Thế nào là tiết học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp?
Việc tổ chức dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong thời khóa biểu chính khóa cần linh hoạt theo tinh thần Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, không cứng nhắc chia đều số tiết theo tuần, cũng không nhầm lẫn với các hoạt động quản lý hành chính trong nhà trường.
Cô Nguyễn Hà là giáo viên chủ nhiệm nêu thực tế: Trường cô đang triển khai dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với tổng 3 tiết/tuần/lớp. Trong đó, 2 tiết do giáo viên chuyên trách đảm nhiệm, 1 tiết do giáo viên chủ nhiệm phụ trách, thường được xếp vào sáng thứ Bảy theo hình thức dạy gộp 4 tiết/tháng. Ngoài ra, nhà trường vẫn duy trì 2 tiết sinh hoạt chào cờ và sinh hoạt lớp đầu tuần, khiến giáo viên chủ nhiệm phải đảm đương thêm các tiết này.
Tiết sinh hoạt lớp mang tính hành chính – quản lý học sinh của giáo viên chủ nhiệm.
Theo cô Hà, một số trường khác đã linh hoạt "tích hợp" tiết chào cờ và sinh hoạt lớp vào Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, đồng thời tổ chức thêm 1 tiết riêng trong thời khóa biểu. Như vậy, trên thời khóa biểu các trường này không còn hiển thị tiết chào cờ hay sinh hoạt lớp như trước, mà thay bằng tiết Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Cô Hà đặt câu hỏi: Cách tổ chức như trường cô hiện nay có đúng tinh thần chương trình mới hay không? Nếu chưa đúng thì nên điều chỉnh như thế nào?
Giải đáp băn khoăn đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một hoạt động giáo dục bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, chương trình không quy định cứng việc tổ chức theo số tiết cố định mỗi tuần, mà nhấn mạnh tính linh hoạt về thời gian, hình thức tổ chức có thể theo chủ đề, theo buổi, theo dự án hoặc trải nghiệm thực tế.
Trong đó, sinh hoạt dưới cờ và sinh hoạt lớp là hai trong số nhiều hình thức tổ chức của Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Tuy nhiên, không nên đồng nhất hoặc nhầm lẫn với: Tiết chào cờ đầu tuần thường là nghi lễ do nhà trường tổ chức (chào cờ, phát động thi đua, khen thưởng…). Tiết sinh hoạt lớp mang tính hành chính, quản lý lớp học do giáo viên chủ nhiệm thực hiện.
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sinh hoạt dưới cờ và sinh hoạt lớp là hai trong số các loại hình tổ chức của Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, do đó, không đồng nhất hoặc nhầm lẫn hai hình thức.
Đáng lưu ý, theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT (sửa đổi bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT), mỗi giáo viên chủ nhiệm đã được giảm 4 tiết/tuần để thực hiện công tác chủ nhiệm. Do đó, không bắt buộc phải tổ chức tiết sinh hoạt lớp theo hình thức cố định hàng tuần như trước.
Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH ngày 10/10/2023 cũng nhấn mạnh: “Việc xây dựng thời khóa biểu phải bảo đảm tính linh hoạt, không bắt buộc chia đều số tiết/tuần”. Vì vậy, việc duy trì cứng nhắc 2 tiết sinh hoạt chào cờ và sinh hoạt lớp hàng tuần mà không tích hợp vào kế hoạch Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là chưa phù hợp tinh thần đổi mới của chương trình.
Với trường hợp nêu trên, việc bố trí 3 tiết/tuần cho Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (2 tiết chuyên trách, 1 tiết chủ nhiệm) không sai, nhưng còn cứng nhắc và khó bảo đảm yêu cầu cần đạt của chương trình nếu không gắn kết chặt chẽ với các hoạt động theo chủ đề, theo tháng, theo dự án.
Khuyến nghị: Nhà trường cần rà soát lại kế hoạch giáo dục, lồng ghép linh hoạt các tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp vào Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp một cách hợp lý, đúng định hướng của Chương trình GDPT 2018, đồng thời đảm bảo không tạo áp lực không cần thiết cho giáo viên chủ nhiệm.