A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Di sản văn hóa miền Bắc tái hiện qua BST ”Hoa cúc và mặt trời Đại Việt”

Với 34 bộ trang phục trong BST "Hoa cúc và mặt trời Đại Việt”, NTK Vũ Lan Anh (La Sen Vũ) đã có show diễn ấn tượng tại Aquafina Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam Thu Đông 2022 - (Aquafina Vietnam International Fashion Week F/W 2022).

Nổi tiếng với những dấu ấn thiết kế từ những hình ảnh đặc trưng của tranh dân gian Việt Nam, của các lễ hội, địa danh nổi tiếng và các vùng miền dân tộc, NTK Vũ Lan Anh đã đem đến sàn diễn thời trang những giá trị nhân văn cao đẹp qua bộ sưu tập mới nhất nhằm thể hiện chủ đề #TasteOfHeritage (Cảm hứng di sản).

Di sản văn hóa miền Bắc tái hiện qua BST ”Hoa cúc và mặt trời Đại Việt”
Từ trái qua: Hoa hậu Lương Thùy Linh, Bà "trùm" Trang Lê, NTK Vũ Lan Anh

Các tác phẩm thiết kế gửi đến thông điệp về giữ gìn, tôn vinh vẻ đẹp của di sản văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại và đóng góp vào sự phát triển của thời trang Việt.

Hoa hậu Mai Phương mở đầu màn biểu diễn
Hoa hậu Mai Phương mở đầu màn biểu diễn

Bộ sưu tập còn có sự góp mặt của dàn Hoa hậu, Á hậu đình đám như Hoa hậu Lương Thùy Linh, Hoa hậu Mai Phương, Á hậu Phương Nhi, người đẹp Kinh Bắc Thu Phương cùng các người mẫu nổi tiếng.

Á hậu Phương Nhi trong trang phục của NTK Vũ Lan Anh
Á hậu Phương Nhi trong trang phục của NTK Vũ Lan Anh

BST tập trung khai thác hình ảnh đặt trưng đậm chất văn hóa Bắc Bộ. Đầu tiên là hình ảnh của hoa cúc, hoa sen, 2 loài hoa xuất hiện nhiều trong điêu khắc dân gian từ thế kỷ thứ 7 TCN của người Việt cổ.

Di sản văn hóa miền Bắc tái hiện qua BST ”Hoa cúc và mặt trời Đại Việt”

Tiếp theo đó là hình ảnh cửa bức bàn được thiết kế trong các gian nhà cổ Bắc Bộ, các bức tranh tứ quý, hình ảnh những phiên chợ quê, dải yếm đào, tà áo tứ thân cách điệu, những sắc màu trầm mặc của màu hồn quê, những gam màu lam khói của dẻo núi vùng cao…

Di sản văn hóa miền Bắc tái hiện qua BST ”Hoa cúc và mặt trời Đại Việt”

Nếu những hình ảnh bình dị đời thường xuất hiện ban đầu thì vào cuối bộ sưu tập là hình cảnh chim hạc, rồng uy nghiêm, chim phượng hoàng quyền quý, hoa cúc và mặt trời Đại Việt. Các hình tượng đó là biểu hiện của sự khát khao vươn lên, khát khao sự thịnh vượng phát triển trường tồn của dân tộc Việt.

Di sản văn hóa miền Bắc tái hiện qua BST ”Hoa cúc và mặt trời Đại Việt”

Bên cạnh đó, chất liệu truyền thống thủ công như lụa, thổ cẩm… luôn xuất hiện trong các bộ sưu tập trước đó của NTK nhằm tôn vinh giá trị làng nghề truyền thống, và trong bộ sưu tập mới nhất này cũng không là ngoại lệ. Các chất liệu được thêu dệt trên tà áo dài đậm chất truyền thống nhưng vẫn mang nét đương đại dễ cảm, dễ sử dụng trong đời sống thường nhật.

Di sản văn hóa miền Bắc tái hiện qua BST ”Hoa cúc và mặt trời Đại Việt”

Bộ sưu tập “Hoa cúc và Mặt trời Đại Việt” còn được truyền cảm hứng bởi những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu như TS Trần Hậu Yên Thế, Nghệ nhân Vũ Kim Lộc, nhà nghiên cứu Hiếu Trần… Đây là những người có những đóng góp to lớn trong việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc. Thông qua sự tìm hiểu kỹ lưỡng, NTK chắt lọc tinh hoa trong các nghiên cứu ấy vào thời trang, cùng chung tay bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.

Điểm đặc biệt của những thiết kế của NTK Vũ Lan Anh là luôn tôn vinh trình độ điêu khắc dân gian của người Việt. Với NTK, nghệ thuật điêu khắc cổ xưa mang nhiều nét giá trị văn hóa đặc biệt.

Di sản văn hóa miền Bắc tái hiện qua BST ”Hoa cúc và mặt trời Đại Việt”

"Vì là một kiến trúc sư, tôi đam mê kiến trúc đam mê điêu khắc và muốn truyền tải những giá trị của nghệ thuật điêu khắc vào thời trang. Trình độ điêu khắc của người Việt qua các thời kỳ thể hiện rõ nét các đặc tính của người Việt, đó là tài hoa, sáng tạo, tỉ mỉ,cần cù chăm chỉ”, NTK Vũ Lan Anh chia sẻ.

Di sản văn hóa miền Bắc tái hiện qua BST ”Hoa cúc và mặt trời Đại Việt”

Hoa cúc là một biểu tượng có ý nghĩa đối với cả văn hoá châu Á và châu Âu. Tại Việt Nam, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc đã có nhiều nghiên cứu sâu sắc về hình tượng hoa cúc trong văn hoá người Việt.

Hoa cúc được xem là biểu tượng của mặt trời, của sự thịnh vượng trong sự tương đồng văn hóa Việt Nam và các nước châu Á. Hình tượng hoa cúc xuất hiện nhiều trong các tác phẩm điêu khắc trên trống đồng Đông Sơn, đống đồng thời Lý, đĩa vàng thời Lý, trên đồng tiền cổ, hay như trên mũ hoặc ngai vàng các triều đại vua chúa.

Di sản văn hóa miền Bắc tái hiện qua BST ”Hoa cúc và mặt trời Đại Việt”

Hình ảnh điêu khắc hoa cúc phản ánh trình độ rất cao về kỹ năng nghệ thuật thẩm mỹ, tư duy sáng tạo của người Việt xưa. Đáng nói, hình tượng hoa cúc và mặt trời đã được phát hiện trang trí trong toàn bộ hệ thống mũ miện của nhà Nguyễn.

Theo các nhà nghiên cứu, không chỉ ở nhà Nguyễn mà các triều đại trước đó cũng đã sử dụng hình tượng mặt trời - hoa cúc làm biểu tượng của vương quyền. Ví dụ điển hình là nhà nước sơ khai Văn Lang - Âu Lạc đã sử dụng hình tượng mặt trời - hoa cúc trên trống đồng Đông Sơn làm biểu tượng cho quyền lực.

Hình ảnh mặt trời trong văn hoá người Việt đã được thể hiện trên các hiện vật và di tích thì ngay ở giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (niên đại khoảng trên dưới 4000 năm trước).

Di sản văn hóa miền Bắc tái hiện qua BST ”Hoa cúc và mặt trời Đại Việt”

Tại di chỉ Nghĩa Lập, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hoa văn hình mặt trời trên một dọi se chỉ bằng đất nung. Trên chân đế của một chiếc bát bồng bằng gốm thuộc văn hoa Gò Mun cũng có hình ngôi sao 6 cánh mà các nhà nghiên cứu cho rằng đó là tiền thân của mặt trời. Trong nền văn hóa Đông Sơn (niên đại trên dưới 2500 năm cách ngày nay) thì hình tượng mặt trời được thể hiện vô cùng phổ biến trên nhiều vật dụng, nhất là trên trống đồng.

Di sản văn hóa miền Bắc tái hiện qua BST ”Hoa cúc và mặt trời Đại Việt”

Kết show là hình ảnh Hoa hậu Lương Thuỳ Linh trong thiết kế được lấy cảm hứng từ hình tượng tiên nữ, tôn vinh người phụ nữ, người mẹ, người vợ dịu hiền, nhân từ phúc hậu của dân tộc Việt.

Trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, hình tượng tiên nữ thường đi với hình tượng rồng, biểu tượng cho sự kết hợp của giống nòi, âm dương và cuộc sống mãi mãi. Điển hình là truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Hình tượng tiên cưỡi rồng cũng tràn ngập trong điêu khắc đình làng kéo dài ba thế kỷ 16, 17, 18.

Di sản văn hóa miền Bắc tái hiện qua BST ”Hoa cúc và mặt trời Đại Việt”

Kế thừa và tiếp nối những nét tinh hoa văn hoá đã tồn tại từ lâu với lịch sử văn hoá văn minh người Việt, NTK Vũ Lan Anh đã chắt lọc, cách điệu và đem đến sàn diễn thời trang một bộ sưu tập đầy giá trị nhân văn cao đẹp đẽ.

Dàn Hoa hậu, Á hậu khủng trong bộ sưu tập Hoa cúc và Mặt trời Đại Việt của NTK Vũ Lan Anh
Dàn Hoa hậu, Á hậu khủng trong bộ sưu tập Hoa cúc và Mặt trời Đại Việt của NTK Vũ Lan Anh

Những tác phẩm không chỉ làm nức lòng giới mộ điệu về tính thẩm mỹ, công phu và sức sáng tạo không giới hạn trong thời trang mà còn góp thêm tiếng nói cùng với các nhà bảo tồn di sản văn hoá để bảo tồn, gìn giữ, nối liền dòng chảy lịch sử văn hoá dân tộc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...