A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lịch sử và Địa lí - môn học mới, nhiều khám phá với học sinh lớp 4

Thực hiện kế hoạch năm học 2023 - 2024, tại trường Tiểu học Đại Yên, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) vừa tổ chức thành công 2 chuyên đề môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nội dung “Địa phương em”.

Lịch sử và Địa lí là môn học rất mới mẻ đối với học sinh lớp 4. Môn học này mang lại các em những kiến thức cơ bản và sơ giản về tự nhiên, dân cư, một số hoạt động kinh tế, lịch sử, văn hoá của các vùng miền, đất nước Việt Nam và thế giới. Các sự kiện, nhân vật lịch sử phản ánh những dấu mốc lớn của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Lịch sử và Địa lí - môn học mới, nhiều khám phá với học sinh lớp 4
Các em học sinh hào hứng, sôi nổi với tiết học chuyên đề

Qua đó, môn học bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước; Ý thức bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam; Tôn trọng sự khác biệt về văn hoá giữa các quốc gia và dân tộc, từ đó hình thành nhân cách, lối sống đúng đắn cho học sinh.

Thực hiện kế hoạch năm học 2023 - 2024, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã tổ chức 2 chuyên đề môn Lịch sử và Địa Lí lớp 4 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nội dung “Địa phương em” (tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương).

Tiết học Lịch sử và Địa lí - Bài 2: Địa phương em (tỉnh thành phố trực thuộc trung ương) - Phần 2 “Một số hoạt động kinh tế” do cô giáo Nguyễn Thị Hằng cùng học sinh lớp 4A4 trường Tiểu học Nghĩa Dũng thực hiện; Phần nội dung “Danh nhân tiêu biểu” do cô giáo Đỗ Thị Huệ - cùng học sinh lớp 4A6, trường Tiểu học Đại Yên thực hiện.

Lịch sử và Địa lí - môn học mới, nhiều khám phá với học sinh lớp 4

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã trao cho giáo viên cơ hội được chủ động trong việc lựa chọn, sắp xếp nội dung học tập nhằm phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh. Chính vì vậy ở cả 2 tiết dạy, các giáo viên đã có nhiều sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để học sinh thực sự được tham gia tích cực vào quá trình dạy học của giáo viên, được tương tác trực tiếp với bạn và cô, có cơ hội tự tin thể hiện hiểu biết của mình.

Trong suốt quá trình các tiết học diễn ra, học sinh học tập sôi nổi, chủ động, tích cực hợp tác nhóm và hoàn thành tốt mục tiêu tiết học. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, học sinh được tìm hiểu, trao đổi và trình bày những hiểu biết của mình một số hoạt động kinh tế và các danh nhân tiêu biểu của Hà Nội. Tiết học đều rất tự nhiên, sôi nổi và hiệu quả.

Sau khi dự 2 tiết, các cán bộ, giáo viên đã tích cực tham gia phần trao đổi. Thông qua nội dung thảo luận, chia sẻ, các cán bộ quản lý, giáo viên của các trường Tiểu học đã đưa ra các giải pháp về việc tổ chức hoạt động dạy học, việc tích hợp các nội dung giảng dạy, sự chủ động của giáo viên trong việc chọn lựa hoạt động phù hợp với đối tượng học sinh, chú trọng việc rèn luyện năng lực phẩm, chất gắn với những tình huống của cuộc sống.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...