A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mùa tuyển sinh sóng gió

Trải qua quá trình dài từ khi đăng ký nguyện vong đến biết kết quả xét tuyển đại học nhưng với nhiều thí sinh, để đặt chân vào được giảng đường vẫn còn là một chặng đường gian nan.

Mùa tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2022 là năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai đăng ký xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến hoàn toàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần xét tuyển liên tục xảy ra sự cố; nhiều trường hợp sai sót, thậm chí có thí sinh bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển; nhiều thí sinh gặp khó khăn trong việc nhập học;…

Bơi giữa “biển” phương thức xét tuyển

Tại hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới ở bậc đại học và cao đẳng giáo dục mầm non vừa diễn ra, Bộ GD&ĐT nhận định, mùa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2022, không ít trường có quá nhiều phương án tuyển sinh phức tạp, phân bố chỉ tiêu chưa hợp lý, dẫn tới khó khăn cho thí sinh khi đăng ký nguyện vọng.

Năm nay, theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục Đại học, Cao đẳng được thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh tuyển sinh theo đề án của trường, nhằm bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng cùng các phương thức xét tuyển.

Chi tiết về các phương thức xét tuyển
Chi tiết về các phương thức xét tuyển

Theo ghi nhận, mùa tuyển sinh năm nay có đến 20 phương thức xét tuyển. Trong số đó xuất hiện những phương thức kết hợp khá rắc rối và dễ nhầm lẫn. Điều nay không những làm khó thí sinh trong việc đăng ký, mà còn làm công tác lọc ảo phức tạp hơn.

Với tinh thần tăng cường tự chủ đại học và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh đang diễn ra ở nhiều trường đại học lớn trên cả nước. Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều phương thức xét tuyển và thay đổi chỉ tiêu của các phương thức chỉ khiến học sinh hoang mang và không biết nên chọn phương thức nào.

Chật vật đăng ký nguyện vọng

Mùa tuyển sinh năm nay, các thí sinh đăng ký nguyện vọng hoàn toàn theo hình thức trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD&ĐT hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo thời gian quy định. Cùng với đó, các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào các trường đại học theo kế hoạch xét tuyển sớm, sau đó phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ.

Trước khi thực hiện đăng ký nguyện vọng trực tuyến, thí sinh sẽ được cấp tài khoản để đăng nhập vào hệ thống và phải thực hiện một quy trình có tới gần chục bước với nhiều thao tác như từ khai báo, kiểm tra thông tin, nhập thông tin xét tuyển đến điều chỉnh nguyện vọng, lưu thông tin... Sau khi thực hiện đăng ký nguyện vọng thành công, các em tiếp tục tiến hành thanh toán lệ phí và xác nhận nhập học trên phần mềm.

Câu chuyện đăng ký nguyện vọng trực tuyến được nhiều thí sinh ví như “đánh vật”
Câu chuyện đăng ký nguyện vọng trực tuyến được nhiều thí sinh ví như “đánh vật”

Chia sẻ với phóng viên, nhiều sĩ tử cảm thấy vô cùng mệt mỏi khi phải thao tác hàng loạt yêu cầu trên hệ thống của Bộ. Em Nguyễn Minh Huyền, học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân) chia sẻ: “Trong thời gian tính từ khi đăng ký tài khoản, đăng ký nguyện vọng rồi nộp lệ phí trực tuyến..., hầu như công đoạn nào, em cũng gặp những trục trặc nên phải làm lại nhiều lần”. Minh Huyền cho biết thêm, không chỉ riêng em mà các bạn cùng lớp cũng gặp phải tình trạng tương tự.

Theo nhận định từ các chuyên gia, sở dĩ mùa tuyển sinh năm nay sảy ra những hiện tượng như vậy là do Bộ GD&ĐT thực hiện thay đổi về kỹ thuật xét tuyển, phần mềm xét tuyển phức tạp nên xảy ra sự cố, nhiều lỗi.

Trươt, đỗ do… hệ thống

Sau khi trúng tuyển, thí sinh cần thực hiện một nhiệm vụ rất quan trọng. Đó là xác nhận nhập học trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT từ ngày 18/9 đến 17h00 ngày 30/9. Nếu thí sinh không thực hiện quy trình này thì coi như từ chối cơ hội học tập dù đã trúng tuyển.

Tuy nhiên, khi thí sinh đăng nhập hệ thống tra cứu kết quả xét tuyển của các trường đại học mà mình đăng ký nguyện vọng và xác nhận nhập học thì thấy rất nhiều lỗi. Điều này khiến các em vô cùng hoang mang.

Trúng tuyển sớm vào Đại học Kinh tế quốc dân bằng chứng chỉ ngoại ngữ, Hoàng Nhật Minh, học sinh THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình) vô cùng vui mừng. Đây là ngôi trường Minh mơ ước từ nhỏ nên cậu học sinh đã đặt đặt làm NV1. Để an toàn hơn, nam sinh đặt thêm 3 nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Khi các trường công bố điểm chuẩn, em đỗ cả 3 nguyện vọng.

Cánh cổng Đại học còn cách các em một thao tác “Xác nhận nhập học” trên hệ thống của Bộ
Cánh cổng Đại học còn cách các em một thao tác “Xác nhận nhập học” trên hệ thống của Bộ GD&ĐT

Chiều 18/9, Nhật Minh vào xác nhận nhập học trực tuyến ngay sau khi Bộ GD&ĐT mở hệ thống. Khi tra cứu trên hệ thống, nam sinh đã “tá hỏa” vì tất cả nguyện vọng của em đều hiển thị kết quả trượt. Dù tải lại cổng nhiều lần, kết quả vẫn không có thay đổi. Lập tức, Nhật Minh nhắn hỏi các bạn thì hay biết, kết quả tra cứu của nhiều bạn còn không thông báo trượt hay đỗ.

“Em thấy hơi khó hiểu và có phần lo lắng lúc đó vì mình đã đỗ bằng phương thức sử dụng IELTS, thì cũng có nghĩa là đã chắc chắn đỗ rồi. Nhưng hệ thống lại báo trượt”, Nhật Minh chia sẻ.

Ngoài ra, cũng vào sáng 18/9, rất đông thí sinh khi đăng nhập hệ thống thấy xuất hiện hàng loạt nguyện vọng trúng tuyển giống nhau nên không biết chọn xác nhận nguyện vọng nào. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh khác phản ánh hệ thống của bộ bị rất nhiều lỗi như khi đăng nhập hệ thống vào mục "Tra cứu kết quả tuyển sinh" thì cứ bị thoát ra, phải đăng nhập lại nhiều lần.

Trước tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, trong trường hợp thấy còn có những sai sót, thí sinh có thể gửi thông tin về trực tiếp về các trường, trên cơ sở đó trường sẽ chủ động giải quyết. Nếu cần thiết, các trường sẽ liên hệ với Bộ GD&ĐT để cùng phối hợp giải quyết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...