Đảm bảo trẻ khuyết tật được hỗ trợ tốt nhất
Trẻ khuyết tật cũng như mọi trẻ em khác đều có quyền được giáo dục, học tập. Thời gian qua, Nhà nước, gia đình và xã hội luôn tạo điều kiện để mọi trẻ em được đối xử bình đẳng, được tham gia học tập nhằm phát huy tối đa khả năng của bản thân và hoà nhập cộng đồng.
Vẫn còn thách thức
Những năm qua, Ban Chỉ đạo trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tăng cường công tác chỉ đạo thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức tập huấn, kiểm tra, hỗ trợ các địa phương trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị. Nhờ vậy, công tác nghiên cứu giáo dục hòa nhập đã đạt được những kết quả bước đầu, có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng một môi trường tiếp cận giáo dục bình đẳng, thân thiện và chất lượng đối với người khuyết tật.
Trẻ khuyết tật cũng như mọi trẻ em khác đều có quyền được giáo dục, học tập. |
Tuy nhiên, giáo dục trẻ khuyết tật ở nước ta vẫn còn gặp nhiều thách thức. Trẻ khuyết tật ở những vùng sâu, xa, vùng khó khăn và ở những gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế chưa được chăm sóc, giáo dục đầy đủ. Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn chưa đảm bảo đầy đủ về số lượng, phân bố không đồng đều. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập còn hạn chế...
Thông tin tại Hội thảo xây dựng giải pháp đánh giá, phân loại dạng tật để có định hướng giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) đã nêu báo cáo về phân loại dạng và mức độ khuyết tật. Hiện nay có khá nhiều các bộ công cụ đánh giá về trẻ khuyết tật. Mỗi công cụ được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế mang tính lịch sử xã hội. Chế độ hỗ trợ nhất định từ góc độ pháp luật đến việc đáp ứng nhu cầu, mong muốn của các phụ huynh và chăm sóc - giáo dục.
Tại Việt Nam, có một số ít công cụ đánh giá được xây dựng; chủ yếu được nhập khẩu và áp dụng trong thời gian gần đây. Một số được Việt hóa thích ứng (Denver-2, Kyoto, WICS-IV), một số được dịch có điều chỉnh (Brunet-Lezin, ASQ, Small Steps, UDN-II…). Việc sử dụng các công cụ đã được Việt hóa hoặc điều chỉnh cũng đang ở mức độ khiêm tốn cả về số lượng trẻ và địa bàn. Do vậy các nhận định hoặc kết luận được đưa ra còn thiếu tính khách quan.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, ở Việt Nam tỷ lệ trẻ khuyết tật từ 2 - 17 tuổi chiếm 2,83%; từ 2 - 15 tuổi là 3,02% so với tổng số trẻ em cùng độ tuổi. Trẻ có một dạng khuyết tật là 80%, 20% đa tật. Tỷ lệ trẻ khuyết tật ở nông thôn cao hơn gần 1,5 lần khu vực thành thị. Vùng có tỷ lệ khuyết tật cao nhất là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
“Trẻ khuyết tật đang được can thiệp, hỗ trợ và học tập trong các cơ sở giáo dục chủ yếu dựa vào đánh giá theo hồ sơ y tế và bằng quan sát, nhận định của cha mẹ trẻ và kinh nghiệm của giáo viên. Các công cụ sàng lọc/phát hiện ban đầu, công cụ đánh giá sâu để can thiệp còn hạn chế về số lượng, chủ yếu được thực hiện tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng thông tin.
Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và Giáo dục
Cô giáo Trịnh Thị Lệ Thu (Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Bình Minh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, với học sinh khuyết tật, trường đang phân loại dạng tật dựa vào Giấy xác nhận tình trạng bệnh tật do cơ sở y tế cấp, Giấy xác nhận khuyết tật do Ủy ban nhân dân xã/phường cấp để xếp lớp cho phù hợp. Tuy nhiên, giáo viên chưa có nhiều cơ hội để tập huấn các công cụ đánh giá. Điều này gây khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh (Chuyên gia về giáo dục học sinh khuyết tật, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng cần cụ thể hóa được khái niệm về “dạng tật khác”, càng rõ ràng thì càng có nhiều chế độ chính sách; đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành Y tế và Giáo dục.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải (Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội), nếu đủ điều kiện nên Việt hóa một số bộ công cụ có tính chất chuyên biệt cho trẻ khuyết tật, từ đó cung cấp cho các nhà trường để thống nhất sử dụng trong đánh giá học sinh khuyết tật. Giáo viên giáo dục đặc biệt cần có vị trí việc làm chính thức trong các trường mầm non và phổ thông.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhận định, những vấn đề về trẻ em khuyết tật phải được tiếp cận chuẩn. Chuẩn là phải dựa trên quyền của người khuyết tật, trẻ em khuyết tật và những gì thuộc về quyền thì chúng ta phải cố gắng đáp ứng. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, để đáp ứng được việc này rất khó và còn nhiều việc cần phải làm. Trong đó, trách nhiệm của các bộ, ngành là phối hợp đúng chức năng, nhiệm vụ để tận tâm với công việc đang triển khai cho nhóm đối tượng này. Cần quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật. Việc phân loại, đánh giá, phát hiện và can thiệp sớm là điều cần thiết. Do đó, việc chuẩn hóa, cụ thể bộ công cụ cần phải được hoàn thiện sớm.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng lưu ý nhóm nghiên cứu về việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để có đủ nhận thức, kỹ năng hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật. Đặc biệt chú trọng đến nguồn tuyển để việc đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện thực chất, mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang xây dựng tài liệu phục vụ chuyên môn về phục hồi chức năng, giám định, hướng dẫn hệ thống can thiệp sớm cho trẻ em khuyết tật, hướng dẫn phục hồi chức năng cho trẻ rối loạn tự kỷ… Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị đánh giá thực trạng hệ thống phục hồi chức năng, hệ thống công nghệ trợ giúp phục hồi chức năng, đánh giá kiểm tra. Kết quả đánh giá là cơ sở để thực hiện chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng của trẻ em khuyết tật trong thời gian tới. |
Phạm Thảo