Nhà giáo nói về nghề báo
Dưới góc nhìn của cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo, các nhà báo là người như thế nào và nghề báo có gì đặc biệt? Chúng ta hãy cùng lắng nghe chia sẻ của họ!
Mỗi bài báo như tấm gương soi hoạt động của nhà trường
Với mục tiêu đem lại những điều tốt đẹp nhất cho học trò của mình, ở vai trò là cán bộ quản lý giáo dục, cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội) thường xuyên theo dõi sát sao các thông tin liên quan đến ngành được phản ánh qua báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều kênh thông tin khác nhau.
Cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Yên và các em học sinh |
Đó có thể là những chủ trương, chính sách mới về giáo dục; Các thông tư, quyết định, dự thảo mới đang trình xin ý kiến của dư luận và Nhân dân. Đó cũng có thể là những mô hình hay, cách làm sáng tạo để triển khai các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Những người làm công tác giáo dục, thường coi những bài báo viết về giáo dục như một cách để tự soi lại mình, soi lại nghề của mình và cách nhà trường hoạt động.
Không chỉ có thông tin tích cực, những bài viết phản ánh mặt trái, tiêu cực của ngành cũng vô cùng ý nghĩa, hiệu quả đối với sự phát triển của nhà trường và đội ngũ giáo viên. Đó như những hồi chuông để mỗi giáo viên, nhà trường không chủ quan trong công tác giáo dục học sinh.
Mặc dù vậy, để tạo hiệu ứng và mang tính giáo dục tốt hơn nữa, theo cô Phương Thị Thìn, khi viết về giáo dục, người làm báo cần trang bị những hiểu biết nhất định về giáo dục gắn với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam.
Khi viết về các hiện tượng, sự việc, đặc biệt là các sự việc mang tính cá thể, nhà báo cần nhìn từ nhiều phía, viết một cách khách quan, công tâm. Các bài viết về tấm gương đẹp, lan tỏa nên nhân rộng. Các bài viết tiêu cực nên viết đúng, viết đủ, không khai thác quá sâu để tránh tác động tiêu cực đến toàn xã hội.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Yên nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, báo chí đã giúp tuyên truyền, cổ vũ các chính sách, hoạt động của ngành giáo dục và lan tỏa trong các nhà trường. Đồng thời, báo chí cũng phản ánh một cách khách quan những vấn đề chưa hay, chưa đúng.
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn ở góc độ tích cực thì những vấn đề tiêu cực lại là vấn đề tốt cho các nhà làm quản lý. Đó là bài học thực tế để các nhà trường rà soát lại đơn vị mình, không đợi “mất bò mới lo làm chuồng”.
Cánh tay nối dài lan tỏa nét đẹp nghề giáo
Đối với cô Lê Thị Bích - giáo viên Lịch sử trường THPT Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội), nhiều bài báo như nói hộ tiếng lòng của người giáo viên, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc giáo viên trong nghề.
Cô Lê Thị Bích - giáo viên Lịch sử, trường THPT Bắc Thăng Long, Hà Nội |
“Thông qua một số bài báo phỏng vấn các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, giáo viên chúng tôi như “mở” ra được những vấn đề mới để đem lại hiệu quả giáo dục tốt nhất. Tôi đặc biệt tâm đắc với những bài báo viết về những cách làm hay, mô hình sáng tạo, gợi mở các phương pháp giáo dục mới. Đó như tấm gương để tôi soi lại bản thân mình, nhằm làm tốt hơn nữa công việc, nâng cao chuyên môn”, cô Bích chia sẻ.
Khẳng định phóng viên viết mảng giáo dục chính là cánh tay nối dài lan tỏa nét đẹp của ngành đến xã hội, cô Lê Thị Bích cho rằng những bài viết về tấm gương nhà giáo nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên dạy tốt thực sự có giá trị lan tỏa.
“Tôi cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào khi đọc được bài viết tôn vinh nghề giáo, lan tỏa nét đẹp của người thầy. Đó là những cô giáo cắm bản vùng sâu, vùng xa gieo chữ cho trẻ em. Đó có thể là những người thầy dù cuộc sống cá nhân còn muôn vàn khó khăn, trắc trở nhưng vẫn ngày ngày gieo lửa yêu thương cho học trò.
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều tấm gương về học trò hiếu học, đam mê nghiên cứu, khoa học... Đó đều là những ngôi sao sáng để cổ vũ, động viên, lan tỏa nét đẹp nghề giáo”, cô Bích nói.
Nguồn cổ vũ, động viên để nhà giáo không ngừng nỗ lực
Là điểm sáng của giáo dục Thủ đô, những năm qua, ngành Giáo dục quận Ba Đình liên tục là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Nhiều phong trào, cuộc vận động trong ngành giáo dục quận đã được triển khai có hiệu quả như: “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Mỗi thẩy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”…
Trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, quận Ba Đình cũng liên tục dẫn đầu về số học sinh tham dự và đoạt giải.
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình, Hà Nội |
Ở từng hoạt động, với từng dấu ấn, thành tựu ấy, ngành Giáo dục Ba Đình luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và theo dõi đưa tin từ các cơ quan báo chí, truyền thông với lượng tin, bài dày đặc hàng tuần, hàng tháng. Sự dõi theo, đưa tin kịp thời ấy chính là nguồn động lực để động viên các nhà giáo nỗ lực phấn đấu hơn nữa.
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết: “Khác với nhiều đơn vị thường hay e ngại, “né tránh” báo chí, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình nói chung và các nhà trường trên địa bàn quận nói riêng có suy nghĩ rất cởi mở. Đơn giản vì chúng tôi tự tin mình đang làm tốt, làm bằng cái tâm. Vì vậy, chúng tôi muốn lan tỏa những điều đó đến với xã hội, với các đơn vị bạn như một sự tự hào.
Đồng thời, khi có quan điểm cởi mở ấy, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe những góp ý, phê bình, phản biện khi làm chưa được tốt, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời. Chúng tôi rất may mắn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và dõi theo của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến thành phố như: Báo Nhân dân, Giáo dục và Thời đại, Hànộimới, Tuổi trẻ Thủ đô…”.
Để có sự gắn kết sâu sắc và bền chặt ấy, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã có sự chỉ đạo chặt chẽ và nhất quán đến các nhà trường trên toàn quận. Phòng GD&ĐT Ba Đình có các nhóm Zalo như “Ba Đình - Thông tin báo chí”, “Nhóm Giáo dục Ba Đình”… trong đó thành viên tham gia là lãnh đạo Quận ủy, UBND quận, phóng viên, nhà báo của các cơ quan thông tấn báo chí và Hiệu trưởng các nhà trường trên địa bàn quận.
Không chỉ vậy, Phòng GD&ĐT quận cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm đến các nhà trường về công tác thông tin, tuyên truyền, kỹ năng chụp ảnh, đưa tin lên website để từ đó dễ dàng lan tỏa những gương điển hình tiêu biểu, những mô hình hay, hoạt động bổ ích từ các nhà trường.
Từ góc nhìn của nhà giáo, ông Lê Đức Thuận chia sẻ: “Nhắc đến nhà báo, phóng viên báo chí, nhiều người ban đầu khó tránh khỏi tâm lý e ngại. Tâm lý đó một phần xuất phát từ việc có một bộ phận người làm báo mạo nhận danh xưng này để mưu cầu lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, đây chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”, không nên vì thế mà chúng ta tự bó hẹp mình, hạn chế tiếp xúc với báo chí, truyền thông.
Bản thân tôi thấy các nhà báo, phóng viên mình được tiếp xúc khá cởi mở, thân thiện, luôn có cái nhìn rất tích cực với giáo dục, có ứng xử khéo léo, nhã nhặn. Từ đó, công tác thông tin, tuyên truyền về ngành Giáo dục quận luôn được thực hiện rất hiệu quả”.