A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tân sinh viên và những lưu “lần đầu”

Những ngày này, tân sinh viên nhập học. Rất đông bạn trẻ rời quê lên thành phố học tập, sinh hoạt, đứng trước bước ngoặt mới của cuộc đời. Đây cũng là thời điểm mà các bạn cần lưu ý nhiều điều.

Chọn chỗ ở an toàn

Từng trải qua thời gian là sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội cách đây 3 năm, chị Nguyễn Ngọc Linh, hiện làm chủ cửa hàng kinh doanh đồ công nghệ, tại quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, ngày trước khi mới rời quê lên Hà Nội để học đại học, điều chị quan tâm trước hết là lựa chọn cho mình một nơi ở ưng ý. Đây là điều kiện vô cùng cần thiết, như người ta thường nói “an cư lạc nghiệp”.

Bởi thế, các bạn tân sinh viên hãy chọn lựa nhà trọ, nơi ở phù hợp, đặc biệt là cần đảm bảo an toàn. Chị Linh kể, thời sinh viên, chị phải chuyển nơi trọ nhiều lần và từng bị trộm lẻn vào nhà trong đêm khi chị và bạn cùng phòng đang ngủ, để đánh cắp máy tính xách tay, điện thoại di động, ví tiền và nhiều đồ dùng khác.

Các bạn tân sinh viên

Các bạn tân sinh viên

“Mình nhớ mãi câu chuyện ấy. Đó là một bài học sâu sắc trong thời sinh viên. Khu nhà trọ mà mình ở khi ấy tách biệt với khu dân cư, cửa èo uột, rất mất an toàn. Rồi qua một đêm, chúng mình bị mất hết đồ đạc có giá trị, buổi sáng ngủ dậy thấy cửa mở toang hoác, hàng xóm cũng bị mất đồ. Chúng mình hoảng sợ và phải chuyển nhà ngay”, chị Linh kể.

Theo chị Linh, nhà trọ thì có rất nhiều nhưng không phải ở đâu cũng phù hợp cho sinh viên thuê. Bởi vậy, các bạn cần phải lựa chọn những nơi ở an ninh khiến cho cảm giác thoải mái, an toàn. Bài toán tiết kiệm tiền nhà cũng cần phải cân nhắc. Sinh viên cần tìm bạn ở ghép để sẻ chia tiền thuê phòng. Chúng ta nên chọn các khu trọ có camera, khóa nhiều lớp để tăng mức độ riêng tư và an ninh.

Cẩn trọng với tìm việc làm thêm

Bạn trẻ Nguyễn Thị Trang Nhung (sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã từng trải qua một vài lần xin việc làm thêm. Nhung kể, ngay khi là sinh viên năm thứ nhất, cô đã rất chú tâm đến việc làm thêm và đã tìm đến một trung tâm gia sư nhờ xin việc. Sau khi đến và được giới thiệu học sinh, Nhung bắt đầu công việc. Tuy nhiên, đi làm gia sư được một buổi thì phụ huynh không muốn Nhung dạy cho con họ nữa. Nhung quay trở lại trung tâm báo tình hình và xin lớp khác để dạy. Chủ trung tâm hứa sẽ tìm lớp khác cho cô nhưng Nhung đợi mãi cũng không được phân lớp…

Tân sinh viên với hành trình mới

Các bạn tân sinh viên với hành trình mới

Hiện có không ít những trang mạng xã hội giới thiệu nhiều công việc làm thêm cho sinh viên. Đây cũng là một trong những cạm bẫy bủa vây sinh viên.

Theo thông tin từ Bộ Công an, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng…

Theo cô gái, cũng như Nhung, các bạn tân sinh viên sẽ dễ dàng bị thu hút bởi những công việc làm thêm hấp dẫn, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, mạng xã hội phổ biến. Nhiều đối tượng lừa đảo với nhiều mánh khoé, quảng cáo tuyển dụng, việc nhẹ lương cao, bán hàng đa cấp... Chính vì thế, các bạn sinh viên cần phải có cho mình sự lựa chọn thật phù hợpm, thật sự bình tĩnh và tìm hiểu thật kỹ tính chất của công việc làm thêm như mức lương, thời gian làm việc… để tránh được những cạm bẫy lừa đảo.

Chi tiêu hợp lý

Nhiều tân sinh viên lần đầu xa gia đình, phải tự quyết định tất cả chi phí như ăn ở, đi lại, học tập, giải trí nên chưa biết cách chi tiêu hợp lý. Bên cạnh đó, ở môi trường mới, các bạn chưa chọn lọc được các mối quan hệ, thường sa đà vào ăn uống, vui chơi, không kiểm soát được chi tiêu. Nhiều bạn tâm niệm, “đầu tháng ăn nhậu, cuối tháng ăn mì tôm”…

Theo kinh nghiệm của nhiều thầy cô giáo, cũng như cựu sinh viên, các tân sinh viên nên áp dụng quy tắc chi tiêu thông minh bằng cách chia số tiền mình có thành các quỹ nhỏ cho nhu cầu thiết yếu, đầu tư nâng cao giá trị bản thân, tiết kiệm cho quỹ dài hạn và giải trí cá nhân.

Để bản thân kiểm soát tài chính một cách thông minh thì phải phân biệt rõ ràng đâu là thứ mình cần và thích khi đi mua sắm. Chúng ta hoàn toàn có thể tiết kiệm chi phí sinh hoạt từ việc sống tối giản như đi bộ, đi xe đạp, xe buýt đến trường, hạn chế vui chơi, ăn uống ở những nơi đắt tiền, không chạy theo công nghệ, thậm chí có thể mua lại những đồ thanh lí giá rẻ để dùng lại, nhằm tiết kiệm khoản chi phí lớn.

Ngay từ năm đầu tiên, các bạn sinh viên nên nỗ lực học tập giành học bổng của nhà trường hoặc các loại học bổng khác để có thêm động lực học tập và một khoản tiền trang trải cuộc sống.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết