A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng giải pháp tích hợp trong phòng chống sốt xuất huyết

Chiều 3/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Toạ đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?”.

Mỗi năm Việt Nam có 200.000 người mắc sốt xuất huyết

Việt Nam được liệt kê trong số các quốc gia có gánh nặng sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Các chuyên gia cảnh báo rằng bệnh sốt xuất huyết đang phát triển để trở nên khó lường và nguy hiểm hơn vì nó không còn diễn biến theo chu kỳ mà còn mở rộng các vùng lưu hành bệnh.

Đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vaccine phòng bệnh đã có, tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi. Phòng, chống sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào phòng, chống vector và sự thay đổi hành vi, thói quen của người dân.

Thời gian qua, phòng, chống sốt xuất huyết luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm; chương trình phòng, chống sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia hơn 10 năm qua.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, TS. BS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết: Hiện nay tại Việt Nam có 2 bệnh lưu hành trong công tác phòng, chống dịch đó là bệnh tay chân miệng và bệnh sốt xuất huyết. Hằng năm, trên thế giới có từ 100 - 400 triệu người mắc và hơn 10.000 người tử vong. Riêng tại Việt Nam trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc và khoảng 40 trường hợp tử vong, tỉ lệ tử vong thấp.

Xây dựng giải pháp tích hợp trong phòng chống sốt xuất huyết

Các chuyên gia, đại biểu tham dự Toạ đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?”.

TS.BS. Hoàng Minh Đức nhấn mạnh: Thế giới trong 40 năm vừa rồi đã rất cố gắng để có một phương pháp tốt nhất và hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh mà vũ khí hiệu quả nhất chính là vaccine. Trước đây có rất nhiều nghiên cứu, từ của các nước hiện phát triển cho đến nước đang phát triển.

Trước khi có vaccine sốt xuất huyết, chúng ta vẫn phải dùng phương pháp cổ truyền là tiêu diệt vector trung gian truyền bệnh. Đó vẫn là phương pháp hiệu quả nhất. Tiêu diệt vector là cái trung gian rất khó. Vì thế, vẫn có khoảng trống trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Quan trọng nhất vẫn là sản xuất ra được vaccine để cho cơ thể con người có thể kháng lại virus sốt xuất huyết.

"May mắn là trong những năm gần đây, đã có vaccine sốt xuất huyết và hiện tại, tại Việt Nam đã cấp phép cho vaccine phòng, chống sốt xuất huyết", TS.BS Hoàng Minh Đức.

Tầm quan trọng của vaccine sốt xuất huyết

Vào tháng 5/2024 vừa qua, vaccine phòng sốt xuất huyết của Takeda đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam, và đã được bắt đầu triển khai tiêm chủng từ cuối tháng 9 cho người dân tại các đơn vị tiêm chủng công lập và tư nhân trên toàn quốc.

Vaccine sốt xuất huyết vốn được xem như một trong những bài toán hóc búa mà nhân loại đã miệt mài đi tìm lời giải suốt gần 100 năm nay. Quá trình để tìm ra loại vaccine thành công này cũng có không ít gian nan.

Xây dựng giải pháp tích hợp trong phòng chống sốt xuất huyết

Ông Dion Warren - Tổng Giám đốc khu vực Ấn Độ - Đông Nam Á (I-SEA), Takeda.

Ông Dion Warren - Tổng Giám đốc khu vực Ấn Độ - Đông Nam Á (I-SEA), Takeda: Sốt xuất huyết là một vấn đề rất phức tạp. Điều này không chỉ do mức độ nghiêm trọng của bệnh, mà còn bởi quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine cho sốt xuất huyết thường mất rất nhiều thời gian và công sức.

Trong khoảng 20 năm qua, chúng ta đã dành rất nhiều thời gian và nguồn lực để nghiên cứu và phát triển vaccine phòng chống sốt xuất huyết. Trong quá trình này, đã có tới 19 thử nghiệm lâm sàng được thực hiện với sự tham gia của khoảng 20.000 đối tượng. Việc đánh giá hiệu lực, tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của vaccine đã mất hơn nửa thập kỷ để hoàn thiện.

Theo dữ liệu của Công ty Takeda thì vaccine TAK 003 bao gồm 4 type được thử nghiệm trên 14 quốc gia với trên 28.000 người tham gia. Kết quả cho thấy vaccine TAK 003 này có tác dụng bảo vệ nhiễm virus Dengue đến 80,2% và chống nhập viện là 90,4%.

Hiện nay, vaccine này đã được triển khai ở rất nhiều nước trên thế giới, trong đó hàng triệu liều được triển khai ở Brazil, Argentina, Indonesia và Việt Nam. Đến lúc này, chưa có trường hợp nào có phản ứng nặng hoặc trầm trọng được ghi nhận. Điều đó chứng tỏ vaccine hiện nay an toàn và có hiệu quả cho người sử dụng.

Đánh giá về chiến lược hợp lực phòng, chống sốt xuất huyết sau khi người dân tiếp cận được vaccine rộng rãi, GS.TS. Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam: Phòng chống sốt xuất huyết truyền thống của chúng ta là diệt muỗi truyền bệnh - diệt vector. Hiện nay chúng ta có thêm vũ khí mới là vaccine.

Tuy nhiên nếu chỉ sử dụng vaccine không thì chúng ta thấy không thể toàn diện được bởi vì vẫn còn muỗi, bọ gậy, vẫn còn virus thì vẫn còn nguy cơ cao. Vì vậy, ngoài tiêm vaccine thì vẫn phải song song với biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy để đảm bảo tính bền vững khi chúng ta sử dụng vaccine.

Chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới cũng hướng dẫn là ngoài việc sử dụng vaccine thì không thể lơ là công tác phòng, chống vector được. Điều này cũng thể hiện ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.

"Mặc dù người ta đã áp dụng vaccine nhưng vẫn đồng thời tiến hành các biện pháp diệt vector để đảm bảo tính bền vững của vaccine. Trong đó, cần giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng để sử dụng vaccine nhưng đồng thời tích cực tham gia chủ động loại bỏ dụng cụ phế thải, diệt loăng quăng, muỗi ở hộ gia đình để đảm bảo việc phòng chống có hiệu quả lâu dài.

Tiếp theo là phải tiếp tục công tác giám sát và cập nhật các thông tin về sốt xuất huyết và sẵn sàng phát hiện sớm những biển hiện bùng phát dịch để có biện pháp tổng hợp như vaccine và diệt vector để đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả", GS.TS. Vũ Sinh Nam cho biết.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...