A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào thiểu số

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (1/8/2008 - 1/8/2023), đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố không ngừng được nâng cao. Cùng với đó, đồng bào các dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương đã chủ động, tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau.

Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú như tiếng nói, chữ viết, kho tàng tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ… Trong đời sống hiện đại ngày nay, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số đã bị mai một do các yếu tố tác động tiêu cực.

Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào thiểu số
Đến Ba Vì du khách có thể được thưởng thức Tết nhảy truyền thống của người Dao. Ảnh: Luyện Đinh

Trước thực trạng này, nhiều địa phương tại Hà Nội đã có những cách làm hay để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng hạn, tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì), theo thống kê, đồng bào dân tộc Dao nơi đây chiếm tới 98% dân số. Thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025", xã Ba Vì đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn xã luôn được gắn liền với việc xây dựng đời sống văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Trên địa bàn đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc Dao, đặc biệt là các nghi lễ: Tết nhảy, lễ cấp sắc, múa chuông, múa rùa, hội thi tiếng nói và giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào; tổ chức và thành lập các câu lạc bộ, đội bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc về tiếng nói, trang phục.

Tương tự, tại xã Vân Hòa, ông Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Vân Hoà chia sẻ, do là xã miền núi nên Vân Hòa có tỷ lệ người dân tộc chiếm 48%, trong đó có 2 dân tộc sinh sống chủ yếu là Kinh, Mường và một số ít dân tộc khác. Những khó khăn khi phát triển kinh tế sao cho đồng bộ là khó tránh khỏi. Nhưng bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ và nhân dân xã, sự quan tâm của huyện và Thành phố, Vân Hòa đã có những bước tiến dài trên chặng đường nâng cao đời sống người dân.

Theo ông Nguyễn Phi Long, do là một trong những địa phương có nhiều người dân tộc Mường sinh sống, nơi đây, văn hóa cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng đã ăn sâu, bám rễ vào mọi mặt đời sống. Cồng chiêng tham gia vào tất cả hoạt động đời sống người Mường từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ, trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của bà con. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, tại xã đã có nhiều câu lạc bộ cồng chiêng đã được thành lập, góp phần truyền giữ những nét đặc sắc trong văn hóa đến thế hệ mai sau.

Giống như xã Ba Vì và Vân Hòa của huyện Ba Vì, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) cũng có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số đông. Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, bên cạnh điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa… được đầu tư đồng bộ và khang trang, hoạt động gìn giữ văn hóa vùng dân tộc thiểu số được chú trọng. Dễ thấy, nhiều đội trình diễn cồng chiêng trên địa bàn được thành lập.

Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ, đối với đồng bào Mường ở Tiến Xuân, cồng chiêng được xem như báu vật. Bởi vậy, tại Tiến Xuân, nhiều câu lạc bộ gìn giữ văn hóa cồng chiêng đã được thành lập. Ngoài ra, từ khi chuyển từ huyện Lương Sơn về với Thủ đô đến nay, đồng bào Mường ở Tiến Xuân đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thành phố và huyện trong công tác văn hóa. Để văn hóa riêng của người Mường tiếp tục phát triển, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân mong muốn Thành phố tiếp tục giành sự quan tâm nhiều hơn để phát triển môn nghệ thuật này.

Theo tìm hiểu, tại Hà Nội đồng bào dân tộc thiểu số tập trung tại một số huyện như: Ba Vì (có 7 xã), Thạch Thất (có 3 xã), Quốc Oai (có 3 xã), Mỹ Đức (có 1 xã), với trên 108 nghìn người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 1,3% dân số toàn Thành phố. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác dân tộc việc thực hiện chính sách dân tộc của Thành phố đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Qua thống kê, trong 15 năm, Thành phố đã dành trên 4.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm… cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ sự vào cuộc kịp thời này, đến nay, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có sự thay đổi rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm... được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện.

Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, các ngành chức năng và các địa phương nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phù hợp điều kiện thực tế và từng giai đoạn. Tăng cường khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng; khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc đang có nguy cơ mai một. Đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý văn hóa.

Luyện Đinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết