A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội kỳ vọng lớn vào sự bứt phá của ngành văn hóa

Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua sẽ mở đường về quan điểm ở các lĩnh vực cụ thể. TP đặt kỳ vọng lớn vào sự thay đổi nhiều hơn, căn bản hơn đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội. TP cũng kiến nghị với Chính phủ những vấn đề cụ thể như có cơ chế PPP (hợp tác công tư) để giải quyết các vấn đề liên quan đến văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, du lịch để doanh nghiệp và TP cùng nhau phát triển.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hoá - xã hội năm 2024, do UBND TP Hà Nội tổ chức, diễn ra sáng nay (16/8).

Hà Nội kỳ vọng lớn vào sự bứt phá của ngành văn hóa
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân điều hành hội nghị (Ảnh Viết Thành)

Quan tâm đầu tư nhiều hơn cho các trường tư thục

Trong những năm qua, Hà Nội đã có những bước tiến trong việc phát triển các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa và thể thao; đặc biệt trong việc khuyến khích đầu tư và phát triển các dự án văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình triển khai các dự án của mình.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực văn hóa -xã hội đã nêu khó khăn, vướng mắc, kiến nghị với TP nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp các lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao phát triển như: Bổ sung cấp học, thủ tục đầu tư xây dựng trường học ngoài công lập, thủ tục đăng ký hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa và cấp giấy phép hoạt động; cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; cấp phép cơ sở đào tạo và người lao động đào tạo nghề; cơ chế đặt hàng đào tạo nghề...

Cùng với đó là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; hoạt động tổ chức biểu diễn; thẩm định và cấp phép tác phẩm nghệ thuật; sao chép tác phẩm nghệ thuật...

Hà Nội kỳ vọng lớn vào sự bứt phá của ngành văn hóa
Doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội nghị (Ảnh: Viết Thành)

Trả lời kiến nghị của đại diện Công ty Cổ phần phát triển công nghệ Việt Nam về việc đơn giản hơn thủ tục xin cấp giấy phép lao động và bằng cấp cho giáo viên nước ngoài để họ thuận lợi giảng dạy, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết: Tiêu chí với người nước ngoài làm việc tại Hà Nội hoàn toàn tuân thủ theo quy định, Nghị định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Ngoài quy định chung, Hà Nội không ban hành bất kỳ quy định nào riêng cho đối tượng lao động này. UBND TP đã ủy quyền cho quận, huyện thực hiện thủ tục hành chính cấp phép cho lao động nước ngoài để giảm thời giảm thời gian đi lại, tạo thuận lợi cho các đơn vị, người lao động.

Hà Nội kỳ vọng lớn vào sự bứt phá của ngành văn hóa

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương trả lời ý kiến doanh nghiệp (Ảnh: Viết Thành)

Liên quan đến kiến nghị của đại diện trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Phú Xuyên) về việc tạo điều kiện đầu tư cho trường THPT tư thục, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho hay, TP luôn có chính sách hỗ trợ về đất đai, điều kiện xây dựng… để đảm bảo an toàn trong trường học. Đối với các trường sẽ có nhiều cạnh tranh trong đào tạo.

Theo ông Trần Thế Cương, “hữu xạ tự nhiên hương”, nếu trường nào tốt, học sinh và phụ huynh sẽ tự động tìm tới, trường nào chưa tốt thì hoạt động sẽ khó khăn. Về phía mình, Sở GD&ĐT đã có sự phối hợp với các trường tư thục trên địa bàn TP Hà Nội để nâng cao chất lượng đào tạo, dạy và học, đảm bảo sự phát triển của các trường.

Hà Nội kỳ vọng lớn vào sự bứt phá của ngành văn hóa
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp (Ảnh Viết Thành)

Trả lời câu hỏi TP có những chính sách ưu đãi gì đối với ngành quảng cáo? Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng cho biết: "Trong điều 43 của Luật Thủ đô, chúng tôi viết khá kỹ về Chiến lược phát triển cách ngành công nghiệp văn hoá được Thủ tướng phê duyệt năm 2016. Riêng trong Luật Thủ đô thêm 1 lĩnh vực nữa là văn hoá ẩm thực, trong đó có lĩnh vực quảng cáo. Trong lĩnh vực quảng cáo có phần miễn thuế thuê đất 10 năm và giảm từ 50% thời gian còn lại.

Với thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế 4 năm và giảm từ 9 năm tiếp theo. Chúng tôi đã đưa ra những chính sách rất cụ thể trong Luật Thủ đô. Sau đây, chúng tôi sẽ báo cáo UBND, trình HĐND để áp dụng cho từng ngành, từng lĩnh vực”, ông Đỗ Đình Hồng cho biết.

TP xác định trách nhiệm hơn với các doanh nghiệp

Hà Nội kỳ vọng lớn vào sự bứt phá của ngành văn hoá-xã hội
Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân trao đổi tại hội nghị (Ảnh Viết Thành)

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đây là hội nghị thứ 4 Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ các đơn vị thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của mình.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, những năm gần đây, kinh tế Hà Nội có bước phát triển vững vàng hơn các tỉnh khác trên nhiều mặt, văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, từ nghệ thuật biểu diễn, làng nghề ,thể thao, du lịch, dịch vụ, y tế và kể cả giáo dục.

Có kết quả đó là công sức của nhiều thành phần, trong đó có sự góp sức của doanh nghiệp ngoài nhà nước, người lao động hoạt động trong lĩnh vực này.

“Trong bối cảnh có “rừng” chính sách, thủ tục hành chính như hiện nay, các doanh nghiệp vượt qua và đứng vững, thậm chí là phục hồi sau COVID-19. TP trân trọng và đánh giá cao của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, kính nể nỗ lực và tinh thần yêu ngành, yêu nghề.

Từ đó xác định được trách nhiệm của TP với các doanh nghiệp ngày càng lớn hơn, mặc dù TP đã có nhiều cố gắng trong tăng cường kỷ luật kỷ cương, thay đổi cách nghĩ cách làm, đổi mới hiện đại hóa quy trình”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ.

Hà Nội kỳ vọng lớn vào sự bứt phá của ngành văn hóa
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị (Ảnh Viết Thành)

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành ủy, HĐND, UBND TP luôn quan tâm đến các lĩnh vực này bằng hành động, việc cụ thể như tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về Hà Nội.

Mới đây, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua, trong đó có nhiều điều sẽ mở đường về quan điểm ở các lĩnh vực cụ thể, trong đó có lĩnh vực văn xã. TP đặt kỳ vọng lớn vào thay đổi nhiều hơn, căn bản hơn về lĩnh vực văn hóa - xã hội. TP cũng kiến nghị với Chính phủ những vấn đề cụ thể như có cơ chế PPP (hợp tác công tư) để giải quyết các vấn đề liên quan đến văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, du lịch để doanh nghiệp cùng hưởng, cùng nhau phát triển.

TP rất trăn trở, cụ thể hóa từ Nghị quyết thành hành động cụ thể, quan tâm bằng chính sách; nâng cao năng lực để xây dựng chế chính sách, tổ chức thực hiện, phân cấp ủy quyền cho các sở nhiều hơn về các lĩnh vực, cải cách hành chính để công việc nhanh hơn, nhạy hơn…

Hà Nội đặt kỳ vọng lớn vào sự bứt phá của lĩnh vực văn hoá-xã hội
Quang cảnh hội nghị (Ảnh Viết Thành)

Liên quan đến một số kiến nghị cụ thể, Chủ tịch UBND TP đề nghị tổng hợp lại một cách đầy đủ, phân loại các nhóm kiến nghị cấp trên và giải quyết ngay nếu thuộc thẩm quyền, có điều chỉnh phủ hợp để tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động.

“Mong doanh nghiệp chia sẻ với TP, chấp hành đúng chính sách. Trách nhiệm của các cơ quan là tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động đúng quy định, tồn tại bằng uy tín”, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các cơ quan, sở, ngành giải quyết công việc có thời hạn, đưa qua quan điểm giải quyết và có thông báo cụ thể đến cho doanh nghiệp; thái độ tốt nhất, trách nhiệm cao nhất, chia sẻ giúp đỡ doanh ngiệp để cùng phát triển, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...