A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người trẻ TP.HCM ngày càng ít điểm vui chơi chất lượng

Từng nghĩ phố đi bộ Nguyễn Huệ hay phố Tây Bùi Viện là điểm ăn chơi bậc nhất tại TP.HCM. Giờ đây, với Thanh Trâm, những nơi này lộn xộn hàng rong, ngày càng ít dịch vụ và cũ kỹ.

Vẽ tranh, làm gốm, điều chế nước hoa hay đua xe kart… cứ mỗi loại hình giải trí mới được ra mắt tại TP.HCM, Phương Mai (21 tuổi) lại rủ bạn bè trải nghiệm.

Nhưng cô cho biết chỉ thử một lần để biết, không muốn quay lại lần sau. Giá thành khá cao so với thu nhập trong khi hoạt động không mấy thu hút là lý do khiến cô không mấy mặn mà.

"Mỗi buổi workshop làm đồ thủ công đều có chi phí cao, dao động từ 500.000 đồng đến một triệu đồng/buổi 2-3 giờ. Nhiều lần, tôi cảm giác họ mở lớp chỉ để bán sản phẩm. Đua kart thì thú vị hơn, nhưng giá vé cho 5-10 phút đua là 125.000-200.000 đồng. Đối với tôi, đây là số tiền đắt đỏ", cô chia sẻ cùng Zing.

khu vui choi anh 2khu vui choi anh 3

Những khu vui chơi, tổ hợp giải trí không gây được sức hút lâu dài với người trẻ. Ảnh: Phương Thảo

Khu giải trí gây thất vọng

Tương tự Phương Mai, Bích Thảo (25 tuổi) cũng không "chấm" khu vui chơi nào ở TP.HCM quá 5 điểm.

Cô vài lần ghé đến một tổ hợp mua sắm, giải trí ở trung tâm quận 1, những nơi được giới thiệu có nhiều nhãn hàng nổi tiếng, khu check-in "đẹp như Bangkok" cùng hoạt động biểu diễn sôi nổi.

Bích Thảo cho biết không còn hào hứng với các khu vui chơi ở TP.HCM. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, những chương trình này lặp đi lặp lại, vị trí chụp ảnh cũng không đổi mới. Hiện tại, sau 3 năm, cô không biết tổ hợp này đã đóng hay còn mở cửa.

"Theo tôi, các tổ hợp giải trí tại TP.HCM đều mang phong cách hiện đại, trẻ trung, thiết kế khá bắt mắt. Nhưng nếu ghé đến lần thứ 3, tôi không còn gì để trải nghiệm", cô nói.

Thảo cho biết cô và bạn bè mình không có nhiều sự lựa chọn về nơi đi chơi, tụ tập. Cả nhóm chỉ thường hẹn nhau đi cà phê, uống cocktail.

Một vài người bạn từ xa đến TP.HCM du lịch và hỏi cô về nơi có hoạt động giải trí trong nhà hoặc ngoài trời, nữ nhân viên văn phòng không thể có ý tưởng.

"Thông thường, tôi sẽ gợi ý bạn mình đến các bảo tàng hoặc triển lãm. Nhưng thực tế, không phải ai cũng thích những không gian nhẹ nhàng như vậy. Họ hỏi tôi nơi vui chơi sôi nổi hơn, tôi chỉ nghĩ trong đầu 'Ôi không, không thể chỉ họ đến Bùi Viện. Nơi đó quá xô bồ và cũ kỹ'", cô cho hay.

Không còn muốn lê la tại các quán cà phê vào cuối tuần, Khánh Lâm (23 tuổi) tìm đến một khu tổ hợp giải trí tại quận 10 do bạn bè giới thiệu. Anh khá ấn tượng với những trò chơi vận động tại đây như leo núi trong nhà hoặc nhảy bật nhún. Tuy nhiên, không gian đông đúc và ồn ào khiến anh không còn ý định quay lại.

"Khu tổ hợp này khá hot trên mạng xã hội, có lẽ vì vậy mà số lượng người đến rất đông vào cuối tuần, có cả nhiều trẻ em. Một trò chơi, tôi chờ gần 30 phút chưa đến lượt mình", anh kể lại.

khu vui choi anh 5

Một số tổ hợp giải trí có sức hút, nhưng bị "trừ điểm" vì quá đông đúc, dịch vụ chưa chu đáo. Ảnh: Phương Lâm

Theo Lâm, hầu hết tổ hợp giải trí hiện tại ở TP.HCM có sức chứa nhỏ, không thể đáp ứng được số lượng lớn khách hàng quá lớn cùng một thời điểm. Nhiều người đến phải chờ đợi gây ra tình trạng ùn ứ. Bên cạnh đó, vì số lượng khách hàng cuối tuần quá đông, nhân viên cũng có nhiều thiếu sót trong dịch vụ.

"Gần đây, tôi lại quay về thú đạp xe hoặc chạy bộ dạo quanh đường phố vào cuối tuần. Tôi thường đạp đến một số công viên khu ngoại thành, có không gian như Sala hoặc Landmark 81", anh cho hay.

Địa điểm công cộng mất sức hút

Phố đi bộ Nguyễn Huệ là điểm đến quen thuộc của Thanh Trâm (20 tuổi, huyện Hóc Môn) và bạn bè của mình. Nhưng cả nhóm đến đây chỉ để vẽ ký họa công trình kiến trúc như một môn học bắt buộc, không hề có ý định nán lại vui chơi.

Thảo xong các bức vẽ, nhóm sinh viên tìm đến một quán cà phê ngồi hàn huyên, trò chuyện. Họ cần một không gian đủ yên tĩnh, không bị làm phiền bởi các gánh hàng rong, nhân vật cosplay hoặc thổi lửa.

Thanh Trâm (bên phải) đến phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng không để vui chơi, giải trí. Ảnh: NVCC

"Ngày học cấp 3, tôi nghĩ phố đi bộ Nguyễn Huệ hay phố Tây Bùi Viện là địa điểm ăn chơi bậc nhất tại TP.HCM. Giờ đây, quan điểm đó có thể vẫn đúng với một số người, nhưng với tôi thì không. Tôi không thích cảnh chèo kéo từ nơi gửi xe đến tận chỗ ăn, uống", cô chia sẻ.

Quỳnh Như (23 tuổi, quận Gò Vấp) cũng đồng tình với ý kiến trên. Từng đến không ít địa điểm vui chơi trong thành phố như công viên Bến Bạch Đằng, chân cầu Thủ Thiêm 2, Như cho rằng các loại hình giải trí mở ra ngày càng nhiều nhưng luôn song hành với những bất cập.

Đặc biệt là khu phố Bùi Viện. Sau vài lần lui tới nơi này, cô ngán ngẩm trước cảnh bàn ghế xếp lấn cả lối đi, nhân viên các quán đổ xô níu tay, chèo kéo khách.

"Lần nào quay lại cũng thế, tình trạng lôi kéo thực khách, chen lấn, vứt rác bừa bãi vẫn không thay đổi. Khu này giờ tôi chỉ dám đi ngang qua chứ không ghé lại", Như nhận xét.

"Sau dịch, ai cũng muốn đi chơi thật nhiều để bù đắp thời gian chôn chân ở nhà dẫn đến nhiều chỗ trở nên quá tải. Họ đi đến đâu, vứt rác đến đó, chiếm chỗ của người tham gia giao thông, tạo nên hình ảnh rất bát nháo", cô nói thêm.

Cảnh đông đúc, xả thải rác tại chân cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh: Phương Lâm

Người trẻ nước ngoài chơi ở đâu?

Trong khi người trẻ Việt Nam không mấy mặn mà với các mô hình, tổ hợp giải trí, thanh thiếu niên tại một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore hoặc Mỹ lại khá yêu thích loại hình này.

Tại xứ củ sâm, người trẻ sống ở các đô thị lớn như Seoul có nhiều loại hình giải trí để trải nghiệm như Coin Noraebang (quán karaoke 24/7 trả tiền tự động), PC bang (quán net), Escape room (trò chơi thoát hiểm), phòng chụp ảnh lấy liền, tổ hợp game, quán cà phê truyện tranh…

Hầu hết nơi này rải rác đều trong thành phố, thường nằm trong các tòa nhà, trung tâm thương mại hoặc những con phố sầm uất như Myeongdong, Dongdaemun, Itaewon.

Ngoài các loại hình kể trên, những bộ môn ngoài trời như đi bộ đường dài, đạp xe, trượt băng hoặc công viên giải trí cũng rất phổ biến với người trẻ Hàn.

khu vui choi anh 9

Những địa điểm vui chơi công cộng như phố đi bộ, Thảo Cầm Viên, công viên Bến Bạch Đằng... không mấy thu hút người trẻ tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu

Còn với giới trẻ Nhật Bản, ngoài được biết đến với văn hóa anime và manga, họ thích thử những thứ mới, có sự pha trộn độc đáo giữa văn hóa truyền thống và hiện đại. Sự ra đời của những quán cà phê, nhà hàng robot là một ví dụ, theo Japan Today.

Ngoài ra, khi tụ tập, hẹn hò, thanh niên ở xứ sở hoa anh đào còn thường xuyên lui tới Taito Station (trung tâm giải trí nổi tiếng có các trò chơi thực tế ảo có công nghệ cao, đồ họa hiện đại), sân chơi bowling, quán karaoke hoặc những địa điểm gặp gỡ phổ biến như Shibuya, Kabuchiko.

Một báo cáo ở Mỹ vào năm 2018 cho thấy thế hệ trẻ thích đến Disneyland, Lake Compoune hơn địa điểm nghỉ mát. 65% người tham gia khảo sát cho rằng những nơi này đáng tiền và sẽ đến ít nhất một lần trong đời.

Không chỉ ở xứ cờ hoa, những công viên chủ đề như Sentosa (Singapore), Lotte World (Hàn Quốc), Disneyland (Hong Kong)... cũng ghi nhận xu hướng tương tự.

Năm 2021, thị trường công viên giải trí ở Mỹ vượt qua tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và đạt tổng giá trị khoảng 27,2 tỷ USD. Số khách tham quan ở những tụ điểm này trong năm ngoái đạt 390 triệu người, theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội các công viên giải trí và du lịch quốc tế.

Sau đại dịch, 68% người được hỏi trong cuộc khảo sát của công ty Oracle Food and Beverage and Merlin Entertainments, nhà điều hành 9 công viên Legoland trên toàn thế giới, cho biết họ sẽ sớm trở lại những điểm vui chơi yêu thích ngay khi có thể.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...