A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ một thời Hà Nội đạn bom

Quả thật, trong chiến tranh chống Mỹ, Hà Nội đã trải qua một thời đạn bom ác liệt. Và ký ức của những ngày tháng đó vẫn luôn đậm nét trong nhiều thế hệ người Hà Nội.

Chiến tranh phá hoại bằng không quân leo thang ra đánh phá miền Bắc và Hà Nội của đế quốc Mỹ nổ ra khi tôi và bạn bè cùng lứa còn là học sinh quàng khăn đỏ trên vai.

Lệnh cho người dân Hà Nội phải đi sơ tán có từ ngay cuối mùa hè năm 1964. Các trường học ở Thủ đô dừng học ngay từ đầu năm học. Một vài trường cố gắng duy trì tiếp thì cũng chỉ được một học kỳ, sang đầu năm 1965, tất cả các trường học cả ba cấp ở Thủ đô đều phải đóng cửa. Phần lớn người già và học sinh Hà Nội phải đi sơ tán, song cũng có một số trường học ở ngoại thành mạn Cầu Giấy, Bưởi tiếp nhận học sinh trong nội thành, con em những gia đình không có điều kiện đi sơ tán.

Thời sơ tán, Hà Nội vắng thưa người già và trẻ nhỏ, nhưng nhà máy, công xưởng và các cơ quan trung ương tại Hà Nội vẫn làm việc. Chợ vẫn họp và những chuyến tàu điện hằng ngày vẫn “leng keng” chạy trên các tuyến đường.

so-tan.png

Người Hà Nội đi sơ tán những năm Mỹ đánh phá ra miền Bắc. (Ảnh tư liệu)

Nhưng Hà Nội đã sẵn sàng để chiến đấu với máy bay Mỹ. Tự vệ các nhà máy được phát súng trường K44 và học bắn máy bay tầm thấp, máy bay bổ nhào. Các trận địa pháo cao xạ được xây dựng ở Gia Lâm, Chèm, Vĩnh Tuy, Khương Thượng... Ngay trên bãi giữa sông Hồng hay ven hồ Trúc Bạch cũng có trận địa pháo. Đặc biệt, có một trận địa pháo cao xạ 37 ly được xây dựng ngay trên bè nổi giữa hồ Tây, được kết nối bởi những chiếc thùng phuy.

Một trong những cơ sở kinh tế quan trọng của Hà Nội là Nhà máy điện Yên Phụ nằm cạnh phố Cửa Bắc được chú trọng bảo vệ cả bằng cách ngụy trang. Ngày đó, chúng tôi đi học bằng tàu điện qua đây, tới một ngày bỗng thấy cả một khu dân cư rộng lớn suốt từ vườn hoa Hàng Đậu tới đền Quán Thánh, vòng qua dốc Yên Phụ kéo tới phố Phó Đức Chính, Hàng Than và bao trùm cả khu Ngũ Xã, tất cả các ngôi nhà từ tường đến mái đều được quét phủ một màu sơn ghi xám, chung với màu nhà xưởng của Nhà máy điện Yên Phụ.

Thế là từ trên cao, những tên giặc lái Mỹ sẽ chỉ nhìn thấy một vùng rộng lớn chung màu xám xịt, không xác định rõ vị trí chính xác của nhà máy điện ở đâu. Phải chăng chính vì thế mà ngày 26-10-1967, nghĩa là chỉ sau hơn một năm máy bay Mỹ chính thức ném bom vào Hà Nội, viên phi công Mỹ John McCain đã không thể ném bom trúng Nhà máy điện, bị bộ đội ta bắn rơi máy bay, phải nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch và bị bắt sống.

Ngày ấy, cầu Long Biên cũng là mục tiêu ném bom của máy bay Mỹ. Sư đoàn Phòng không 361, ngoài trận địa pháo cao xạ 57 ly đặt ở bãi giữa sông Hồng còn lập nhiều ụ súng phòng không 12 ly 7 trên các đỉnh nhịp thép của cầu Long Biên. Bộ đội và tự vệ Hà Nội đã chiến đấu rất anh dũng. Mặc dù, bị máy bay Mỹ ném bom tới 14 lần, 1,5km cầu bị phá hỏng, 7 nhịp cầu bị sập, nhưng cầu Long Biên luôn được sửa chữa kịp thời để tàu xe vẫn chạy, giao thông không bị cắt đứt.

Giữa những năm tháng chiến tranh ấy, người Hà Nội vẫn làm việc, sống và chiến đấu rất bình thản, dù khung cảnh nhà cửa và đường phố Hà Nội là thời chiến. Tại các nơi như vườn hoa, nhà ga, bến tàu, nhiều công trình hầm trú ẩn công cộng nửa chìm nửa nổi chứa được vài mươi người được xây dựng. Còn trên hầu khắp các tuyến phố, hai bên hè đường cứ cách khoảng mươi mét lại có một hầm trú ẩn cá nhân mà khi đó hay gọi là tăng-xê, làm bằng 2 ống bê tông chôn xuống đất, sâu chừng hơn 1m, có nắp đậy bằng bê tông. Trong các nhà dân và công sở, tất cả các cửa kính đều được dán chéo bằng dải giấy báo để nếu có bị vỡ vì bom rung cũng bớt nguy hiểm.

Trong các gia đình hay nơi công cộng đều có lắp loa truyền thanh của Hà Nội. Ngoài những tin thời sự, giá trị nhất của những chiếc loa truyền thanh là thông báo tin máy bay địch hoặc phát lệnh báo động.

x4.jpg

Người dân Hà Nội sẵn sàng xuống "tăng-xê" trên đường phố để trú ẩn năm 1972. (Ảnh tư liệu).

Về đêm, đường phố Hà Nội thưa vắng hơn. Lúc khuya, trên đường phố hầu như chỉ có các tốp tự vệ đạp xe đi làm ca đêm về, vai khoác súng trường K44.

Người Hà Nội xưa cho đến hôm nay vẫn chưa thể quên được giọng nói rất rộn rã và thôi thúc của nữ phát thanh viên trên loa: "Đồng bào Thủ đô chú ý. Máy bay địch cách Hà Nội 70 cây số. Các lực lượng phòng không sẵn sàng chiến đấu". Lệnh như thế phát liên tục khi máy bay Mỹ vào gần hơn.

Đến khi nghe: "Đồng bào Thủ đô chú ý. Đã có báo động phòng không. Đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn", tiếp theo là tiếng còi ủ "u u" phát ra vừa trực tiếp từ Nhà hát Lớn và ga Hàng Cỏ, vừa được truyền âm qua loa phóng thanh và truyền thanh, thì đã nghe kèm luôn tiếng "lục bục" của đạn pháo cao xạ nổ trên trời và tiếng máy bay phản lực Mỹ vọt qua "rào rào".

Tàu xe dừng ngay lại, người người tìm tới các tăng-xê để sẵn sàng nhảy xuống trú ẩn. Bây giờ viết lại điều này, mà tôi còn như nghe văng vẳng đâu đây tiếng phát lệnh báo động cùng âm điệu của nó và tiếng còi "u u" trong không gian.

Ngay trong ngày đầu tiên máy bay Mỹ ném bom Hà Nội 29-6-1966, làm cháy khu kho xăng Đức Giang, cũng đúng là ngày truyền thống của bộ đội phòng không, khi quân ta đã bắn rơi 4 chiếc. Mấy năm sau, máy bay Mỹ còn ném bom Hà Nội nhiều lần nữa, vào cả khu tập thể An Dương bên sông Hồng, hay một chùm 3 quả bom rơi xuống các phố Huế, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, nhưng người Hà Nội vẫn không sợ. Càng ngày càng có thêm nhiều máy bay Mỹ bị bắn rơi.

Thời đạn bom của Hà Nội tạm ngừng vài năm khi Mỹ lùi nấc thang chiến tranh, chỉ ném bom từ vĩ tuyến 20 trở vào. Nhưng thời đạn bom của Hà Nội chưa phải là đã hết. Người dân lại phải sơ tán và sẵn sàng chiến đấu với không quân Mỹ một lần nữa vào năm 1972 cùng quân dân cả nước.

Đặc biệt nhất là chiến dịch 12 ngày đêm của tháng 12-1972, quân và dân Hà Nội cùng các tỉnh miền Bắc, bộ đội tên lửa, cao xạ đã anh dũng chiến đấu, đánh trả chiến dịch ném bom ác liệt cuối cùng của đế quốc Mỹ hòng đưa Việt Nam “trở về thời đồ đá”. Chúng dùng tới cả át chủ bài, sử dụng một số lượng lớn pháo đài bay B52, thả bom xuống cả khu dân cư.

Ngạo mạn và kiêu căng, đế quốc Mỹ đã phải chịu tổn thất nặng nề. Rất nhiều máy bay các loại bị bắn rơi, trong đó có tới 34 chiếc pháo đài bay B52. Hà Nội đã chiến thắng, làm nên kỳ tích được mệnh danh là “Điện Biên Phủ trên không”, khiến Mỹ phải tuyên bố chấm dứt ném bom, ngồi lại vào bàn đàm phán và đi tới ký kết Hiệp định Paris chỉ sau đó chưa đầy một tháng.

“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội

Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu

Một thời đạn bom, một thời hòa bình”...

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng viết nên những câu ca mở đầu bài hát “Nhớ về Hà Nội” như thế. Đã 70 năm kể từ ngày giải phóng Thủ đô, nhìn lại, Hà Nội đã đi qua một thời đạn bom kiên cường và vẫn luôn xứng đáng là Thủ đô anh hùng của Tổ quốc Việt Nam anh hùng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...