A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại Hải Phòng

Sáng ngày 12/6, Đoàn công tác số 4 của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 kiểm tra tại Hải Phòng.

Đoàn công tác số 4 của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 làm việc tại Hải Phòng.
Đoàn công tác số 4 của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 làm việc tại Hải Phòng.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là Trưởng đoàn. Cùng đi có các thành viên thuộc các Cục, Vụ của Bộ GD&ĐT; Thanh tra Chính phủ; đại diện Bộ Công an.

Phía Ban Chỉ đạo thi thành phố Hải Phòng có ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thi TP; ông Trần Huy Kiên, Phó Chánh văn phòng UBND TP; các Phó Giám đốc Sở GD&ĐT.

Tại buổi kiểm tra, ông Bùi Văn Kiệm thông tin tới Đoàn về tình hình, kế hoạch công tác chuẩn bị Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Hải Phòng. Ban Chỉ đạo thi thành phố có kế hoạch cụ thể để kiểm tra các điểm thi và chỉ đạo các sở, ngành cùng địa phương phối hợp chặt chẽ đảm bảo Kì thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại Hải Phòng ảnh 1

Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thi Thành phố Hải Phòng.

Ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin: Bám sát Kế hoạch chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã tổ chức thành 93 điểm tiếp nhận đăng ký dự thi gồm: 14 phòng GDĐT; 15 TT GDNN-GDTX; 62 trường THPT và trường PT nhiều cấp học. Tính đến ngày 28/5 đã có 22.832 thí sinh đăng ký thành công và nhập thông tin cá nhân lên Hệ thống phần mềm đăng ký thi THPT năm 2023.

Phía Sở GD&ĐT Hải Phòng là đơn vị thường trực đã chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo thi quận, huyện sẵn sàng lực lượng, các điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh an toàn khu vực Điểm thi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan như: Sở Công an, Sở Điện lực, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông...để phục vụ các điểm thi, đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh trong Kì thi.

Với kinh nghiệm và cách làm nhiều năm qua, Hải Phòng có kế hoạch cụ thể và đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho Kì thi. Đặc biệt, ngoài các đoàn kiểm tra liên ngành theo kế hoạch, Hải Phòng có 4 đoàn thanh tra đi trong đêm kiểm tra công tác bảo quản đề thi đến 43 điểm thi.

Các phương án chuẩn bị cho kì thi từ coi thi, chấm thi, phúc khảo đã được Ban chỉ đạo thi thành phố chỉ đạo, phía Sở GD&ĐT là đơn vị thường trực có phương án chỉ đạo các điểm thi, các địa phương để thực hiện tốt.

Tại buổi kiểm tra, phía Sở GD&ĐT nêu lên một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, với quy định để vật dụng cách điểm thi 25 mét có một số điểm thi chật hẹp sẽ gặp khó khăn, vì thế Sở sẽ hướng dẫn khắc phục.

Hải Phòng cũng đề xuất thêm phương án đảm bảo tính khoa học, khách quan, an toàn và quyền lợi cho thí sinh khi có trường hợp thí sinh tô nhầm mã đề thi trong bài thi trắc nghiệm. Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng đề xuất chế độ cho giáo viên làm công tác giám thị, giáo viên làm công tác thanh tra được nhận chế độ đồng đều nhau.

Kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại Hải Phòng ảnh 2

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là Trưởng đoàn công tác số 4.

Ông Huỳnh Văn Chương ghi nhận thông tin, kế hoạch tổ chức cho Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Hải Phòng, đồng thời tiếp thu ý kiến của thành viên trong đoàn tại quá trình kiểm tra thực tế, với mục tiêu bảo đảm Kì thi sẽ được diễn ra đúng quy định.

Trưởng đoàn công tác nhấn mạnh các điểm mà Hội đồng thi Hải Phòng cần lưu ý: Về phân cấp trách nhiệm của Kì thi, địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm, nếu có vướng mắc địa phương chủ động báo cáo, xin ý kiến cấp trên; Địa phương nghiên cứu kĩ các quy chế, tăng cường kiểm tra ôn thi tạo tâm lý cho thí sinh; Phân công rõ trách nhiệm các đơn vị để chủ động kế hoạch;

Chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất đặc biệt chú ý khu vực làm phách, làm đề, in sao đề; Tính toán phương án đến dịch bệnh, thời tiết; Lưu ý các nhà trường về công tác phòng cháy, chữa cháy, bố trí máy phát điện dự phòng và lực lượng nhân sự ứng trực bảo đảm khi xảy ra sự cố; Tập huấn kĩ công tác coi thi, chấm thi, làm phách, thu bài...làm chặt chắc, tránh để sai sót;

"In sao vận chuyển đề thi là khâu quan trọng nhất, địa phương cẩn trọng từng khâu; Trước khi vào phòng thi, kiểm soát chặt các thiết bị của thí sinh; Có một số kịch bản dự phòng có thể xảy ra để chủ động ứng phó, tăng cường", ông Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...