A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Niềm vui có từ suy nghĩ, hành động và trái tim nhân hậu

Có những số phận éo le, nghiệt ngã, song chính họ đã tự tạo cho mình những niềm vui, niềm hạnh phúc từ trong suy nghĩ, hành động và trái tim nhân hậu của mình.

Chăm sóc cho bệnh nhân khuyết tật tại Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Nam

Chăm sóc cho bệnh nhân khuyết tật tại Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Nam

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Nam hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 120 người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn đến từ nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Mỗi người ở trung tâm có khuyết tật khác nhau, hoàn cảnh khó khăn khác nhau, trong đó chiếm tỷ lệ rất lớn là những người khuyết tật đặc biệt nặng.

Nhưng ở đây, họ luôn cố gắng vươn mạnh mẽ, vượt qua số phận, tự tìm cho mình một công việc phù hợp với sức khỏe để có được niềm vui, hạnh phúc. Chị Nguyễn Thị Mai 60 tuổi, quê ở xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn là một trong những trường hợp như thế tại trung tâm.

Nỗi bất hạnh từ khi tuổi còn thơ ấu

Chị Mai sinh ra trên vùng đất Điện Bàn, Quảng Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt “Nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi”. Trong những năm tháng đó, để đảm bảo an toàn, gia đình đã gửi 2 chị em lên huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để tạm cư, tá túc tại nhà người thân. Nhưng rồi, cuộc chiến ngày một lan rộng, căng thẳng và ác liệt hơn, vùng đất nơi chị đến tạm cư cũng không còn an toàn.

Chị Mai nhớ lại: Năm 1967, trong một trận càn quét của giặc, nhà cửa bị đốt phá, gia đình ly tán. Và cũng trong chính cuộc càn quét đó chị đã bị thương khi vừa lên 5 tuổi. Thương tích khiến chị bị bại liệt hoàn toàn 2 chi dưới và để lại di chứng cho đến ngày hôm nay.

chị Nguyễn Thị Mai

Chị Nguyễn Thị Mai Tại Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Nam

Tuổi thơ của chị Mai phải gánh chịu nỗi đau quá lớn cả về thể xác và tinh thần. Trong thời gian dài điều trị tại bệnh xá dã chiến, bên cạnh chị không có nổi một người thân, mọi việc đều phải nhờ cậy vào sự giúp đỡ của các cô chú ở trạm xá. Rồi nỗi đau chồng chất nỗi đau khi người chị ruột vĩnh viễn nằm xuống bởi bom đạn kẻ thù cũng trong chính trận càn quét đó. Vết thương thể xác và tâm hồn đè nặng trong tâm trí của một đứa trẻ.

Chị Mai chia sẻ: Ở cái tuổi mà lẽ ra được vui chơi, học hành như bao đứa trẻ bình thường khác, thì chị chỉ biết lặng lẽ trên chiếc xe lăn nhìn cuộc sống qua đôi mắt ngân ngấn lệ. Ngày quê hương được giải phóng, nước nhà thống nhất, chị được đoàn tụ với gia đình phần nào nguôi đi nỗi đau mất mát.

Nhưng niềm vui đó chưa được bao lâu thì cha chị lâm trọng bệnh qua đời, để lại chị bị liệt 2 chân trên chiếc xe lăn với người mẹ tuổi đã già, sức đã yếu. Thế rồi, những khó khăn của cuộc sống lại tiếp diễn với chị tưởng chừng không có hồi kết.

Đoàn Thị Hoài Nhi - Phó Giám đốc Sở tặng quà nhân ngày người khuyết tật Việt Nam

Bà Đoàn Thị Hoài Nhi - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam tặng quà nhân ngày người khuyết tật Việt Nam

Tự mình tìm niềm vui bằng trái tim nhân hậu

Trước những khó khăn của cuộc sống, chị được đưa về ngôi nhà chung Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Nam theo chế độ người khuyết tật, được hưởng sự chăm sóc của các nhân viên ở đây. Trải qua nhiều mất mát, đau thương, khổ cực trong suốt thời gian dài, nhưng chị chưa bao giờ cam chịu số phận.

Sống tại trung tâm, chị đã nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, vượt qua mặc cảm, tự chăm sóc bản thân trong sinh hoạt hàng ngày như tự giặt giũ, vệ sinh phòng ở dù việc di chuyển và thao tác rất khó khăn trên xe lăn.

Thấu hiểu và đồng cảm với những vất vả, khó khăn của người khuyết tật, chị đã làm một việc rất ý nghĩa là dành tình yêu thương, chăm sóc cho cháu Trần Văn May, một trẻ bị khuyết tật liệt cả 4 chi và câm bẩm sinh từ bữa ăn đến giấc ngủ.

Đến bữa ăn, chị là người luôn có mặt tại nhà ăn sớm nhất chọn lựa thức ăn cho cháu May, rồi ngồi bên giường cẩn thận đút từng thìa cơm, muỗng canh cho cháu. Nhìn những hình ảnh đó, khiến ai cũng rưng rưng xúc động.

Chị Mai tận tình chăm sóc cho cháu May

Chị Mai tận tình chăm sóc cho cháu May

Chị quan tâm từ giấc ngủ, sinh hoạt thường ngày của cháu May như một người mẹ thực sự. Chị hiểu cháu thông qua các cử chỉ, biểu hiện về trạng thái trong sinh hoạt hằng ngày, biết cháu cần gì, muốn gì? Khi cháu May lên cơn giận dữ, chị kiên nhẫn ngồi vỗ về với ánh mắt trìu mến để xoa dịu đi nỗi đau của một đứa trẻ bị khuyết tật đặc biệt nặng.

Đại diện Ban giám đốc Trung tâm bảo trợ tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Bản thân chị Mai đã vượt qua những khó khăn, mất mát quá lớn, nên chị thấu hiểu những người khuyết tật bằng trái tim nhân ái.

Chị dành sự quan tâm, chăm sóc cho cháu May như một người mẹ và lấy đó làm niềm vui, niềm hạnh phúc của mình. Có những số phận éo le, nghiệt ngã, nhưng họ đã vươn lên mạnh mẽ, vượt qua số phận để tìm cho mình niềm vui, hạnh phúc từ chính trong suy nghĩ, hành động và trái tim nhân hậu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết