A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cô giáo tài năng truyền cảm hứng cho học trò qua từng trang sách

Không chỉ dừng lại ở công việc của nhân viên phụ trách thư viện đơn thuần, cô Nguyễn Thị Hạnh, - trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) luôn đổi mới, sáng tạo nhiều hoạt động sôi nổi để truyền cảm hứng về văn hóa đọc cho học trò…

Không ngừng đổi mới, sáng tạo

Nói về người đồng nghiệp của mình, cô Đỗ Thu Thảo - giáo viên trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ chia sẻ: “Ngày nào cũng vậy, cô Hạnh luôn đến trường từ rất sớm nhưng lại là người về muộn nhất. Nhiều lúc tôi cũng thắc mắc không hiểu lí do vì sao? Nhưng nhìn cách cô chăm chút cho “căn phòng nhỏ” của mình, tôi cũng đã tự tìm được lời giải đáp. Phòng thư viện được cô thiết kế có không gian thoáng mát và thân thiện. Với những bức tranh hoạt hình ngộ nghĩnh trên tường và kệ sách được sắp xếp theo chủ điểm, những chiếc bàn xinh xắn, tạo cho học sinh cảm giác thoải mái khi đến đây”.

Cô giáo tài năng truyền cảm hứng cho học trò qua từng trang sách

Cô Hạnh và học sinh trong buổi giới thiệu sách

Rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh là một hoạt động lâu dài, thiết thực mang ý nghĩa hình thành nhân cách, phát triển toàn diện cho học sinh. Vậy làm thế nào để cho các em học sinh thích đọc sách và tìm được nhanh nhất quyển sách mình cần, kể cả những em học sinh lớp 1 chưa biết đọc hay đến các em học sinh lớp 5 có thể đọc rất nhiều sách trong một tiết thư viện? Đó là điều khiến cô Hạnh luôn suy nghĩ, trăn trở.

Cô Hạnh đã học hỏi được một số kinh nghiệm như dùng mã màu để kí hiệu phân loại sách, truyện trong thư viện. Nhiều màu như vậy làm thế nào để học sinh dễ nhớ và dễ tìm chủ đề. Sau một thời gian nghiên cứu tìm tòi, cô đã quyết định chọn mã màu thể loại truyện theo ý nghĩa. Ví dụ như: Mã màu đỏ tượng trưng cho máu của các chiến sĩ đã hi sinh - sách về Lịch sử; màu trắng là màu của cát trắng trên biển- sách về biển đảo; Màu xanh da trời - màu của bầu trời xanh hòa bình, Bác đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi giành độc lập cho dân tộc - sách về Bác Hồ kính yêu; màu tím - màu của học trò, lứa tuổi rất cần có nhiều kĩ năng - màu của sách Kĩ năng sống.

Các em sẽ dựa vào mã màu để bước đầu làm quen với việc chọn sách và trả sách. Để các em không quên, cuối giờ đọc cô Hạnh thường cho các em chơi trò chơi với sách như: Tìm nhà cho sách (trả sách về đúng giá), không nhìn bảng mã màu, tìm tên loại truyện cho đúng mã màu (ví dụ: Màu nâu - sách Danh nhân).

Truyền niềm say mê đọc sách cho học trò

Tuy nhiên việc truyền cảm hứng cho học sinh say mê đọc sách vẫn là tâm huyết lớn nhất của cô Hạnh. Bởi cô cho rằng, truyện có hay, có nhiều và phong phú, sắp xếp đẹp đến mấy mà học sinh không ham đọc thì cũng không có kết quả. Mỗi tiết đọc sách cô đều có những hình thức đổi mới nhằm khơi dậy lòng yêu thích đọc sách, ham tìm hiểu như: Sáng tạo thêm những trò chơi, câu đố, khởi động trước khi vào đọc đã tạo không khí vui tươi thân thiện khi các em đến với thư viện. Bằng giọng kể truyền cảm lôi cuốn kết hợp với ngôn ngữ cơ thể phù hợp, cô Hạnh đã có những buổi giới thiệu sách rất hiệu quả.

Sản phẩm xếp sách nghệ thuật của các em học sinh

Sản phẩm xếp sách nghệ thuật của các em học sinh

Các em như bị “thôi miên”, tất cả đều tập trung lắng nghe câu chuyện bởi lời dẫn dắt gợi trí tò mò ham tìm đọc ở các em. Trong những lần giới thiệu sách, đến đoạn cao trào, cô luôn dừng lại hỏi: Theo các em, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Những cánh tay giơ cao, chờ được cô gọi đến, tôi thấy các em như đang cuốn theo từng lời dẫn dắt của cô. Cô còn hóa thân vào nhân vật với cái tên lạ - bà Why? gây bất ngờ cho học sinh, các em được tự đặt câu hỏi nhờ cô giải đáp, sự thích thú thể hiện trên từng gương mặt trẻ thơ. Từ đó các em sẽ tự khám phá tìm tòi kiến thức qua sách để tiếp thu kiến thức cho mình. Không những thế, cô còn có sáng kiến trong việc xây dựng tủ sách di động ở mỗi lớp, từ phong trào đó đã lan tỏa nhiều lớp, các em có thêm không gian đọc.

Không chỉ dừng lại ở các hoạt động trong phòng thư viện, cô còn tổ chức thành công Ngày hội đọc sách. Trong ngày hội, học sinh được tham gia nhiều hoạt động sôi nổi như: Thi kể chuyện theo sách, theo chủ đề; Vẽ tranh về nhân vật qua các câu chuyện, những phần giao lưu vui nhộn cùng các phần thưởng nho nhỏ. Để vốn tài liệu trong thư viện được phong phú, cô luôn chủ động tham mưu với lãnh đạo nhà trường mua bổ sung, phát động phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay” đã được giáo viên, học sinh tích cực hưởng ứng. Hiện nay thư viện đã có 15816 đầu sách các loại với nội dung phong phú.

Bằng tài năng của mình, năm 2011, cô đã tham gia Hội thi Cán bộ thư viện giỏi cấp quận và giành giải Nhì. Cô tham gia lồng tiếng cho các cuộc thi Giáo viên giỏi, làm ban giám khảo trong các cuộc thi: Viết chữ đẹp, đọc diễn cảm, phong trào báo tường của nhà trường, hướng dẫn trường bạn trong hoạt động thư viện.

Không dừng lại ở chuyên môn thư viện. Với lòng nhiệt huyết, yêu trẻ, cô Hạnh còn tham gia học khoa Giáo dục tiểu học, không ngại học hỏi đồng đội kinh nghiệm giảng dạy đứng lớp, trau dồi kĩ năng công nghệ thông tin. Mỗi khi trong trường có chị em nghỉ vì ốm hay đi tập huấn, cô Hạnh luôn nhiệt tình vào dạy thay hỗ trợ các giáo viên chủ nhiệm.

Năm học 2021-2022 là một năm học đặc biệt của ngành giáo dục nói chung và nhà trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ nói riêng. Do đặc thù giáo viên chủ nhiệm nghỉ thai sản, nhà trường thiếu nhân sự, cô Hạnh không ngại khó khăn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 1A4 trong hai tháng cuối năm học. Dưới bàn tay quan tâm, chăm sóc chu đáo, tận tình của cô, các em học sinh lớp 1A4 nhanh chóng ổn định nền nếp cũng như học tập khi quay trở lại học trực tiếp ở trường.

Với học sinh trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thư viện không chỉ là nơi đơn thuần đọc sách mà còn là nơi các em được thỏa sức sáng tạo, thể hiện năng khiếu của mình. Cùng với sự giúp đỡ của cô Hạnh, các bạn nhỏ tự mình trải nghiệm các hoạt động, đọc nhóm và bình luận sách, tham gia các cuộc thi vẽ tranh theo sách, viết bài cảm nhận về cuốn sách mà em yêu thích.

Trong không gian rộng rãi của thư viện các em học sinh còn được múa hát, đóng kịch phân vai dựa theo nội dung những cuốn sách mà các em vừa đọc.Với sự tận tụy, nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ cô Hạnh đã nhẹ nhàng lan tỏa tình yêu đọc sách đến các thế hệ học trò. Các em biết tự tìm đọc cho mình những cuốn sách hay phù hợp với việc học, bồi dưỡng kĩ năng sống, sống chan hòa yêu thương bè bạn, tự tin vào chính mình, cư xử lễ phép…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...