A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chung tay đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học luôn là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận, là mối lo chung của cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình cũng như toàn xã hội. Song song với nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói chung và mỗi nhà trường nói riêng, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu.

Còn nhiều tâm tư

Năm học 2023 - 2024 đã bắt đầu được một tháng. Việc con đi học ở trường được ăn bán trú như thế nào, thực phẩm ra sao là mối quan tâm chung của tất cả phụ huynh. Có con vào lớp 1, chị Bùi Hồng Thu (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, nỗi quan tâm lớn nhất của chị là việc ăn bán trú tại trường của con. “Con nhà tôi khảnh ăn, hấp thu kém. Vì vậy, tôi khá lo lắng khi con ăn bán trú ở trường. Chỉ cần chút đồ ăn lạ là con bị rối loạn tiêu hóa”, chị Thu tâm sự.

Chung tay đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh
Việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú luôn được các cơ quan chức năng của Thành phố cùng các nhà trường đặc biệt quan tâm.

Cũng theo chị Thu, hầu hết sai phạm trong việc cung cấp bữa ăn bán trú của học sinh bị phát hiện bởi chính các phụ huynh. Đây chỉ là việc làm mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Để tránh các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra, chị Thu mong muốn, đối với công tác ăn bán trú, Ban Giám hiệu các nhà trường phải thể hiện được trách nhiệm, sát sao kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, nơi sản xuất, công ty cung cấp một cách thường xuyên chứ không phải chỉ khi nào có sự cố xảy ra thì mới xem xét đến hợp đồng, trách nhiệm. “Hơn ai hết, các nhà trường, thầy cô giáo cùng đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn phải đặt chữ “tâm” lên hàng đầu để mang đến cho các con những bữa ăn tốt nhất có thể”, chị Thu bày tỏ.

Cùng chung nỗi lo với chị Thu, anh Vũ Mạnh Linh (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) cho biết, mặc dù được nhà trường giới thiệu đầy đủ thông tin của đơn vị cung cấp thực phẩm, được cùng tham gia nhập thực phẩm vào buổi sáng với Ban Giám hiệu nhà trường nhưng anh vẫn cảm thấy chưa yên tâm về bữa ăn của các con tại trường. “Phụ huynh cũng khó có thể kiểm soát được triệt để và thường xuyên về chất lượng thực phẩm nhập vào bếp ăn của nhà trường, bởi việc kiểm tra cũng chỉ là cảm quan. Tôi mong các nhà trường và đơn vị cung cấp thực phẩm, bếp ăn chế biến đặt sức khỏe của học sinh lên trên hết. Có như thế phụ huynh chúng tôi mới yên tâm khi con ở trường mỗi ngày”, anh Linh chia sẻ.

Tuân thủ nghiêm quy định về an toàn thực phẩm

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, thời gian qua, việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú luôn được các cơ quan chức năng của Thành phố cùng các nhà trường đặc biệt quan tâm. Từ trước thềm năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường có bếp ăn tập thể phải bảo đảm đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm, tiến hành tổng vệ sinh bếp ăn trước khi tổ chức phục vụ học sinh, giáo viên, không để xảy ra sự cố...

Ghi nhận tại Trường Tiểu học Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai), năm học 2023 - 2024, nhà trường có tổng số hơn 900 học sinh, trong đó 650 học sinh ăn bán trú. Không đợi đến khi năm học mới bắt đầu mà trong suốt thời điểm học sinh nghỉ hè, Ban Giám hiệu nhà trường đã sát sao với từng phần việc nhằm đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng, chất lượng cho học sinh.

Theo đó, nhà trường đã cẩn thận đánh giá từng tiêu chí để lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn, sát sao khi lên thực đơn bán trú hàng tuần và công khai để phụ huynh tiện theo dõi. Trong quy trình chế biến thức ăn của bếp ăn một chiều, tất cả các khâu từ giao nhận thực phẩm đến chế biến, lưu mẫu thức ăn, định lượng suất ăn, nhà trường cử một tổ công tác giám sát với thành phần là đại diện Ban Giám hiệu, Công đoàn, Ban phụ huynh. Các công việc được thực hiện rất chỉn chu, kỹ càng, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Nhờ vậy, phụ huynh cảm thấy rất yên tâm khi con ăn bán trú tại trường.

“Dù nhà ở ngay gần trường nhưng nhìn cơ sở vật chất khang trang, hiện đại nên tôi đã đăng ký cho con ở lại ăn bán trú để không làm lỡ dở nhịp sinh hoạt. Không chỉ tiện cho con mà vợ chồng tôi cũng nhàn hơn hẳn”, chị Nguyễn Thị Lan (phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Thúy Lĩnh) chia sẻ.

Tại Trường Mầm non Bình Minh (quận Hà Đông), đều đặn mỗi ngày, vào lúc 7h30, công tác giao - nhận thực phẩm giữa đơn vị cung ứng và nhà trường diễn ra. Thành phần giám sát gồm có đại diện Ban Giám hiệu nhà trường, phụ huynh, Công đoàn trường cùng nhân viên hành chính.

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh (Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh) cho biết, hiện nhà trường có gần 600 trẻ ở cả lứa tuổi mầm non và mẫu giáo. 100% các em ăn bán trú tại trường. Trong đó, các em ở lứa tuổi nhà trẻ ăn 2 bữa chính, 1 bữa phụ. Các em ở lứa tuổi mầm non ăn 1 bữa chính và 1 bữa phụ.

Mỗi năm, trước thềm năm học mới, nhà trường tổ chức đánh giá đơn vị cung ứng thực phẩm trên các tiêu chí theo quy định để lựa chọn đơn vị uy tín nhất. Hàng ngày, dưới sự giám sát của tổ theo dõi bán trú, nhân viên bếp ăn sẽ nhận thực phẩm theo thực đơn. Tiêu chí đánh giá là thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giấy tờ kiểm định chất lượng đối với thực phẩm tươi sống. Về cảm quan, màu sắc các loại thịt phải tươi, không chấp nhận thực phẩm đông lạnh. Các loại rau, củ, quả phải còn tươi, mới, non…

Hay như tại Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình), trên mặt bằng diện tích khoảng hơn 200m2, bếp ăn được chia thành các khu vực riêng biệt như: Khu vực rửa, sơ chế đồ ăn sống; khu vực nấu cơm; khu vực chế biến món ăn; khu vực chia đồ ăn chín; tủ sấy khay, bát, đĩa và dụng cụ nhà bếp. 100% cán bộ, nhân viên phải thay giày, dép và mặc áo bảo hộ, đi găng tay và đội mũ trước khi vào bếp.

Nhà trường giám sát chặt chẽ các khâu từ tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia từng suất ăn. Hằng ngày, khi tiếp nhận thực phẩm, nhân viên đều ghi sổ với sự giám sát chặt chẽ của cán bộ phụ trách. Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất ở từng khâu khác nhau, ghi biên bản lại. Để phụ huynh tiện theo dõi, nhà trường cũng chia sẻ thực đơn trên website và zalo nhóm lớp để phụ huynh nắm bắt và điều chỉnh bữa tối ở nhà cho con.

Có thể khẳng định, để có bữa ăn học đường vừa an toàn vừa đủ dinh dưỡng, trách nhiệm chính là từ các nhà trường. Vì vậy, không chỉ đảm bảo cơ sở vật chất bếp ăn, nhà ăn bán trú mà các trường cần phải thực hiện nghiêm túc quy trình của bếp ăn bán trú hoặc tiếp nhận suất ăn từ bên ngoài. Trong đó, các trường cần lựa chọn những đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín, chất lượng, đủ cơ sở pháp lý, đáng tin cậy để kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm hoặc suất ăn ngay từ đầu vào... Các đơn vị cung ứng thực phẩm, suất ăn sẵn cũng cần làm việc có trách nhiệm, đặt đạo đức kinh doanh lên trên hết, hướng đến lợi ích chung vì bữa ăn an toàn, chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

Phạm Thảo

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...