Trò "hái trái ngọt" từ "vườn ươm" của thầy
Nhiều năm liên tiếp, giáo dục Thủ đô giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Có được thành tích ấy, bên cạnh nỗ lực của các học sinh là sự cố gắng không mệt mỏi của những người thầy trên hành trình thắp ước mơ, gieo tri thức
Chất lượng giáo dục được khẳng định
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, trong những năm qua, mạng lưới trường học trên địa bàn Thủ đô không ngừng được mở rộng, có bước phát triển mạnh mẽ. Mới đây, Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Đến nay, toàn thành phố có 2.840 đơn vị trường học, gần 2,2 triệu học sinh, gần 123.000 giáo viên. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trao giấy khen cho học sinh đoạt huy chương kỳ thi Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế (IOAA) năm 2023 |
Thành phố quan tâm xây mới, thành lập mới 24 trường học các cấp; cải tạo, sửa chữa 528 trường. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện.
Đến tháng 4/2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 72,4%. Đến thời điểm này, toàn thành phố đã công nhận được 23 trường chất lượng cao, trong đó có 17 trường công lập và 6 trường ngoài công lập. Hà Nội cũng đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên trên địa bàn thành phố.
Không chỉ có bước phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng giáo dục Thủ đô cũng khẳng định vị trí dẫn đầu. Năm học 2022 - 2023, Hà Nội tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục mũi nhọn. Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 8 học sinh đạt giải quốc tế.
Bên cạnh đó, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, là đơn vị đứng đầu cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Học sinh Hà Nội thi tốt nghiệp THPT năm 2023 |
Tiếp nối thành tích ấy, để chuẩn bị tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2023 - 2024, Hà Nội đã thành lập 12 đội tuyển với 240 học sinh, tăng 56 học sinh so với năm học trước. Điểm mới của đội tuyển học sinh giỏi thành phố năm nay là bên cạnh các trường chuyên, trường công lập đại trà vốn có truyền thống dạy tốt, học tốt, ở địa bàn thuận lợi, còn có học sinh đến từ các trường ở khu vực còn nhiều khó khăn như: Trung học phổ thông Minh Quang (huyện Ba Vì) hoặc trường có điểm tuyển sinh còn thấp như Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân...
Không chỉ khẳng định vị trí ở giáo dục mũi nhọn, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Hà Nội tăng 10 bậc xếp hạng so với năm 2022; là địa phương có số thí sinh giành điểm 10 cao nhất cả nước.
Tỷ lệ tốt nghiệp của Hà Nội năm 2023 xếp thứ 17 (nếu không tính số thí sinh tự do thì Hà Nội xếp thứ 16), trong khi năm 2022 xếp thứ 27. Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn thành phố đạt 99,56%. Trong đó, khối giáo dục trung học đạt 99,75% và khối giáo dục thường xuyên đạt 98,29%.
Những người thầy sáng tạo, tâm huyết
Để có được những trái ngọt trong thành tích dạy và học ấy là đóng góp không nhỏ của những người thầy trên hành trình thắp ước mơ, gieo tri thức. Các thầy cô giáo đã có nhiều sáng tạo trong dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhằm động viên, khích lệ sự sáng tạo ấy, năm 2023 là năm thứ 7 ngành GD&ĐT triển khai giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trao tặng giấy khen tới các giáo viên được vinh danh giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo lần thứ 7 năm 2023 |
Giải thưởng khích lệ các nhà giáo Hà Nội tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả mới, những chuyển biến mới ở mỗi đơn vị nhà trường; quan tâm, động viên nhà giáo ở những cơ sở giáo dục còn khó khăn có những sáng tạo độc đáo, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị; giúp đỡ những học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu phát triển tài năng, góp phần xây dựng đơn vị và ngành giáo dục Thủ đô ngày càng vững mạnh.
Giải đã được các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc triển khai sâu rộng đến các nhà giáo. Một số Phòng GD&ĐT tổ chức giải thưởng cấp quận, huyện có chất lượng như: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm, Ba Vì, thị xã Sơn Tây
Năm nay, qua các vòng khen thưởng cấp trường, cấp quận, huyện, 135 nhà giáo tiêu biểu ở các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đã được đề nghị xét duyệt và trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cấp ngành. Tại cấp ngành, hội đồng đã tổ chức chấm vòng sơ loại để chọn 41 nhà giáo xét duyệt vòng Chung khảo.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa trao tặng giấy khen tới các nhà giáo |
Các thầy cô đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, ấn tượng được trao đổi tại ngày hội chuyên môn như: “Ứng dụng yoga trong trường mầm non thông qua biện pháp yoga kể truyện và trò chơi yoga giúp trẻ mẫu giáo nhỡ 4 - 5 tuổi rèn luyện sự tập trung chú ý” của cô Trần Lan Phương (trường Mầm non Tương Mai, quận Hoàng Mai); “Miền gieo hạt” của cô Duy Thị Khánh Hường (trường Tiểu học Đền Lừ, quận Hoàng Mai); “Xây dựng trường học hạnh phúc từ việc giúp đỡ học sinh tự kỷ hòa nhập với bạn bè của cô giáo Đỗ Huyền Trang (trường Tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân)…
Trân trọng ghi nhận, đánh giá cao các nhà giáo đã dành nhiều tâm huyết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn cống hiến đóng góp cho sự nghiệp “trồng người” cao quý, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội bày tỏ mong muốn, thành công của giải thưởng không phải là sự kết thúc một quá trình sáng tạo mà luôn nhắc nhở các thầy, cô giáo tiếp tục phát huy những điểm mạnh, không ngừng sáng tạo.
“Giải thưởng vừa là vinh dự song cũng là trách nhiệm để các thầy, cô giáo tiếp tục phát triển bản thân, lan tỏa, nhân rộng tinh thần sáng tạo, giúp học sinh và đồng nghiệp cùng sáng trí - ấm lòng, có ý nghĩa và không phôi phai. Đó mới là giá trị đích thực của một danh hiệu”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh.