Đừng biến “mùa” họp phụ huynh thành “mùa” đóng góp
Nhiều năm nay, cứ vào đầu năm học mới, câu chuyện họp phụ huynh lại được nhiều người nhắc đến. Không ít người cho rằng, họp phụ huynh nội dung chủ yếu là bàn đến chuyện đóng góp, đặc biệt là các khoản thu mang tên “tự nguyện” của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
“Nhân vật chính” ngán ngẩm
Những buổi phụ huynh đầu năm từ lâu đã lặp đi lặp lại các nội dung, hình thành “công thức” đến mức phụ huynh thuộc làu.
Phần đầu của những buổi họp là lúc giáo viên chủ nhiệm giới thiệu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường là ai. Trường có bao nhiêu lớp, năm học qua có bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh xếp hạnh kiểm ở mức tốt, mục tiêu năm học của trường, lớp như thế nào. Còn phần nội dung trọng tâm của cuộc họp đầu năm chỉ xoay quanh các khoản thu chi của trường trong năm học qua và thông báo các khoản thu của năm học. Điều đáng nói là sau khoản thu của nhà trường là ý kiến Ban đại diện cha mẹ học sinh. Từ đây, nhiều khoản thu bên ngoài mang tên “tự nguyện” đã được phát động.
Nhiều phụ huynh ngán ngẩm với cuộc họp phụ huynh đầu năm bởi trọng tâm là thông báo cá khoản thu (ảnh minh hoạ) |
Có thể nói, đa phần phụ huynh đi dự họp phụ huynh trong tâm thế chỉ để nghe phổ biến các khoản tiền nộp và quy định về thời gian. Nhiều khoản thu được nhà trường đưa ra, tuy phụ huynh không đồng ý nhưng chẳng mấy ai lên tiếng.
Kết thúc buổi họp bao giờ cũng là khung cảnh phụ huynh vây chặt bàn giáo viên để đóng tiền...
Vài năm trở lại đây, các khoản thu như điều hoà, photo, rèm cửa… những gì liên quan đến sinh hoạt của học sinh thì Ban phụ huynh thường đứng ra kêu gọi đóng “tự nguyện” để các con được hưởng và cái này không liên quan gì đến các khoản thu của nhà trường.
Chị Nguyễn Thị Chi ở Đông Anh chia sẻ: “Mới đi tựu trường vài hôm, cô giáo đã bầu ra một Ban đại diện cha mẹ học sinh, những thành viên này ngay lập tức đã yêu cầu sắm 2 chiếc điều hoà và phân bổ đều tiền cho mỗi cha mẹ đóng. Đã thế còn lấy ý kiến công khai ai đồng ý và không đồng ý trong nhóm lớp. Tôi dù rất khó chịu nhưng đành phải đóng góp, bởi tôi nghĩ con mình học ở đó lâu dài, hơn nữa trong nhóm còn có cô chủ nhiệm, ý kiến nhiều thì lại lo con mình bị để ý”.
Chị Nguyễn Hoàng Mai ở quận Long Biên cũng cho biết: “Trong nhóm lớp ở zalo, có những phụ huynh đã “lấy lòng” cô giáo bằng cách xin ý kiến cô rồi kêu gọi thu khoản nọ, khoản kia cho lớp học. Không ai dám từ chối hay nêu ý kiến, thế là theo đám đông, mọi người đành phải “ngậm ngùi” móc tiền ra nộp dù trong lòng thấy khó chịu hay còn muôn vàn dấu hỏi không lời giải đáp. Tôi nghĩ cũng nên kiểm soát và siết chặt hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, nếu không họ sẽ là người khiến nhà trường bị mang tiếng “lạm thu”.
Buổi họp đầu tiên... “tiền đâu”?
Vài năm trở lại đây, khi bị “soi” nhiều, trong buổi họp phụ huynh, giáo viên không còn kê khai lên bảng các khoản thu mà thay vào đó là đọc để phụ huynh tự ghi chép. Bên cạnh khoản thu rất đúng quy định của nhà trường thì phần tiếp theo là Ban đại diện cha mẹ học sinh có ý kiến, đồng thời liệt kê thêm các khoản thu khác hỗ trợ về cơ sở vật chất, sinh hoạt của các con ở trường học.
Theo điều lệ do Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành năm 2011, Ban đại diện cha mẹ học sinh có trách nhiệm phối hợp với giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; tham gia giáo dục đạo đức; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, nghèo, khuyết tật… Nhưng, tiếc rằng, hiện nay, rất hiếm khi Ban này đứng ra thảo luận với lớp về những vấn đề mang tính giáo dục theo đúng chức năng và nhiệm vụ như vậy.
Ban đại diện cha mẹ học sinh hiện nay thường đi họp với nhà trường, lắng nghe và về vận động phụ huynh đóng tiền để sửa cái này, thay cái nọ…. Mà tâm lý đại đa số phụ huynh đều sợ nếu không đóng, con em bị thiệt thòi, bị để ý,... nên cứ theo đám đông để đóng.
Anh Trần Văn Trung ở quận Cầu Giấy chia sẻ: “Cuộc họp năm trước, tôi có ý kiến, làm sao một tháng mà hết đến 35 ngàn đồng tiền nước uống? tôi yêu cầu ghi ý kiến của mình vào biên bản cuộc họp, nhưng lập tức bị một vài phụ huynh khác kéo xuống và nói nhỏ: “Đừng thắc mắc anh ơi, chỉ khổ con mình!””.
Cuộc họp đầu năm được xem như lần đầu tiên phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm gặp nhau nhằm tạo sợi dây gắn kết giữa giáo viên và cha mẹ các em. Mối quan hệ này càng tốt, việc giáo dục học sinh càng hiệu quả. Thế nhưng, nhiều buổi họp đang dần trở thành những buổi vận động sự “tự nguyện” của phụ huynh một cách công khai làm mất đi giá trị tốt đẹp của cuộc gặp gỡ này.
Mong rằng năm nay sẽ có nhiều thay đổi để buổi họp phụ huynh đầu năm có ý nghĩa như vốn có của nó và để mùa Thu, mùa tựu trường là mùa đẹp nhất trong năm mà không trở thành mùa “thu chi” như nhiều phụ huynh vẫn thường nói riêng với nhau.