Đôi nét về việc học ngoại ngữ theo phương pháp lấy người học làm trung tâm
Thời gian gần đây, nhu cầu đẩy mạnh phát triển giáo dục theo hướng hiện đại đã thúc đẩy sự ra đời của hình thức dạy học lấy người học làm trung tâm (learner-centeredness).
Đây là phương pháp dạy học tích cực được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến có nền giáo dục hiện đại và phát triển, trong đó chủ yếu hướng vào việc chuẩn bị cho học sinh sớm thích ứng với đời sống xã hội, hòa nhập và phát triển cộng đồng, tôn trọng nhu cầu và tiềm năng người học.
Phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm là sự tập trung vào người học, là đặt người học vào vị trí trung tâm của hoạt động dạy-học. Phương pháp này xem cá nhân người học - với những phẩm chất và năng lực riêng của mỗi người - vừa là chủ thể vừa là mục đích của quá trình đó, phấn đấu tiến tới cá thể hóa quá trình học tập với sự trợ giúp của các phương tiện thiết bị hiện đại, để tiềm năng của mỗi học sinh được phát triển tối ưu.
Thực chất quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm là hệ phương pháp dạy học tích cực hay còn gọi là phương pháp dạy - tự học. Nó được xem là một hệ thống phương pháp dạy học có thể đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của mục tiêu giáo dục trong thời kỳ đổi mới. Phương pháp dạy học này giúp người học phát triển khả năng giải quyết vấn đề (problem solving), tư duy phản biện (critical thinking), tư duy phản ánh (reflective thinking),…
Trong lớp học ngoại ngữ hiện đại, thầy phải là người quản lý lớp học (manager). Thầy là người khởi tạo các hoạt động trong lớp, quyết định độ dài thời gian cho các hoạt động trên lớp, quyết định chuyển sang hoạt động khác hay ngừng các hoạt động khi thích hợp. Thầy là người chịu trách nhiệm toàn bộ các hoạt động trên lớp và phát huy các hoạt động đó một cách có hiệu quả.
Khi học sinh tiến hành các hoạt động trên lớp, thầy đóng vai trò là cố vấn (advisor). Thầy bổ sung những thông tin cần thiết và hữu ích cho các hoạt động như giúp học sinh khắc phục khó khăn trong việc sử dụng từ, hướng dẫn học sinh phối hợp lời nói và hành vi giao tiếp trong hoạt động nói,… Đôi khi thầy đóng vai trò làm "bạn" (participant) với học sinh. Ở vai trò này, thầy là người gợi mở, trợ giúp, hướng dẫn, động viên, cố vấn trong các hoạt động độc lập của học sinh, đánh thức tiềm năng của học sinh.
Sau các hoạt động trên lớp, thầy đóng vai trò là người đánh giá (assessor). Thầy cung cấp phản hồi cho các hoạt động trên lớp, đánh giá việc thực hiện của học sinh, hướng dẫn học sinh sửa các điểm yếu, phát huy thế mạnh cho các bài tiếp theo. Đồng thời thầy hướng dẫn cho học sinh cách tự đánh giá.
Có thể khẳng định rằng phương pháp lấy người học làm trung tâm là đường hướng phù hợp với giáo viên và học sinh ngoại ngữ trong xã hội hiện đại. Phương pháp này đề cao vai trò của học sinh trong quá trình dạy-học ngoại ngữ, do đó phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong việc tạo dựng và khám phá kiến thức của bản thân người học. Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả của phương pháp này cần có những điều kiện phải chuẩn bị như bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy hiện đại cho giáo viên, trang bị cơ sở vật chất, đặc biệt là phương tiện dạy học hiện đại và đảm bảo được những điều kiện tốt nhất cho quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động dạy học. Áp dụng thành công việc dạy học lấy học sinh làm trung tâm sẽ nâng cao được chất lượng và hiệu quả giáo dục, thúc đẩy quá trình học tập của học sinh, từ đó giải quyết tốt vấn đề đầu ra, đáp ứng được nhu cầu cần thiết của xã hội.
Ths. Nguyễn Đỗ Hương Giang
(Đại học Kinh tế Quốc dân)