A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyển sinh 2022: Chặn tình trạng "xé rào"

Để bảo đảm công bằng và bình đẳng trong tuyển sinh, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm (nếu có); đồng thời công khai các trường sai phạm cũng như kết quả xử lý.

Đó là chia sẻ của TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) với Báo Giáo dục và Thời đại.

Xu hướng chọn ngành đã thay đổi

- Tuyển sinh là việc tự chủ của các trường đại học, song với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT sẽ có giải pháp kiểm tra, giám sát như thế nào để các trường không “vượt rào”, thưa ông?

- Trước hết phải khẳng định, các trường đại học được quyền tự chủ trong tuyển sinh nhưng vẫn trong khuôn khổ, trong đó có Quy chế tuyển sinh. Thứ nữa, lịch tuyển sinh được Bộ GD&ĐT công khai và các trường cũng phải công khai đề án tuyển sinh trường.

Ngoài ra, để bảo đảm công bằng và bình đẳng trong tuyển sinh, Bộ có nhiều giải pháp; trong đó sẽ thực hiện lọc ảo chung tất cả phương thức tuyển sinh đợt 1. Kết quả thí sinh đăng ký đều đưa vào phần mềm xét tuyển chung của Bộ. Cùng với đó, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm, đồng thời công khai các trường sai phạm và kết quả xử lý.

Năm nay, mỗi thí sinh được cấp tài khoản, mã định danh (chính là căn cước công dân). Mã định danh này được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Khi đăng ký xét tuyển, những thông tin cá nhân sẽ hiển thị (nếu thiếu sẽ được bổ sung) nên thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm. Trường hợp thí sinh gặp khó khăn khi đăng ký xét tuyển, các em sẽ được nhà trường tư vấn, trợ giúp.

- Ông có nhận định gì về xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh trong những năm gần đây?

- Cần nhìn khách quan rằng, kinh tế, xã hội của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang có xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Do đó, việc chọn ngành, chọn trường của thí sinh cũng chịu tác động của xu hướng này.

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên những ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin cần nhiều nguồn nhân lực. Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan thực hiện giải pháp để phát triển quy mô đào tạo những ngành thuộc lĩnh vực: Du lịch và công nghệ thông tin. Qua đó, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.

Với các ngành thuộc nhóm sư phạm, Chính phủ có Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Do đó, xu hướng lựa chọn vào các ngành đào tạo giáo viên đã tăng lên và nằm trong tốp ngành có thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhất.

Đặc biệt, trong khối ASEAN đã thống nhất trao đổi về nhân lực. Vì thế, thí sinh cần tìm hiểu thông tin về quy hoạch sử dụng nhân lực của các địa phương và bộ ngành theo quy định của Chính phủ để tham khảo, lựa chọn. Ngoài ra, một số ngành nghề có nhu cầu xuất khẩu lao động lớn như ngành điều dưỡng… Đó là những ngành mà thí sinh có xu hướng lựa chọn nhiều hơn trong những năm gần đây.

Công cụ chọn ngành học, trường học?

TS Phạm Như Nghệ

“Năm nay, thí sinh có 6 tuần để vừa đăng ký, vừa điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển của mình. Thời gian đăng ký và điều chỉnh từ khi thi xong tốt nghiệp THPT đến khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển”. TS Phạm Như Nghệ

- Theo ông, trong quá trình chọn ngành, thí sinh cần ưu tiên yếu tố gì?

- Rất khó để đưa ra một công cụ nào đó cho việc lựa chọn ngành học, trường học. Nhưng từ kinh nghiệm thực tiễn và trong lần đi tư vấn tuyển sinh, thí sinh cần lưu ý: Hãy so sánh kết quả học tập của mình với yêu cầu của trường dự định đăng ký xét tuyển.

Sau đó, rà soát điểm trúng tuyển của một số năm trước và đối chiếu với kết quả học tập của mình. Đặc biệt cần lưu ý, các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí xét tuyển của cơ sở đào tạo, kể cả tiêu chí phụ.

Hiện, tất cả trường đại học đều công khai đề án tuyển sinh và có bộ phận giải đáp thắc mắc, thí sinh có thể tìm hiểu về trường học, ngành học mà mình dự định xét tuyển.

Ngoài ra, các em cần trả lời một số câu hỏi mình thích ngành nào và lý do vì sao? Ngành học mình lựa chọn có phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện thực tế của bản thân, gia đình hay không? Đặc biệt, học sinh nên tìm hiểu về thị trường lao động của địa phương và trên cả nước, thậm chí là thị trường lao động quốc tế để có cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường.

- Năm nay, có khoảng 20 phương thức xét tuyển khác nhau. Điều này khiến không ít thí sinh và phụ huynh bối rối. Các em cần làm gì để không bị “trượt oan”?

- Theo cơ chế tự chủ đại học, mỗi trường sẽ có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau nhưng không quá 4 phương thức/ngành. Vì thế, thí sinh cần căn cứ vào tiêu chí, điều kiện tuyển sinh của cơ sở đào tạo đưa ra và kết quả học tập hoặc thi tốt nghiệp THPT của mình để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với điều kiện của bản thân cũng như yêu cầu của cơ sở đào tạo.

Lưu ý: Trong các phương thức, thí sinh nên lựa chọn phương thức có lợi nhất; tức là lựa chọn theo thế mạnh của mình hoặc có thể lựa chọn nhiều phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển.

- Nói là vậy, nhưng thực tế vẫn có nhiều thí sinh bị ảnh hưởng bởi gia đình, bạn bè, người thân khi chọn ngành, chọn trường. TS có lời khuyên nào cho các em?

- Theo tôi, việc tham khảo ý kiến của gia đình, bạn bè, người thân, nhất là những người có kinh nghiệm rất cần thiết. Bản thân thí sinh cũng phải biết năng lực, sở trường của mình như thế nào để có lựa chọn cho phù hợp. Ngoài ra, các em phải biết kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra quyết định cuối cùng.

Tuy nhiên, quan trọng nhất, sĩ tử phải chọn ngành phù hợp nhất với mình. Lưu ý, ngành mình thích nhất chưa chắc đã là phù hợp nhất với mình, vì thế cần cân nhắc giữa hai yếu tố: Thích nhất và phù hợp nhất khi lựa chọn ngành học, trường học.

- Xin cảm ơn ông!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...