cho những triển vọng mới của mỹ thuật miền Trung.
Triển lãm trưng bày đồ án của sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa.
Triết lý đào tạo của nhà trường gắn liền giữa học thuật, thực hành và sáng tạo, tạo nên môi trường lý tưởng cho những tâm hồn đam mê nghệ thuật. Chương trình đào tạo linh hoạt, kết hợp tín chỉ và niên chế, cho phép sinh viên tự do lựa chọn lộ trình học tập phù hợp. Các khoa chuyên môn thường xuyên cập nhật chương trình, đảm bảo tính hiện đại và thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của nền nghệ thuật đương đại.
Viễn Phương, sinh viên Khoa Mỹ thuật Tạo hình, chia sẻ: "Em chọn trường vì đây là nơi em cảm nhận được sự tận tâm của các thầy cô và môi trường học tập đầy cảm hứng. Các thầy cô không chỉ dạy kỹ thuật mà còn khuyến khích em tìm ra phong cách riêng, giúp em tự tin hơn trong hành trình sáng tạo."
Đội ngũ giảng viên – linh hồn của chất lượng đào tạo
Sức hút của Trường Đại học Nghệ thuật không thể thiếu vai trò của đội ngũ giảng viên – những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đầu ngành với nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước. Họ không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn khơi dậy ngọn lửa sáng tạo trong mỗi sinh viên.
TS Võ Quang Phát, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường, khẳng định: "Chúng tôi luôn chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên, không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng. Nhà trường khuyến khích các giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu sinh tại các viện uy tín trong và ngoài nước, đồng thời thu hút nhân tài thông qua các chính sách hỗ trợ và môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi tạo điều kiện để giảng viên phát huy thế mạnh chuyên môn thông qua các hoạt động sáng tác, triển lãm và workshop nghệ thuật, giúp họ không chỉ là người dạy mà còn là những nghệ sĩ tiên phong, truyền cảm hứng cho sinh viên."
Sinh viên đến học tập tại trường trong chương trình trao đổi Erasmus của Liên minh Châu Âu.
Bảo vệ tốt nghiệp của sinh viên ngành Thiết kế Thời trang.
Đội ngũ giảng viên của trường ngày càng được trẻ hóa, với nhiều giảng viên trẻ đang là nghiên cứu sinh tại các viện đào tạo tiến sĩ trong và ngoài nước. Họ còn được mời thỉnh giảng tại nhiều cơ sở đào tạo trong nước, khẳng định uy tín chuyên môn vượt trội.
Lê Thái Như Quỳnh, sinh viên khóa 2020 - 2025 vừa tốt nghiệp ngành Thiết kế Đồ họa, chia sẻ về hành trình học tập: "Các thầy cô là những tấm gương sáng về chuyên môn. Nhiều thầy cô từng đạt giải thưởng lớn trong các cuộc triển lãm quốc tế, và điều đó khiến em vô cùng ngưỡng mộ. Họ không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn chia sẻ kinh nghiệm thực tế, giúp em hiểu rõ hơn về ngành học. Những buổi thực hành tại xưởng và các dự án nhóm đã rèn luyện cho em kỹ năng làm việc chuyên nghiệp và khả năng sáng tạo không ngừng."
Cơ sở vật chất – nền tảng cho sáng tạo
Để đáp ứng nhu cầu học tập và thực hành ngày càng cao, nhà trường không ngừng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Các phòng học, phòng vẽ, xưởng thực hành, phòng trưng bày và thư viện chuyên ngành được chỉnh trang đồng bộ, mang đến không gian học tập lý tưởng. Những khu vườn nghệ thuật, không gian xanh được bố trí tinh tế, không chỉ khơi nguồn cảm hứng mà còn mang lại sự thư giãn cho sinh viên và giảng viên.
Đức Anh - sinh viên ngành thiết kế Thời trang hào hứng kể thêm: "Cơ sở vật chất hiện đại và các hoạt động ngoại khóa đã giúp em phát triển toàn diện. Em đặc biệt ấn tượng với những xưởng thực hành, nơi em có thể thỏa sức sáng tạo và thử nghiệm những ý tưởng mới."
Nhà trường cũng đã hoàn thiện các hồ sơ tiêu chuẩn, định mức sử dụng thiết bị chuyên ngành và diện tích chuyên dùng, trình Đại học Huế phê duyệt, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động quản lý và giảng dạy.
Vượt khó để vươn xa
Trong bối cảnh ngành giáo dục đối mặt với nhiều thách thức, Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế vẫn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ. Dù đối diện với những khó khăn khách quan cũng như chủ quan, đặc biệt trong việc đánh giá cơ sở giáo dục, nhà trường luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của ngành. TS Võ Quang Phát nhấn mạnh: "Xác định việc đánh giá cơ sở giáo dục là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, toàn thể viên chức, người lao động đang nỗ lực hết mình để hoàn thành sứ mệnh này và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025."
Với tính đặc thù của nghệ thuật, việc tuyển sinh đòi hỏi năng khiếu đặc biệt, dẫn đến số lượng thí sinh hạn chế so với các ngành học khác. Nhà trường mong nhận được sự chia sẻ từ cộng đồng và các cơ quan quản lý để tiếp tục sứ mệnh bồi đắp giá trị thẩm mỹ và nhân văn.
Như Quỳnh, người vừa bước ra từ giảng đường, nhìn nhận: "Nghệ thuật không phải lúc nào cũng là ngành nổi bật, nhưng chính sự đặc thù ấy đã giúp tôi trân trọng hơn những giá trị mà nhà trường mang lại. Tôi biết ơn môi trường học tập tại đây, nơi đã giúp tôi trưởng thành cả về chuyên môn lẫn tư duy nghệ thuật."
Hợp tác quốc tế – bệ phóng cho nghệ thuật Việt
Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế không chỉ là trung tâm đào tạo mà còn là nơi nghiên cứu, sáng tác và tổ chức triển lãm nghệ thuật uy tín. Nhà trường tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế, từ việc tiếp nhận sinh viên Cộng hòa Séc đến học tập, tổ chức triển lãm với Trường Mỹ thuật tỉnh Savannakhet (Lào), đến các workshop tranh lụa Việt với Đại học Công nghệ Rajamangala (Thái Lan) và rất nhiều các hoạt động giao lưu, triển lãm quốc tế khác. Những hoạt động này đã nâng tầm vị thế của nhà trường trên bản đồ nghệ thuật quốc tế. Những thành tựu này mở ra cơ hội để sinh viên hội nhập với nền nghệ thuật đương đại toàn cầu.
Hỗ trợ sinh viên – chắp cánh ước mơ
Nhà trường luôn cam kết hỗ trợ sinh viên toàn diện, từ miễn giảm học phí, cấp học bổng, trợ cấp xã hội đến hỗ trợ vay vốn và khen thưởng cá nhân xuất sắc. Những chính sách này giúp sinh viên, kể cả những người có hoàn cảnh khó khăn, yên tâm theo đuổi đam mê. Trần Thị Cẩm Vi, sinh viên ngành Sư phạm Mỹ thuật chia sẻ: "Nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước và của trường, em có thể tập trung vào học tập và sáng tạo mà không phải lo lắng quá nhiều về tài chính."
Hành trình phía trước
Trong bối cảnh xã hội ngày càng đề cao nghệ thuật và sáng tạo, Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế không chỉ là nơi đào tạo mà còn là bệ phóng cho những tâm hồn yêu nghệ thuật vươn xa. Với truyền thống gần 70 năm, nội lực vững chắc và khát vọng đổi mới, ngôi trường này xứng đáng là lựa chọn hàng đầu cho các thí sinh đam mê hội họa, điêu khắc, thiết kế đồ họa, thiết kế Mỹ thuật đa phương tiện, thiết kế nội thất, thời trang và các ngành sáng tạo khác.
Mùa tuyển sinh 2025 đang đến gần. Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế sẵn sàng chào đón những “nghệ sĩ tương lai” từ khắp mọi miền, cùng viết tiếp câu chuyện nghệ thuật đầy cảm hứng, góp phần dựng xây bản sắc và sáng tạo cho đất nước.