A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nón lá, chổi lông gà "hồi sinh" nhờ bàn tay người trẻ

Nhiều người trẻ ở huyện Thanh Trì, Hà Nội đã nối nghiệp và phát triển nghề truyền thống. Tại các sự kiện đặc biệt của Đoàn - Hội địa phương, họ thường mang sản phẩm tới các gian hàng trưng bày, giới thiệu tới đông đảo bạn bè, du khách thập phương.

Tâm huyết với chổi lông gà

Vừa qua, tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Thanh Trì, Hà Nội, các bạn trẻ đến từ các xã của huyện đã trưng bày, giới thiệu về sản phẩm làng nghề, để lại nhiều ấn tượng.

Trong đó có sự hiện diện của sản phẩm Phất trần, hay còn gọi là chổi lông gà được những nghệ nhân ở làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì làm nên. Giới thiệu về sản phẩm, những người trẻ ở đây cho biết, lông gà được đính lên thanh gỗ cứng vừa là trụ cột, vừa là tay cầm, giúp cho người sử dụng có cảm giác thoải mái khi dùng.

Thanh niên huyện Thanh Trì

Thanh niên huyện Thanh Trì quảng bá sản phẩm chổi lông gà làng Triều Khúc tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên của huyện

Chổi được kết bởi những cọng lông gà mềm mại, dễ dàng quét sạch bụi bẩn bám vào đồ vật, bề mặt tưởng chừng như không thể làm sạch. Chổi có kích thước không lớn nhưng nhiều công dụng, sử dụng với những dụng cụ nhỏ, góc khuất khó lọt vào, đa phần là lau chùi, quét bụi ở: Bàn thờ, tủ, kệ sách, kệ bếp, xe ôtô…

Anh Nguyễn Huy Thọ - một người làm chổi lông gà tại làng Triều Khúc cho hay, công việc làm chổi lông gà tuy vất vả, đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại và khéo léo nhưng khi nhìn thấy những thành phẩm sau ngày lao động miệt mài, anh cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi đã chọn theo nghề.

Chiếc chổi lông gà đã gắn bó với nhiều thế hệ trong gia đình anh Thọ. Vì vậy, anh vẫn luôn tâm huyết để phát triển nghề truyền thống gia đình, cũng là lưu giữ nghề truyền thống của địa phương.

Sản phẩm chổi lông gà

Sản phẩm của làng nghề truyền thống - chổi lông gà

Theo những người làm chổi ở đây, làm chổi lông gà không như các loại chổi khác, bởi nó rất đặc trưng nên cũng phức tạp, mất nhiều công mới ra được sản phẩm hoàn hảo. Nhiều nhà ở làng Triều Khúc đúc rút được những bí quyết để chổi vừa đẹp, vừa bền. Họ chia sẻ, muốn làm chổi lông gà, bước đầu tiên là phải chọn lựa loại lông sao cho phù hợp. Khi đã có lông gà, người thợ phải lựa ra đâu là lông cánh, lông đuôi, lông nhất, lông nhì, lông kim, lông lưng… để làm các loại chổi khác nhau.

Thường thì không ai làm chổi lông gà theo kiểu “làm tất ăn cả” từ đầu đến cuối, mà phân chia rất hợp lý, người đi thu mua, người chọn lựa xâu lông vào từng dây, người thì cuốn, người đem bán…

“Thổi hồn” vào nón lá

Hiện nay có đến 70% hộ gia đình trong thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì làm nón lá. Nghề truyền thống này đã rất lâu đời mà các cụ trong làng cũng không biết có từ khi nào. Còn với chị Nguyễn Thị Thuý, người trẻ ở địa phương biết làm nón từ khi mới học lớp 3. Ngay thời thơ bé, chị đã được ông bà, bố mẹ dạy "thổi hồn" vào những chiếc nón lá.

Những chiếc nón lá Vĩnh Thịnh

Những chiếc nón lá Vĩnh Thịnh

Đến nay, chị Thuý là Giám đốc Hợp tác xã Nón lá Vĩnh Thịnh. Nữ giám đốc chia sẻ: “Chúng tôi làm xong nón, thì có thương lái thu mua và xuất bán đi nhiều nơi khác. Hiện nay, một số hộ dân trong làng làm nhiều mẫu mã theo nhu cầu của khách du lịch như: Nón dây, nón nhỏ có kích thước từ 10-40 cm..”.

Thừa hưởng từ ông cha nghề truyền thống làm nón đã giúp cho tất cả người lao động của thôn có thêm việc làm, thu nhập ổn định. Các lao động lớn tuổi, nhỏ tuổi, tranh thủ thời gian nông nhàn, làm thêm vào buổi tối, ngày nghỉ. Nghề truyền thống được lưu truyền bao đời, nên người dân trong làng đã có tay nghề làm nón rất chuyên nghiệp.

Chị

Chị Nguyễn Thị Thuý cùng sản phẩm nón lá Vĩnh Thịnh

Những chiếc nón làm ra được khách hàng đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng. Trong đó đặc biệt là các dòng sản phẩm nón nghệ thuật thêu hoa, nón vẽ đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Năm 2020, thành phố Hà Nội cấp bằng công nhận “Làng nghề truyền thống Nón lá Vĩnh Thịnh”. Cùng với đó, nón lá Vĩnh Thịnh cũng được công nhận là sản phẩm OPCOP 4 sao của thành phố.

Với sự vận động của xã hội, nghề nón lá tại thôn Vĩnh Thịnh đã có nhiều nét đổi mới. Sản phẩm đã đa dạng, nhiều màu sắc hơn, từ nón lá truyền thống đến sản phẩm trang trí nội, ngoại thất, lễ hội được ưa chuộng.

Nhiều người trẻ ở đây bày tỏ niềm tin rằng, với tâm huyết của người dân, sự quan tâm của các cấp chính quyền, làng nghề truyền thống Nón lá Vĩnh Thịnh sẽ tiếp tục được giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, kinh tế; trở thành điểm đến ấn tượng của khách du lịch trong nước và quốc tế.

 

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết