A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mối âu lo về đạo đức tuổi học trò

Trên mạng xã hội lan truyền một clip ghi lại cảnh nữ sinh lớp 12 cãi nhau tay đôi với thầy giáo, bằng những câu hỗn hào như: "Ông có quyền gì cấm tôi, ông là giáo viên gì mà dám la tôi, giựt lỗ tai tôi, ông nuôi tôi ngày nào; Thậm chí có lúc cô học trò này xưng "mày tao" và buông lời chửi tục…

Cần có hình thức xử lý đủ sức răn đe

Vụ việc đó vừa xảy ra tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà. Ông Hà Văn Thọ, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Nhà trường vẫn đang tiếp tục thu thập thông tin và vào ngày 19/10/2022 sẽ đưa ra Hội đồng kỷ luật để xem xét, đánh giá, đồng thời sẽ có văn bản chính thức báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo”.

Sau khi clip này đăng tải, lan truyền trên internet, cộng đồng mạng đã xôn xao với nhiều ý kiến về hành động của cô học trò này. Bạn đọc Ngô Thế Hùng bày tỏ: “Nữ sinh dùng lời lẽ mày tao với thầy thì thua rồi, không thể bênh vực và bao biện cách gì được. Nhà trường và ngành Giáo dục cần có những hình thức xử lý mạnh mẽ, đừng viện lý do đây là những búp măng không dám làm mạnh tay sợ gãy. Chính vì vậy, môi trường học đường hiện nay luôn xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau như cơm bữa, vì sao? Vì ngành Giáo dục vẫn chưa có biện pháp đủ hiệu quả nhằm làm giảm vấn nạn bạo lực học đường”.

Nữ sinh

Nữ sinh văng tục chửi thầy giáo (Ảnh cắt từ clip)

Bạn Việt Quốc Long viết: “Lúc đầu tôi nghĩ là ở một trung tâm giáo dục thường xuyên nào đó còn cảm thông được chứ một học sinh bình thường thì không chấp nhận được vì các em luôn được học môn Giáo dục công dân suốt các cấp học, thường xuyên sinh hoạt với chủ nhiệm... Vậy mà trong trường hợp này lại như chưa bao giờ được giáo dục. Theo tôi cứ theo quy chế mà xử lý chứ, cứ lấy lý do còn bé mà nương nhẹ thì không được, phải gửi về gia đình giáo dục lại trước khi quay lại trường”.

Bạn Thanh Giang bày tỏ: “Hậu quả tất yếu của của truyền thông mạng xã hội thường đứng về phía học trò. Thời chúng tôi đi học làm gì có chuyện trò cãi lại giáo viên. Đi học bị thầy cô đánh về nhà phụ huynh biết được còn bị trận đòn nhừ tử nữa”.

Thách thức của ngành Giáo dục

Theo nhiều ý kiến, không chỉ riêng trường hợp nữ sinh này mà học sinh cá biệt ngày càng nhiều. Sự xem thường thầy cô ngày càng tăng. Từ đó thanh thiếu niên vi phạm pháp luật cũng ngày càng nhiều. Ngành giáo dục hiện nay hầu như bị khống chế bởi dư luận trong việc giáo dục, xử lí học sinh. Kết quả dẫn đến đạo đức xã hội xuống cấp.

Chúng ta đang sống trong thời đại mới, văn minh, công nghệ 4.0, làm cho cuộc sống con người ngày được nâng cao. Tuy nhiên, giá trị đạo đức lại có nhiều phần bị xói mòn, bởi sự thực dụng, chạy theo lối sống hưởng thụ của một bộ phận không nhỏ giới trẻ, mà họ cho là hợp thời, sành điệu, bỏ qua những giá trị đạo đức nền tảng. Vấn đề này đang thách thức các nhà giáo dục, cũng như những người có trách nhiệm.

Lời tâm sự của thầy Hiệu trưởng nhà trường

Lời tâm sự của thầy Hiệu trưởng nhà trường được đăng tải lên website của trường sau vụ việc nữ sinh văng tục chửi thầy giáo

Tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Bằng chứng là liên tiếp có những vụ việc học sinh văng tục, chửi bậy, thậm chí hành hung cả thầy cô giáo, đánh bạn, trẻ vị thành niên cũng gây ra nhiều vụ án mạng... cho thấy, đạo đức của giới trẻ, học sinh ngày nay đang bị xuống cấp đáng báo động.

Điều đó đòi hỏi mỗi cá nhân học sinh cần tự rèn luyện, tu dưỡng cho mình những đức tính, phẩm chất tốt đẹp, có suy nghĩ và hành động đúng đắn, chuẩn mực. Gia đình cần quan tâm đến con em của mình nhiều hơn, dạy dỗ chúng những điều hay lẽ phải và cách làm người. Nhà trường cần có những biện pháp hiệu quả hơn nữa trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh đồng thời có những hình thức xử lí kỷ luật nghiêm khắc đối với những học sinh có đạo đức kém.

*Theo một bài nghiên cứu của tác giả Lê Tấn Lộc, NCS Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội: Đạo đức học sinh trở nên yếu kém xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng hai nguyên nhân cơ bản cần phải khắc phục ngay đó là trách nhiệm của gia đình và nhà trường.

Giải quyết được các nguyên nhân cơ bản, thì các nguyên nhân khác không trở thành quá khó khăn và phức tạp. Cụ thể là nếu học sinh được gia đình và nhà trường giáo dục để đủ khả năng làm chủ được mình thì đồng nghĩa với việc các em có khả năng “miễn nhiễm” với những tác động bên ngoài.

Muốn làm được điều đó, nhà trường phải thể hiện vai trò là chủ xướng, gia đình phải có trách nhiệm phối hợp; Mỗi giáo viên phải nhận thức và thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình. Những nhà giáo dục phải biết trăn trở để cùng nhau hành động trước ý kiến rất chân thật của một đại biểu Quốc hội từng nhận định: “Đạo đức xuống cấp nghĩa là giáo dục thất bại”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...