A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học hộ, thi hộ: Dựng "tường lửa" đủ mạnh

Bộ GD&ĐT đã có quy định, các trường tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như đầu tư hạ tầng (điểm danh vân tay, nhận diện khuôn mặt…).

Cần siết chặt việc kiểm tra, đánh giá đối với sinh viên, có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng thi hộ, học hộ. Ảnh: ITN

Cần siết chặt việc kiểm tra, đánh giá đối với sinh viên, có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng thi hộ, học hộ. Ảnh: ITN

Tuy nhiên, qua số lượng người học bị kỷ luật thời gian qua cho thấy, cần biện pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn vấn nạn này.

Ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

dung-tuong-lua-du-manh-2.jpg

Ông Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quochoi.vn

Thời gian qua, một số vụ thi hộ, học hộ được phát hiện và các cơ sở đào tạo đã có chế tài xử lý. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, vấn đề này chưa có dấu hiệu thuyên giảm và gây nhức nhối trong dự luận xã hội. Đáng nói, trên nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội, không ít hội nhóm công khai đăng bài với mục đích học hộ, thi hộ.

Những diễn đàn này thu hút đông đảo sinh viên, học viên tham gia và ngang nhiên tìm người, ngã giá. Dù bị ngăn cấm tại các giảng đường nhưng học hộ, thi hộ vẫn tồn tại, nhất là một số lớp học, khóa học trực tuyến.

Tôi được biết, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có chế tài xử lý như: Đình chỉ học/thi, nặng hơn là đuổi học. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này, cơ sở đào tạo cần áp dụng giải pháp toàn diện và đồng bộ, trong đó phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm tra, giám sát như: Xây dựng hệ thống điểm danh điện tử, điểm danh bằng vân tay, nhận diện khuôn mặt trong các kỳ thi để phát hiện và ngăn chặn kịp thời trường hợp vi phạm.

Trên phương diện pháp luật, học hộ, thi hộ là hành vi sai phạm. Người bị phát hiện sẽ bị xử lý dựa theo quy định từ khiển trách đến buộc thôi học. Việc thi hộ cũng bị xử lý tương tự như học hộ. Theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 14 - 16 triệu đồng.

Riêng với trường hợp phát hiện việc học hộ, thi hộ theo “đường dây” có tổ chức, tôi cho rằng cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với người thi hộ, học hộ và người thuê người học hộ, thi hộ.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Xử lý nghiêm các tổ chức dịch vụ thi hộ

dung-tuong-lua-du-manh3.jpg

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: Doãn Nhàn

Học hộ, thi hộ gây hậu quả nhãn tiền là, sinh viên sẽ không có được kiến thức và gặp nhiều khó khăn khi tham gia thị trường lao động, khó đáp ứng yêu cầu công việc. Hành vi này không chỉ vi phạm quy định của nhà trường, mà còn phá hoại hệ thống giáo dục và ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

Việc xử lý vấn nạn học hộ, thi hộ cần nghiêm minh, đồng thời tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, công bằng và trong sáng. Điều này không chỉ giúp bảo vệ uy tín của hệ thống giáo dục, mà còn góp phần xây dựng một thế hệ học sinh, sinh viên có đạo đức và trách nhiệm.

Luật Giáo dục hiện hành quy định nghiêm cấm các hành vi gian lận trong học tập như: Quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, xin điểm; học, thi, thực tập, trực hộ người khác hoặc nhờ người khác học, thi, thực tập, trực hộ; sao chép, nhờ hoặc làm hộ tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp; tổ chức hoặc tham gia tổ chức thi hộ hoặc các hành vi gian lận khác là một trong những hành vi học sinh/sinh viên không được thực hiện. Đối với hành vi tổ chức học, thi, kiểm tra hộ, có thể bị áp dụng hình thức buộc thôi học hoặc tùy theo mức độ có thể giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Mặc dù Bộ GD&ĐT có Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT; trong đó quy định rõ về việc xử lý kỷ luật đối với những sinh viên vi phạm quy định về học tập và thi cử. Tuy nhiên, quy định này cần được thực thi chặt chẽ hơn. Phải xử lý nghiêm các tổ chức dịch vụ thi hộ và những người môi giới, đảm bảo sự răn đe và tạo ra môi trường học tập lành mạnh.

Tôi cho rằng, cần sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng lên tiếng để loại bỏ các hành vi thi hộ, học hộ; trong đó nhấn mạnh đến việc giáo dục đạo đức cho sinh viên. Song trên hết, các cơ sở đào tạo, cơ quan chức năng và cộng đồng cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao ý thức, xử lý mạnh tay với trường hợp vi phạm và xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, nơi sinh viên được khuyến khích phát triển khả năng thực sự.

Ông Lê Tuấn Tứ - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa: Công khai người vi phạm

dung-tuong-lua-du-manh1.jpg

Ông Lê Tuấn Tứ. Ảnh: Quochoi.vn

Học đại học để có kiến thức, kinh nghiệm làm việc sau khi tốt nghiệp. Người học không nên có tư tưởng học để có bằng cấp, oai. Nếu người học không có kiến thức sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm và thăng tiến sau này. Hãy hình dung, nếu nhà tuyển dụng phát hiện ra ứng viên không có kiến thức, không làm được việc, điểm học tập nhờ học hộ, thi hộ thì họ sẽ nghĩ gì về ứng viên, cơ sở đào tạo?

Vì thế, hơn ai hết, mỗi người học cần ý thức hậu quả và hệ lụy của việc học hộ, thi hộ. Về phía nhà trường, nếu dễ dãi trong dạy học và kiểm tra, đánh giá thì chất lượng đào tạo sẽ kém. Khi đó, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nhà trường. Do đó, cơ sở đào tạo cần siết chặt việc kiểm tra, đánh giá đối với sinh viên, đồng thời có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng thi hộ, học hộ; bởi đây là hành vi gian lận phải lên án.

Bộ GD&ĐT nghiêm cấm hành vi gian lận này. Các cơ sở giáo dục đại học cũng đưa ra những hình thức kỷ luật, từ khiển trách đến buộc thôi học với trường hợp thi hộ, nhờ người thi hộ; thậm chí có trường hợp còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng. Để việc xử lý đủ sức răn đe, các đơn vị cần công khai danh sách người vi phạm (người đi thuê và người học/ thi thuê) tại nơi học, nơi làm việc và gửi về gia đình để biết và có biện pháp giáo dục tiếp theo.

Đề xuất các biện pháp xử lý thi hộ, học hộ, ông Phạm Văn Hòa gợi mở 5 giải pháp: Cải thiện quy trình giám sát và kiểm tra trong kỳ thi; xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi gian lận; tăng cường giáo dục đạo đức học đường; đào tạo và nâng cao kỹ năng cho học sinh, sinh viên; khuyến khích sự tham gia của gia đình.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...