Hai chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế sẽ triển khai tháng 4/2024
Hai chương trình đánh giá quốc tế sẽ được triển khai tại Việt Nam vào tháng 4/2024 gồm: Chương trình TALIS và Chương trình SEA-PLM.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2022-2023. Một trong những nhiệm vụ được đưa ra là triển khai các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia và quốc tế theo kế hoạch.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, thực hiện khảo sát thử nghiệm vào tháng 4/2023 và chuẩn bị cho khảo sát chính thức vào tháng 4/2024 các chương trình đánh giá quốc tế, gồm: Chương trình Đánh giá quốc tế về dạy và học (TALIS), Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM).
Bộ GD&ĐT yêu cầu sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường thực hiện tốt công tác chuẩn bị về dữ liệu hiệu trưởng, giáo viên và học sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện về nguồn lực để tham gia các chương trình đánh giá quốc tế bảo đảm đúng yêu cầu, quy trình kỹ thuật của quốc tế, khu vực và của Việt Nam; Đồng thời, có các phương án ứng phó với tác động của dịch bệnh trong quá trình triển khai.
TALIS là chương trình đánh giá việc dạy và học trong nhà trường phổ thông, được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nghiên cứu, xây dựng với chu kỳ đánh giá 5 năm/lần. Chương trình TALIS bắt đầu từ năm 2008 tại 24 quốc gia/vùng kinh tế OECD. Đến chu kỳ TALIS 2018, đã có trên 45 quốc gia/vùng kinh tế tham gia, trong đó có Việt Nam. Đối tượng tham gia khảo sát chính thức TALIS là hiệu trưởng và giáo viên.
Chương trình SEA-PLM được hội nghị Hội đồng Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á tán thành tại hội nghị lần thứ 47, diễn ra vào tháng 3/2013. Đối tượng khảo sát là học sinh đang học lớp 5 ở các trường tiểu học; Hiệu trưởng các trường rơi vào mẫu khảo sát; giáo viên đang dạy lớp 5; Phụ huynh rơi vào mẫu khảo sát. Việt Nam tham gia khảo sát thử nghiệm SEA-PLM trong năm 2018.