A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn hóa - nguồn sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước

Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đó là quan điểm của các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo khoa học "50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

 Sự kiện này được Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức vào ngày 23/7 tại Hoàng thành Thăng Long nhằm đánh giá lại 50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tham dự sự kiện này có: PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Minh Nhựt cùng các lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương, nhà khoa học.

Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Đào Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Trước khi bước vào triển khai các nội dung hội thảo, Ban Tổ chức và các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng; nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân.

Văn hóa phải thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước
Trước khi bước vào triển khai các nội dung hội thảo, Ban Tổ chức và các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Xây dựng, phát triển văn hóa, con người được quan tâm đặc biệt

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Sau chiến thắng vĩ đại Mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. 50 năm qua, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã có những thành công cả về lý luận và thực tiễn qua từng chặng đường cách mạng.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phải có những con người mới xã hội chủ nghĩa”, Đại hội VI đã xác định: “Văn hóa là bộ phận trọng yếu của cách mạng tư tưởng và văn hóa là một động lực mạnh mẽ đồng thời là một mục tiêu lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Văn hóa phải thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước
PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu

Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 của Đảng xác định một trong 6 đặc trưng của xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng là: Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

PGS.TS Phạm Văn Linh nhấn mạnh, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; xác định một trong những định hướng lớn là phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

“Hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong giai đoạn hiện nay”, PGS.TS Phạm Văn Linh khẳng định.

Văn hóa phải thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước
Các đại biểu tham dự sự kiện

Tuy nhiên, cũng theo ông, cho đến nay, văn hóa vẫn chưa thực sự được các cấp, ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, chưa đạt hiệu quả cao.

Hội thảo tập trung thảo luận làm rõ những thành tựu, hạn chế và những nguyên nhân của thành tựu, hạn chế trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc qua 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; đánh giá thực trạng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc 50 năm qua; những vấn đề đặt ra hiện nay và định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới.

Văn hóa - Nguồn sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước
GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại sự kiện

Hà Nội coi văn hóa, con người là nguồn lực để phát triển bền vững

Tham dự và phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Đảng bộ thành phố luôn coi trọng và xác định xây dựng, phát triển văn hóa là nền tảng. Nhiệm vụ trọng tâm, các chủ trương, đường lối, chính sách về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thủ đô luôn nhất quán, không ngừng hoàn thiện trong suốt tiến trình phát triển của Thủ đô.

Văn hóa phải thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Đồng chí khẳng định, một trong những khâu trọng yếu chính là sự chuyển biến về nhận thức ngày một rõ nét về mối quan hệ lớn giữa xây dựng, phát triển văn hóa với các lĩnh vực khác đặc biệt là trong nhiệm vụ xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.

“Đặc biệt, Đảng bộ Hà Nội xác định văn hóa, con người không chỉ là sức mạnh nội sinh mà còn là nguồn lực để phát triển Thủ đô bền vững”, đồng chí Nguyễn Văn Phong khẳng định.

Để khai thác hết nguồn lực văn hóa, con người, nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”. Đây cũng là địa phương trong cả nước có Nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa. Điểm nổi bật trong xây dựng văn hóa chính trị của Đảng bộ trong nhiệm kỳ này là việc Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội" với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố.

Cần tập trung hơn nữa cho phát triển văn hóa

Hội thảo đã tập trung vào 5 nhóm vấn đề gồm: Phân tích, đánh giá bối cảnh 50 năm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thay đổi lớn về nhận thức đối với văn hoá; đánh giá toàn diện, đầy đủ về thành tựu, hạn chế của công cuộc xây dựng nên văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển văn hoá của 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; dự báo bối cảnh, yêu đầu đặt ra đối với văn hoá.

Trên cơ sở những nhận thức đó, chúng ta cần tập trung một cách sâu sắc hơn về phát triển văn hoá. Phát triển văn hoá là phát triển đời sống tinh thần, đặc biệt là phát triển con người.

(GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương)

Mới đây nhất, Thành ủy ban hành Chỉ thị 30-CT/TU tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

"Hà Nội đã kiên trì, bền bỉ, nhất quán, quyết liệt và đồng bộ trong phát triển văn hóa", đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.

Đồng chí cũng cho biết, chi ngân sách của TP Hà Nội cho lĩnh vực văn hóa chiếm 2%; trong đó, riêng nhiệm kỳ này, thành phố đã đầu tư 14.200 tỷ cho văn hóa. “Đây là mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của Hà Nội cho lĩnh vực này”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Bởi thế, hội thảo này là dịp để Đảng bộ Hà Nội giới thiệu về mảnh đất Thủ đô với bề dày truyền thống lịch sử, văn hiến, đồng thời sẽ cung cấp các luận cứ để thành phố xây dựng văn kiện cho lĩnh vực phát triển văn hóa, con người tại Đại hội XVIII sắp tới.

Thủ đô là “ngọn hải đăng” dẫn dắt phát triển công nghiệp văn hóa

Đồng tình với những quan điểm của đồng chí Nguyễn Văn Phong, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, 50 năm qua, điều ông nhận thấy rõ nhất chính là sự chuyển biến vượt bậc về nhận thức của lãnh đạo và Nhân dân Thủ đô về văn hóa.

“Sự thay đổi nhận thức diễn ra ở các cấp, trong đội ngũ lãnh đạo và trong lòng dân. Thủ đô Hà Nội thực sự đang đi đầu trong phát triển văn hóa. Nhiều chỉ thị, kế hoạch, hội thảo về xây dựng văn hóa, con người Hà Nội liên tục được triển khai. Đây là một bước tiến vượt bậc trong xây dựng và phát triển Thủ đô trong 50 năm qua”, TS Nguyễn Viết Chức nói.

Văn hóa phải thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, Hà Nội là "ngọn hải đăng" trong phát triển công nghiệp văn hóa

Khẳng định điều này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá: “Hà Nội là ngọn hải đăng dẫn dắt sự phát triển công nghiệp văn hóa của cả nước. Với Nghị quyết 09 cùng hàng loạt các chương trình, chỉ thị, kế hoạch… Thủ đô thực sự đã có nhiều bứt phá trong lĩnh vực văn hóa”.

Cũng theo ông, để đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, TP Hà Nội cần nhiều hơn không gian sáng tạo, sự kiện sáng tạo để hình thành con người sáng tạo. Đó là điều cơ bản để phát triển công nghiệp văn hóa, hoàn thành mục tiêu đề ra. 

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...