A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vị tướng xưa và hội thi thí sinh phải giấu nồi cơm để giám khảo phải đi tìm

GĐXH - Một vị tướng thống lĩnh quân binh đi dẹp giặc đã để lại cho hậu bối một hội thi nấu cơm rất độc đáo: các thí sinh phải giấu nồi cơm cho các giám khảo phải đi tìm cho ra để... chấm điểm.

Độc đáo Hội thi thổi cơm thí sinh phải giấu nồi cơm

Hội thi nấu cơm làng Láng vãn hội vào hôm mùng 8 tháng Ba âm lịch vừa qua (mở hội các ngày 6, 7, 8 tháng Ba âm lịch), còn Hội thi nấu cơm làng Thị Cấm kết hội trước đó 2 tháng. Vì thế trong ca dao cổ mới có câu:

Nhớ ngày mùng bẩy tháng Ba

Trở về hội Láng trở ra hội Thầy

Tương truyền, đời Vua Hùng thứ 18 tướng quân Phan Tây Nhạc được giao thống lĩnh quân binh chống giặc. Khi qua làng Hương Canh (làng Thị Cấm ngày nay thuộc phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), ông quyết định hạ trại, tổ chức nấu cơm thi để tuyển người giỏi việc hậu cần giúp quân binh.

Thắng giặc trở về ông chọn ở lại vùng đất Hương Canh dạy dân cấy lúa, dệt vải. Sau khi qua đời, ông được dân làng tôn là Thành hoàng làng. Từ đó cứ ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm dân làng Thị Cấm mở Hội kéo lửa, thổi cơm thi để tưởng nhớ công ơn ông.

Vị tướng xưa và hội thi thí sinh phải giấu nồi cơm buộc giám khảo phải đi tìm - Ảnh 2.

Các đội phải giã thóc thành gạo nhanh và khéo để kịp dần sàng cho sạch chuẩn bị cho Hội thi thổi cơm. Ảnh internet.

Làng Thị Cấm xưa chia thành 4 giáp, mỗi giáp cử ra 10 người xung vào 4 đội thi nấu cơm tranh tài. Cuộc thi nấu cơm truyền thống dùng bùi nhùi và củi với những cái nồi đất bé xíu nên đa số người có tuổi mới đủ kinh nghiệm dự thi. Hội thi có 3 phần chính gồm kéo lửa, thi chạy lấy nước và nấu cơm.

Theo quy định, làng Thị Cấm có 4 giáp (giáp Đoài Nhất, giáp Đoài Nhì, giáp Trung và giáp Đông), mỗi giáp cử ra 10 nam nữ (4 người giã gạo; 1 người sàng dần sạch trấu, cám, sạn; 2 người kéo giang đốt lửa; 1 người chạy đi lấy nước; 2 người nấu cơm.

Các đội phải chuẩn bị sẵn chày, cối, rơm, nồi... để trổ tài nấu cơm nhanh, thơm dẻo. Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự khéo léo, thuần thục từ giã gạo, kéo lửa tới lấy nước, vo gạo, nấu cơm và ủ sao cho cơm chín đều.

Vị tướng xưa và hội thi thí sinh phải giấu nồi cơm buộc giám khảo phải đi tìm - Ảnh 3.

Màn thi kéo lửa hấp dẫn nhất Hội thi thổi cơm làng Thị Cấm. Ảnh internet.

Các đội phải đập giập, tước nhỏ những cây nứa cho dễ bắt lửa. Rồi tết rơm thành bó đặt dưới và trên những chiếc cối đá đã rửa sạch.

Gạo nấu cơm thi là thóc được dân làng Thị Cấm gieo trồng và tuyển lựa mang về tế Thánh. Các đội phải cho thóc vào cối giã nhanh và khéo để hạt gạo không bị vỡ, rồi được dần sàng cho sạch trấu, loại bỏ sạn và vo sạch để chuẩn bị thổi cơm thi.

Đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa), người chủ tế vào Đình làm lễ động thổ, nổi hồi trống báo hiệu cuộc thi bắt đầu. Ban giám khảo gồm chủ tế và các cụ cao niên mặc áo thụng, giám sát cuộc thi. Mọi việc đều chuẩn bị trước nên từng phần thi (thi giã gạo, lấy nước, kéo lửa) được làm đồng thời. Suốt thời gian cho thóc vào giã đến lúc nấu cơm chín được quy định chỉ có 50 phút.

Cự ly chạy thi lấy nước nấu cơm cách sân đình khoảng 500m - do các thiếu niên 12 - 14 tuổi đảm nhận phần thi này. Họ xuất phát từ đình làng và chạy thật nhanh - đội nào mang nước về trước là thắng phần thi lấy nước.

Phần thóc giáp nào giã xong trước, dần sáng trắng, sạch là đạt ở phần thi giã gạo.

Màn thi kéo lửa là hấp dẫn nhất Hội. Các đội dùng 3 thanh giang, một hộp tre khô và bùi nhùi rơm khô, rồi mỗi đội cử 4 nam thanh niên ra thi kéo lửa. Các thanh niên kẹp thanh giang vào bùi nhùi, dùng 2 thanh tre ốp một mảnh trên và một mảnh dưới, giữ chắc hai đầu rồi hai người cứ kéo co để cật giang cọ sát vào cật tre nhiều lần tạo ma sát nóng tới bốc khói thì thổi cho lửa bùng cháy để nấu cơm thi.

Màn thi kéo lửa thành công khiến không gian đình làng Thị Cấm vô cùng náo nhiệt, nghi ngút khói lửa, trống hội và tiếng reo hò cổ vũ cho hội thi nấu cơm bắt đầu.

Vị tướng xưa và hội thi thí sinh phải giấu nồi cơm buộc giám khảo phải đi tìm - Ảnh 5.

Trong hội thi khi nồi cơm vừa cạn nước, các đội phải vùi đống than rơm để ủ - và tạo ra những đống tro rơm cho Ban giám khảo phải đi tìm nhằm câu giờ để nồi cơm được ủ lâu hơn, chín kỹ hơn. Ảnh internet.

Phần thi cuối cùng là khi nồi cơm vừa cạn nước, các đội thi phải vùi nồi cơm vào đống than rơm để ủ cho cơm chín đều. Lúc này các giáp phải tạo ra những đống tro rơm - nhưng chỉ có 1 đống có vùi nồi cơm để "đánh lừa" các giám khảo - với mục đích câu giờ để nồi cơm của đội mình được ủ lâu hơn, chín kỹ hơn.​​​​​​​

Sau một tuần hương thì Ban giám khảo chia nhau đi tìm 4 nồi cơm trong rất nhiều đống tro rơm. Đội nào khéo giấu thì nồi cơm được ủ lâu, chín đều, thơm dẻo ngon hơn. Đội nào bị Ban giám khảo nhanh tìm thấy thì nồi cơm dễ bị sống.

Tìm được đủ 4 nồi cơm thì Ban giám khảo xới ngay 4 bát cơm đặt vào mâm đồng để dâng cúng Thành hoàng làng. Sau đó mới bình giải cơm ngon và dẻo công khai trước đông đảo dân làng.

Sau khi công bố kết quả hội thi, dân làng Thị Cấm chia nhau những hạt cơm cúng Thành hoàng làng để "xin lộc" - họ tin rằng người lớn ăn hạt cơm này thì cả năm sẽ may mắn, trẻ em được hạt cơm này sẽ hay ăn, chóng lớn, học hành tấn tới. Người dân Thị Cấm còn có quan niệm là Hội thi nấu cơm diễn biến thuận lợi, thời tiết ủng hộ, 4 mồi lửa của 4 đội thi đều lên cao - là điềm báo năm mới ấm no, đủ đầy.

So sánh giữa hội thi thổi cơm làng Láng và làng Thị Cấm

Lễ hội truyền thống - Hội thổi cơm thi Thị Cấm đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đã được trao Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia "Hội thổi cơm thi Thị Cấm", để người dân thêm hiểu, thêm yêu truyền thống văn hóa độc đáo của quê hương.

Vị tướng xưa và hội thi thí sinh phải giấu nồi cơm buộc giám khảo phải đi tìm - Ảnh 7.

Khi nào tìm được đủ 4 nồi cơm thì Ban giám khảo xới ngay 4 bát cơm đặt vào mâm để dâng cúng Thành hoàng làng, rồi bắt đầu bình chọn, chấm điểm cho Hội thi. Ảnh internet.

Đã có người so sánh giữa Hội thổi cơm thi làng Láng và Hội thổi cơm thi Thị Cấm và phát hiện có một số điểm giống nhau và khác nhau như sau:

Giống nhau:

1. Các thành viên dự thi gồm cả nam lẫn nữ, từ tuổi thanh thiếu niên đến tuổi trung, cao niên.

2. Tiêu chuẩn nồi cơm được giải phải là chín sớm nhất, chín xuê, trắng mềm.

Khác nhau:

1. Lịch sử ra đời Hội thổi cơm thi làng Láng có khởi đầu muộn hơn, vào khoảng thế kỷ XII.

Lịch sử Hội thổi cơm thi Thị Cấm có tuổi đời sớm hơn, tương truyền từ thời Hùng Vương trước công nguyên.

2. Hội thổi cơm thi làng Láng 5-7 năm mới mở một lần, theo các kỳ chính hội chùa Láng.

Còn Hội thổi cơm thi Thị Cấm mỗi năm mở một lần, gọi là nhất niên nhất lệ.

3. Hội thổi cơm thi làng Láng diễn ra tại chùa làng (do di tích độc đáo của chùa Láng là vừa thờ Phật, vừa là đền thờ Thánh, là đình thờ thành Hoàng).

Hội thổi cơm thi Thị Cấm diễn ra tại đình làng.

4. Thể thức hội thi

- Thể thức hội thổi cơm thi làng Láng đơn giản - chỉ bắt đầu từ phần vo gạo, nấu cơm, chấm thi, kết hội - nên được coi là một trò chơi dân gian trong lễ hội, nằm ngoài phần nghi thức tế Thánh, và thường diễn ra vào buổi chiều ngày vãn hội.

- Hội thổi cơm thi làng Thị Cấm thể thức chặt chẽ hơn, nhiều công đoạn hơn - bắt đầu từ giã thóc, dần sàng, kéo lửa, lấy nước, nấu cơm, giấu nồi cơm, chấm thi, dâng cúng Thánh. Hội thổi cơm thi Thị Cấm được coi là trò chơi nhưng là nghi thức lễ hội quan trọng diễn ra vào buổi sáng ngày chính hội.

5. Hội thổi cơm thi làng Láng không nằm trong các nghi lễ bắt buộc, tính chất trò chơi hiện rõ tính vui nhộn, tùy hứng, mang tính hài hước vui vẻ (có phần tự do, ít tính ganh đua quyết liệt) - là ảnh xạ của đất nước thời hòa bình, thịnh trị no ấm, sum vầy.

Hội thổi cơm thi làng Thị Cấm là ảnh xạ của đất nước hồi còn đang trong thời kỳ chiến tranh, giặc giã gian nan, vất vả.

6. Hội thổi cơm thi làng Thị Cấm diễn ra vào đầu xuân.

Hội thổi cơm thi làng Láng diễn ra vào ngày cuối xuân.

Làng Thị Cấm nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội (làng quê Hương Canh), là một trong các làng cổ còn lưu giữ nét văn hóa lễ hội dân gian đặc sắc truyền thống từ ngàn xưa. Đó là Hội kéo lửa, giã gạo, thổi cơm thi vô cùng độc đáo - là biểu tượng văn hóa đẹp, đặc trưng của cư dân trồng lúa nước.

Hội thổi cơm thi Thị Cấm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 827/QĐ-BVHTTDL ngày 09/3/2021.​​​​​​​


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...