Phim điện ảnh Việt bao giờ ra khỏi vùng trũng?
Trong khi các nền điện ảnh trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore đã vượt xa chúng ta từ lâu thì điện ảnh nước nhà vẫn đang ở vùng trũng.
![]() |
Minh họa/INT |
Mùa phim Tết vừa qua, điện ảnh Việt có ba phim cùng chọn một ngày xuất hành: Mùng Một Tết. Cả ba phim có chung đặc điểm: Dàn diễn viên trai xinh gái đẹp, cách thể hiện đơn giản, pha trộn tâm lý và hài hước, đặc biệt đều có những câu chuyện tình yêu tay ba.
Doanh thu của hai trong ba phim vẫn tốt nhưng không gây được cơn sốt như mùa phim Tết năm ngoái. Đặc biệt, “ông vua phòng vé” Trấn Thành đã tạm thời lùi bước sau hơn một tuần “làm mưa làm gió” với “Bộ tứ báo thủ” - bộ phim được coi là bước lùi trong sự nghiệp làm phim của anh.
Sau bộ ba phim Tết, đến mùng Mười tháng Giêng, “Đèn âm hồn” - bộ phim được quảng cáo là kinh dị pha tâm lý, lấy cảm hứng từ truyện “Người con gái Nam Xương” (Truyền kì mạn lục - Nguyễn Dữ) dù nhận nhiều lời khen chê khác nhau nhưng vẫn là món ăn mới thu hút sự tò mò của khán giả.
Đơn giản, dễ hiểu, nhẹ, nông… là điều mà khán giả thường nhận thấy khi xem phim Việt. Ngay cả với phim đạt doanh thu cao nhất tính đến thời điểm này (phim “Mai” của Trấn Thành - hơn 500 tỷ đồng) thì vẫn vướng tranh cãi về những chi tiết được copy ở đâu đó, về sự quen thuộc trong cách xây dựng tình huống và giải quyết mâu thuẫn.
Thập niên 90 của thế kỷ trước, cụm từ “mì ăn liền” dùng để chỉ những bộ phim được sản xuất nhanh, ra rạp nhanh và cũng bị lãng quên nhanh. Đó là thời kỳ hoàng kim của những tài tử Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh… và những ngọc nữ màn ảnh như: Diễm Hương, Việt Trinh, Thu Hà, Y Phụng…
Qua ba thập niên, những bộ phim xoay quanh các nhân vật trai xinh gái đẹp vẫn tràn ngập màn ảnh Việt. Dù không dùng cụm từ “phim mì ăn liền” mà dùng cụm từ “dòng phim thị trường”, “dòng phim thương mại” thì bản chất của nó vẫn vậy. Kỹ xảo và hình ảnh, âm thanh tốt hơn nhưng độ “chín” của cảm xúc hay nét diễn có khi lại không bằng.
Một dự án phim tính từ thời điểm công bố đến khi ra mắt chỉ vài tháng. Trong vài tháng ấy, chỉ riêng quay phim, dựng phim, làm hậu kỳ cho phim đã là một tốc độ đáng nể. Phần lớn khán giả đến rạp cũng với nhu cầu giải trí, thường chọn những phim đơn giản, dễ hiểu, đỡ phải suy nghĩ nặng đầu.
Những tác phẩm giàu yếu tố nghệ thuật, thậm chí từng đoạt giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế thì doanh thu chiếu rạp lại rất thấp, có phim chỉ vài trăm triệu, không đủ lo cho chi phí quảng cáo.
Các nền điện ảnh trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore đã vượt xa chúng ta từ lâu. Còn chúng ta, qua bao nhiêu năm, chất lượng phim, chất lượng khán giả vẫn chưa được cải thiện. Điện ảnh nước nhà vẫn đang ở vùng trũng.
Chẳng lẽ có một vòng luẩn quẩn đang tồn tại.