A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Động lực cống hiến: Đột phá cho phát triển đội ngũ nhà giáo

Theo đại biểu Quốc hội, chuyên gia, chính sách với nhà giáo đang có tín hiệu thể hiện rõ sứ mệnh của Giáo dục; trong đó có dự thảo Luật Nhà giáo.

Chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)

Cô trò Trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội) sôi nổi chữa bài. Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình

Cô trò Trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội) sôi nổi chữa bài. Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình

Tính chuyên nghiệp khác biệt

“Tôn sư - trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. PGS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục bày tỏ, trong khó khăn lại thấy được bản lĩnh kiên cường, đổi mới, sáng tạo của các thầy, cô giáo; rộng hơn là toàn ngành Giáo dục. “Dù ở đâu, vào thời điểm nào, nghề giáo luôn là nghề cao quý và người thầy giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo”, PGS.TS Đặng Quốc Bảo khẳng định.

“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sứ mệnh của giáo dục trở nên quan trọng hơn bao giờ hết; trong đó có nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ về văn hóa, tri thức, kỹ năng làm việc, sống nhân văn, yêu quê hương, đất nước…”. - PGS.TS Đặng Quốc Bảo

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần bàn như: Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu, thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông tại nhiều địa phương chưa được giải quyết triệt để… Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như: Lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội… cũng chưa thực sự tương xứng với vị thế, vai trò của nhà giáo.

Đồng cảm về đời sống của nhiều nhà giáo còn khó khăn, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục trăn trở, nhà giáo chưa thể sống được bằng nghề. Lương nhà giáo chưa thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống, nhất là thầy cô trẻ, giáo viên mầm non… Thực trạng này khiến nhiều nhà giáo bỏ nghề, chuyển việc và là một trong những nguyên nhân khó thu hút người giỏi vào ngành Sư phạm. “Ngoài ra, nhiều địa phương thiếu nguồn tuyển dụng hoặc không tuyển được giáo viên để bổ sung số lượng còn thiếu, đáp ứng yêu cầu dạy - học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, PGS.TS Đặng Quốc Bảo nêu vấn đề.

“Quy mô học sinh không ngừng tăng, trong khi giáo viên không được bổ sung kịp thời do thiếu biên chế và nguồn tuyển”, ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên nêu thực tế. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục vẫn phải tinh giản biên chế theo yêu cầu chung dẫn tới khó khăn trong bố trí, sắp xếp giáo viên theo định mức, chuyên môn đào tạo.

Nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo, ông Nguyễn Văn Đoạt tin tưởng, khi có luật sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc, rõ ràng và toàn diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo. Theo dự thảo Luật Nhà giáo, những vấn đề về vị trí, vai trò, vị thế, quyền hạn và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định tường minh. Qua đó, làm rõ hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, đồng thời thể hiện tính chuyên nghiệp khác biệt so với các nghề khác. “Xây dựng chính sách phù hợp sẽ giúp nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”, ông Nguyễn Văn Đoạt nhìn nhận.

dot-pha-cho-viec-phat-trien-doi-ngu-nha-giao-1.jpg

Một lớp học của Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Xây dựng chính sách phù hợp

Nhà giáo hiện được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tuy nhiên, bà Châu Quỳnh Dao (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang) cho rằng, những luật này chưa giải quyết được tính đặc thù trong lao động của nhà giáo. “Ngay như Luật Giáo dục cũng không thể giải quyết hết các vấn đề liên quan, bởi đây là luật khung cho lĩnh vực giáo dục”, bà Châu Quỳnh Dao viện dẫn.

Hiện có khoảng gần 200 văn bản liên quan đến quản lý Nhà nước về giáo dục, tuyển dụng, sử dụng, thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Theo đại biểu đoàn Kiên Giang, thực tế này vô hình trung dẫn đến chồng chéo, bất cập trong việc thực hiện các chế độ, chính sách với nhà giáo. Vấn đề lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… chưa tương xứng với vị thế, vai trò thực sự của nhà giáo.

Ngoài ra, vị trí, vai trò của nhà giáo trong các chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước chưa đủ để nhà giáo thực sự thấy an tâm với nghề, yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp khác biệt so với các nghề khác để nhà giáo thể hiện đúng vị thế, vai trò của mình.

Từ những băn khoăn trăn trở, bà Châu Quỳnh Dao mong muốn, cần có luật dành riêng cho nhà giáo để các thầy, cô được bảo vệ, tôn vinh xứng đáng và yên tâm công tác. Trên hết là, đáp ứng mong mỏi của đội ngũ giáo viên nói riêng và những người làm trong ngành Giáo dục nói chung, bởi khi có luật sẽ tháo gỡ nhiều bất cập, trong đó có các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, tình trạng thừa, thiếu giáo viên… và những chế tài xử lý khi nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8. Dự án Luật này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 25/9. Đây là dự án Luật được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

Ông Trần Văn Tiến (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) nhìn nhận, việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo là cần thiết, nhằm thể chế kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhà giáo. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đột phá cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như định hướng chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Nhìn từ thực tiễn những năm qua cho thấy, đội ngũ nhà giáo và công tác phát triển ở các cấp còn tồn tại nhiều bất cập, cho nên cần thiết phải có một luật riêng để giải quyết. Các quy định cụ thể để quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo được ban hành nhiều, song chưa bảo đảm được tính đồng bộ, toàn diện, phù hợp, vẫn có tình trạng chồng chéo, khó áp dụng trong thực tiễn.

dot-pha-cho-viec-phat-trien-doi-ngu-nha-giao-2.jpg

Một lớp học của Trường Tiểu học Vĩnh Hải 3, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh: NTCC

Tháo gỡ bất cập

Đề xuất, cơ quan soạn thảo cần thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về nhà giáo, ông Trần Văn Tiến nhấn mạnh, cần nhất quán quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”. Bên cạnh đó, kiến tạo một số chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của đội ngũ nhà giáo.

Ngoài ra, xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo nhằm thu hút, tạo điều kiện để thầy cô yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề; bảo đảm sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; thống nhất đầu mối và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nhà giáo. Đồng thời, bảo đảm sự phù hợp với các điều ước quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước trên thế giới có quy định của pháp luật về nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại các luật liên quan như: Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp.... Đại biểu Trần Văn Tiến viện dẫn, dự thảo luật khẳng định và làm rõ hơn vai trò của nhà giáo; thống nhất nguyên tắc và các chính sách quản lý, phát triển nhà giáo; làm rõ đặc điểm hoạt động nghề nghiệp nhà giáo với tính chất là hoạt động đặc thù so với ngành, nghề khác;

Dự thảo luật cũng quy định đầy đủ về quyền của nhà giáo theo hướng tăng quyền tự chủ, sáng tạo trong hoạt động giảng dạy và giáo dục của nhà giáo, quyền được áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực trong giáo dục và bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các nội dung sáng tạo, đổi mới trong giáo dục; quyền được làm việc trong môi trường an toàn, được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể; được đối xử bình đẳng trong hoạt động và thăng tiến nghề nghiệp. Dự thảo luật cũng quy định cụ thể, tường minh về chế độ làm việc, điều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo; nhà giáo dạy liên trường để bảo đảm quyền lợi…

dot-pha-cho-viec-phat-trien-doi-ngu-nha-giao-3.jpg

Hoạt động giáo dục kỹ năng cho trẻ mầm non ở quận Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh: Sỹ Điền

Nhiều chính sách mới

Cũng theo ông Trần Văn Tiến, dự thảo Luật Nhà giáo quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW “tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ”. Theo đó, dự thảo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.

“Tôi cho rằng, quy định này có ý nghĩa động viên rất lớn, giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút nhà giáo công tác lâu dài trong ngành Giáo dục… Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng về nguồn lực tài chính để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện luật”, đại biểu Trần Văn Tiến trao đổi.

Nếu Luật Nhà giáo được ban hành sẽ góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số và chất lượng, tạo động lực để các nhà giáo cống hiến và đóng góp cho ngành Giáo dục của đất nước. TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam ghi nhận, dự thảo lần này có những quy định cụ thể, đầy đủ nhằm tạo điều kiện để nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đồng thời bảo vệ nhà giáo, như: Định danh nhà giáo; quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; những hành vị bị nghiêm cấm cùng với các quy định về xử lý vi phạm…

Quan tâm đến chính sách nhà giáo, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, các vấn đề liên quan đến tiền lương, phụ cấp, các chính sách hỗ trợ nhà giáo dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là chính sách để thu hút người giỏi vào làm công tác giảng dạy, cống hiến cho ngành Giáo dục…, bởi chất lượng đội ngũ nhà giáo là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Kết quả của đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo.

Bên cạnh những chính sách, lợi ích mà dự án Luật Nhà giáo đem lại, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam mong dự án luật lần này quan tâm, quy định cụ thể, đầy đủ hơn những vấn đề về bồi dưỡng nhà giáo, trong đó có năng lực ngoại ngữ và năng lực về công nghệ thông tin cho nhà giáo, để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện tại và tương lai của ngành Giáo dục.

“Luật Nhà giáo được ngành Giáo dục và đội ngũ nhà giáo mong đợi từ rất lâu. Khi dự án luật này được ban hành, nếu đảm bảo được chất lượng tốt, tính khả thi sẽ là hành lang pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo. Cùng đó là những chính sách, chế độ xứng đáng để các nhà giáo yên tâm cống hiến, sống với nghề và gắn bó với sự nghiệp trồng người; tạo điều kiện cho nhà giáo phát huy tối đa sở trường, năng lực trong giai đoạn tới”. - TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...