A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không kiểm tra, đánh giá các nội dung tinh giản trong năm học 2022 - 2023

Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường trung học không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung tinh giản theo hướng dẫn của Bộ.

Đây là một nội dung Bộ đưa ra nhằm thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá tại hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023.

Không kiểm tra, đánh giá các nội dung tinh giản trong năm học 2022 - 2023
Học sinh trường Tiểu học Văn Yên chào đón năm học mới 2022 - 2023

Nội dung tinh giản được thực hiện theo Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Liên quan đến kiểm tra, đánh giá, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; Không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông.

Các trường thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì; Khuyến khích các nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra.

Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục.

Việc đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá các môn học phải bảo đảm yêu cầu về tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

Đối với môn Ngữ văn, thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ GD&ĐT đối với khối lớp 6, 7 và 10; Khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo Công văn này đối với khối lớp 8, 9, 11 và 12.

Đối với môn Lịch sử, tăng cường các câu hỏi nhằm khai khai thác, sử dụng các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ; Câu hỏi mở tạo điều kiện cho học sinh tự biểu đạt chính kiến của mình về các vấn đề lịch sử, hướng tới đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh, khắc phục tình trạng ghi nhớ sự kiện một cách máy móc.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT lưu ý chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến theo quy định; Bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; Đánh giá đúng năng lực của học sinh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết