Vun đắp, giữ gìn giá trị văn hóa gia đình người Hà Nội
Ngày 19/10, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, Thành Đoàn Hà Nội, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố tổ chức Hội nghị tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Phát huy giá trị tốt đẹp trong các mối quan hệ của gia đình
Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền các cấp thành phố Hà Nội luôn coi trọng công tác gia đình. Thành ủy Hà Nội đưa công tác xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới là nội dung quan trọng trong thực hiện các chương trình công tác toàn khóa, đặc biệt là Chương trình 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình 08-CTr/TU về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII.
Bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. |
Dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, mối quan hệ giữa các thành viên gia đình có biểu hiện ngày càng lỏng lẻo; một số giá trị đạo đức như hiếu nghĩa, thủy chung có biểu hiện xuống cấp đã làm cho nhiều gia đình Việt Nam nói chung, gia đình Thủ đô Hà Nội nói riêng đứng trước nguy cơ bất ổn, tan vỡ, trực tiếp tác động đến hạnh phúc bền vững của gia đình.
Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống khu vực đô thị dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xung đột giữa các thành viên trong gia đình. Ví như, việc chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra nhiều thách thức. Hay tình trạng sống thử, ly thân, ly hôn, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, nhất là ở khu vực đô thị có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp. Vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố diễn biến tiềm ẩn phức tạp, số vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê, trong 5 năm từ 2018 - 2022, đã có 711 vụ bạo lực gia đình; trong đó 284 vụ bạo lực về tinh thần, 397 vụ bạo lực về thân thể, 7 vụ bạo lực về tình dục, 23 vụ bạo lực về kinh tế. Nạn nhân bị bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi từ 16 đến 59 tuổi và trẻ em.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nhằm phát huy giá trị tốt đẹp trong các mối quan hệ cơ bản của gia đình, ngày 29/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Đáng chú ý, năm 2019, thành phố Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành trên cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch quan tâm lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, Thành phố đã chọn phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) và xã Phú Cường (huyện Ba Vì) để triển khai thực hiện. Năm 2021, Thành phố tiếp tục thí điểm thực hiện thêm tại 5 xã, phường, thị trấn của 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất để làm căn cứ triển khai nhân rộng trong thời gian tiếp theo.
Nhiều cách làm, kinh nghiệm hay, sáng tạo
Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, qua thời gian triển khai thí điểm và thực hiện nhân rộng trên địa bàn Thành phố từ năm 2022, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được các cấp, các ngành triển khai thực hiện gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đặc biệt là việc đăng ký, bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở, phù hợp với đời sống văn minh đô thị thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô.
"Qua 4 năm thí điểm và triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn Thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã và cơ sở đã có những cách làm, kinh nghiệm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, về vai trò, ý nghĩa của đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; vai trò các thành viên trong gia đình đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc", Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị. |
Bên cạnh đó là tuyên truyền, giáo dục cho các gia đình, thành viên trong gia đình về pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững; xây dựng gương người tốt việc tốt, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.
Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Để có được điều đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã có nhận thức đúng về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật về hôn nhân và gia đình, về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội và gia đình.
Đông đảo gia đình có những hành động cụ thể, thiết thực hưởng ứng, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Thủ đô, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến trên thế giới, thực hiện quy mô gia đình ít con, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Vân Anh cũng nêu, công tác truyền thông về việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình chưa thường xuyên, liên tục; các tài liệu cung cấp những kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình cho cơ sở còn thiếu. Mạng lưới dịch vụ tư vấn gia đình chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đội ngũ tuyên tuyền viên ở cơ sở chưa được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về công tác gia đình. Kinh phí phục vụ cho hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình còn hạn hẹp, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại cơ sở.
Mục đích của việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Tại tọa đàm, đã có nhiều ý kiến tâm huyết với tinh thần trách nhiệm cao, khách quan, cụ thể, đáp ứng mục đích, yêu cầu của Hội nghị đề ra. Trong đó, những ý kiến đóng góp của các đại biểu tập trung vào các nội dung. Cụ thể, bàn về việc xây dựng con người có nhân cách tốt, lối sống đẹp, từ cách ứng xử trong gia đình là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng, phát triển con người, định hướng hoạt động cho giai đoạn tiếp theo.
Đặc biệt là vai trò của gia đình, cách ứng xử của các mối quan hệ trong gia đình nhằm xây dựng gia đình văn hóa bao gồm các tiêu chí. Trong đó, tiêu chí ứng xử chung đó là: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Ngoài ra, 4 tiêu chí ứng xử cụ thể đó là: Tiêu chí ứng xử vợ chồng; tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em.