A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh từ những điều gần gũi

Thông qua những buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khoá nhà trường giáo dục học sinh gìn giữ văn hoá truyền thống dân tộc. Đặc biệt phải thật thà, trung thực trong học tập cũng như cuộc sống.

Nhặt được của rơi trả lại người mất

Thông qua những buổi sinh hoạt ngoại khoá, chào cờ… trường Tiểu học – THCS Lý Tự Trọng (xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) giáo dục học sinh về đạo đức, lối sống, tương thân tương ái, thật thà và trung thực…

Theo thầy Nguyễn Tài Duệ - Hiệu trưởng nhà trường, mỗi năm các lớp, học sinh đều đăng ký một việc làm cụ thể theo 5 điều Bác Hồ dạy. Có những em đăng kí phấn đấu học tốt, đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Bên cạnh đó, có lớp đăng kí chăm sóc, bảo vệ cây xanh để gìn giữ môi trường trong lành hoặc hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập… Tuy nhiên, nhà trường đặc biệt chú trọng giáo dục học sinh không được tham của rơi và phải trả lại người đánh mất.

“Trong những năm học qua, nhiều học sinh của nhà trường đã nhặt được của rơi và tìm, trả lại người làm mất. Qua những việc làm thiết thực đó, nhà trường, giáo viên nhận thấy hiệu quả từ việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Các em đã thật thà, trung thực và không tham của rơi. Mặc dù học sinh trong trường nhiều em có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn”, thầy Duệ chia sẻ.

Vị hiệu trưởng cho hay, dù học sinh nhặt được tiền, đồ vật có giá trị nhỏ hay lớn thì đều giao lại cho nhà trường để tìm, trả lại người mất. Nếu trong thời gian dài không có người nhận lại thì số tiền sẽ được bỏ vào quỹ tiết kiệm để hỗ trợ cho những em có hoàn cảnh khó khăn.

“Những học sinh nhặt được của rơi trả lại người mất là tấm gương sáng để cho các bạn khác học tập và noi theo. Do đó, nhà trường luôn kịp thời động viên, khích lệ và tuyên dương những việc làm ý nghĩa của học sinh”, thầy Duệ bộc bạch.

Em Vũ Trần Đăng Khôi, học sinh lớp 5A3 vừa qua cũng nhặt được một chiếc vòng tay bằng vàng trị giá gần 7 triệu đồng. Ngay sau đó em đã gửi Ban giám hiệu nhà trường để trả lại cho cô giáo bị đánh rơi.

“Bố mẹ và thầy cô luôn dạy em phải thật thà, trung thực trong cuộc sống. Do đó, khi nhặt được đồ người khác đánh rơi em báo lại thầy cô hoặc bố mẹ để tìm người bị mất. Em rất vui và hạnh phúc khi làm được việc tốt và ý nghĩa”, em Khôi chia sẻ.

Không những vậy, nhà trường luôn giáo dục học sinh phải biết sẻ chia, giúp đỡ và hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Do đó, vào cuối năm học nhà trường luôn phát động phong trào “Tặng SGK cũ” cho bạn khó khăn. Từ đó, tăng cường nguồn sách ở thư viện, đồng thời trao tặng những bộ SGK cũ cho học sinh khó khăn để các em tự tin, vững bước đến trường. Phong trào này luôn được học sinh trong trường nhiệt tình hưởng ứng.

Mong ước đưa văn hoá truyền thống vươn ra thế giới

Cô Giã Thị Tuyết Nhung luôn đồng hành, hỗ trợ 2 học sinh với hy vọng đưa văn hoá truyền thống vươn xa ra Thế giới.

Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức cho học sinh, cô Giã Thị Tuyết Nhung, giáo viên tiếng Anh – trường THPT Trường Chinh (TP Kon Tum) còn hỗ trợ, động viên học sinh gìn giữ văn hoá truyền thống dân tộc.

Cô Nhung chia sẻ, học sinh trong trường có nhiều em yêu thích, đam mê văn hoá truyền thống dân tộc. Do đó, nhà trường thành lập đội cồng chiêng để các em tham gia biểu diễn tại những cuộc thi, hoạt động ngoại khoá…

“Mình thường xuyên động viên học sinh tham gia các cuộc thi KHKT về văn hoá truyền thống dân tộc. Qua đó, thôi thúc đam mê của các em trong việc học, thể hiện văn hoá không chỉ trong nước mà vươn ra nước ngoài. Khi học sinh tham gia, phát triển văn hoá dân tộc bà con dân làng rất vui mừng, hạnh phúc. Ngoài ra, một số nghệ nhân cũng nhiệt tình hỗ trợ các em miễn phí”, cô Nhung tâm sự.

Em Phan Ny, học sinh lớp 12A2 chia sẻ, từ những ngày còn nhỏ em đã yêu thích và đam mê văn hoá truyền thống dân tộc. Do đó, sau khi được thầy, cô và gia đình động viên khích lệ em đã mạnh dạn tham gia. Vừa qua Phan Ny và người em họ A Liêu (học sinh lớp 11B6) đã xuất sắc dành giải Nhất trong Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh Trung học, năm học 2021-2022 với dự án “Cải tạo tiếng đàn Ching-Kram của đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum”.

“Không chỉ em mà 4 anh chị em trong gia đình đều rất yêu thích và đam mê với các loại nhạc cụ truyền thống. Do đó, thời gian tới em sẽ cố gắng hoàn thành kì thi tốt nghiệp THPT, sau đó tiếp tục học tập, phát triển và đưa văn hoá dân tộc vươn xa ra Thế Giới”, em Phan Ny nói.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...