A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội gấp rút bổ sung thêm phòng học, “bù” giáo viên cho năm học mới 2023 - 2024

Tại Hà Nội, năm học 2023 - 2024, dự báo số học sinh đầu cấp tăng đột biến ở hầu hết quận huyện. Việc tăng đột biến số học sinh dẫn đến thiếu phòng học.

Trước thực trạng này, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các phòng GD&ĐT có phương án tham mưu với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai bổ sung thêm phòng học, đảm bảo học sinh trong độ tuổi đều được đáp ứng nhu cầu học tập.

Liên tục sửa chữa, bổ sung phòng học

Năm học 2023 - 2024, đơn vị có số học sinh tăng mạnh ở Hà Nội gồm quận Hà Đông (vào lớp 6 tăng 5.208 học sinh so với số hết lớp 9, tương ứng cần thêm 116 phòng học).

Con số này ở Hoàng Mai là 3.482em/77 phòng học; Nam Từ Liêm là 3.351/74; Chương Mỹ là 3.199/71; Bắc Từ Liêm là 3.099/69.

Tại quận Hoàng Mai, cùng với số học sinh lớp 6 tăng, số lớp 1 cũng tăng 3.086 em so với số hết lớp 5, tương ứng cần thêm 88 phòng học.

Hà Nội gấp rút bổ sung thêm phòng học, “bù” giáo viên cho năm học mới 2023 - 2024
Trường THCS Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vừa được xây mới, khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh

Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho hay, năm nào số học sinh đầu cấp ở quận cũng tăng. Năm nay, học sinh vào lớp 6 dự kiến tăng nhiều hơn mọi năm. Để chuẩn bị trường, lớp cho năm học mới, quận Hà Đông đã xây dựng thêm 7 đơn nguyên cho các trường THCS.

Theo bà Hằng, giải pháp để giãn sĩ số trong những năm tới vẫn không có gì khác ngoài việc rà soát, dự báo số lượng học sinh tăng để có kế hoạch xây mới và sửa chữa các trường học, phòng học. Với những trường không còn đất, quận sẽ rà soát và phân lại tuyến tuyển sinh. Trường nào quá tải sẽ thực hiện phân tuyến sang địa bàn lân cận.

Ngoài ra, với lợi thế quận Hà Đông có 41 trường tư thục, quận cũng khuyến khích các trường tư thục phát triển nhất là khu đông dân, khu đô thị, nhiều chung cư để giải quyết áp lực học sinh tăng nhanh.

Không chỉ có quận Hà Đông, quận Hoàng Mai cũng là địa phương “nóng” về việc gia tăng sĩ số học sinh đầu cấp. Thông tin về việc chuẩn bị trường, lớp đón học sinh, bà Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai chia sẻ: Năm học 2022 - 2023, quận có 89 trường học, trong đó 48 trường mầm non, 23 trường tiểu học và 18 trường THCS với 2.048 lớp học, tăng 79 phòng học so với năm học trước.

Quận cũng xây mới, cải tạo, thành lập mới nhiều trường học. Tuy nhiên, với dân số cơ học tăng quá nhanh dẫn đến tình trạng xây trường không kịp để đáp ứng.

Để chuẩn bị chỗ học cho học sinh, nhất là học sinh THCS năm học tới 2023 - 2024, quận tiếp tục xây dựng thêm trường học ở các cấp. Ngoài trường THCS Tân Mai, THCS Đại Kim, THCS Hoàng Mai đã được cải tạo, xây mới, quận đã thành lập mới trường THCS Linh Đàm, xây mới trường THCS Định Công và có kế hoạch xây thêm nhiều trường học trong thời gian tới.

Giải quyết vấn đề thiếu giáo viên

Không chỉ thiếu lớp học, phòng học, để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhiều địa phương ở Hà Nội còn đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên cục bộ.

Đề cập đến những khó khăn của việc bố trí đội ngũ, ông Nguyễn Đức Hòa - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ thông tin: Trên địa bàn huyện hiện nay thiếu 153 giáo viên tiểu học và 95 giáo viên THCS. Giáo viên mầm non đã đủ biên chế. UBND huyện đã có kế hoạch gửi lên Sở Nội vụ để duyệt biên chế, tổ chức thi tuyển từ năm 2022 nhưng chưa thực hiện được.

Cùng với đó, theo lộ trình tinh giản 10% biên chế khiến các trường tiểu học thêm khó khăn “thiếu chồng thiếu”. Việc ký hợp đồng giáo viên cũng không dễ vì khó tìm nguồn tuyển đảm bảo trình độ. Ngay ở phòng GD&ĐT cũng gặp khó khi nhân sự có 9 người và chỉ có 1 người đảm nhận chuyên môn ở mỗi cấp học.

Huyện Ứng Hòa hiện có 90 trường học với 39.488 học sinh, 2.983 giáo viên và còn thiếu 276 giáo viên so với yêu cầu. Năm trước, phòng đã tham mưu với UBND huyện tuyển 175 giáo viên và chỉ tuyển được 145 do nhiều trường không có thí sinh dự tuyển.

Địa bàn rộng, học sinh ít cũng là vướng mắc trong việc tuyển dụng giáo viên tại Ứng Hòa. Theo ông Nguyễn Đức Thắng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa, số lượng học sinh/trường ít, có trường chỉ có 176 học sinh.

Do vậy, UBND huyện đã không duyệt biên chế do không không đủ 1 giáo viên/trường. Để khắc phục, phòng đã đề xuất phương án liên trường để có giáo viên dạy cho học sinh, đồng thời tiến hành tuyển dụng giáo viên hợp đồng cho những trường còn thiếu.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện có khu công nghiệp Đồng Văn, với thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng, nhiều hơn khi đi dạy. Nhiều sinh viên đã lựa chọn đi làm công nhân, chờ đỗ viên chức mới dạy. Do đó, việc tìm giáo viên hợp đồng rất khó khăn, khiến tình trạng thiếu giáo viên lại càng trở nên cấp bách.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...