Báo chí đồng hành cùng chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh vừa là hành trình vừa là đích đến. Với vai trò và trách nhiệm của mình, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương luôn đồng hành trong hành trình đó để đóng góp một phần cho việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa ngàn đời của mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Xây dựng các chiến dịch truyền thông sáng tạo, hiệu quả
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh là hình ảnh mang tính biểu tượng, phản ánh cốt cách, phẩm chất của con người Thủ đô. Báo chí có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị đó. Mỗi cơ quan báo chí sẽ có cách tuyên truyền về nếp sống văn minh thông qua các bài viết, phóng sự, phản ánh và hướng dẫn người dân thực hiện tốt bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, giữ gìn cảnh quan đô thị, tham gia giao thông có ý thức…
Giống với nhiều cơ quan báo chí khác, trong nhiều năm qua, Báo Điện tử Chính phủ cũng đã có nhiều bài viết biểu dương những nét văn hóa ứng xử của người Hà Nội, tuyên truyền những cách làm mới, những kinh nghiệm hay trong việc thực hiện quy tắc ứng xử. Báo đã linh hoạt sáng tạo các hình thức tuyên truyền phù hợp, chú trọng về lịch sử Hà Nội nghìn năm văn hiến và việc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế bằng nhiều ngôn ngữ và trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút hàng chục triệu người quan tâm… Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Hồng Sâm - Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho biết: “Để tạo được hiệu quả trong công tác này, chúng ta cần nhận thức rõ hơn vai trò của các báo chính luận, các dòng thông tin chính thống trong tuyên truyền hiệu quả về xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Rất cần có sự đổi mới, sáng tạo và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để thích ứng với những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đang đặt ra. Các cơ quan báo chí cần chung tay đồng loạt xây dựng chương trình, tạo hiệu ứng hiệu quả truyền thông”.
Cùng với các cơ quan báo chí ở Trung ương, nhiều cơ quan báo chí của thành phố đã hưởng ứng hoặc trực tiếp tổ chức chiến dịch truyền thông sáng tạo như chương trình “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” của Đài PT-TH Hà Nội, Báo Hànộimới hay các hoạt động tuyên truyền của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Bên cạnh đó, giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hàng năm cũng là một trong những điểm nhấn về truyền thông cho lĩnh vực này, vì thông qua giải báo chí các cơ quan báo chí của Thủ đô, Trung ương và các tỉnh thành trong cả nước đã có dịp viết sâu, truyền tải rộng với hàng trăm bài viết giới thiệu, quảng bá hình ảnh và góp giải pháp xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đánh giá về việc báo chí đồng hành cùng chương trình này, nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký biên tập VOV cho biết: “Việc truyền thông hình ảnh và giá trị người Hà Nội thanh lịch trên các nền tảng số như mạng xã hội, ứng dụng di động của các cơ quan báo chí, của các cá nhân KOLs hay những người bình thường nhất... làm cho hình ảnh đẹp của người Hà Nội lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở Hà Nội mà còn trên cả nước và thế giới”.
“Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các cơ quan báo chí cần nghiên cứu phân phối các tác phẩm báo chí, sản phẩm truyền thông về người Hà Nội thanh lịch trên các nền tảng trực tuyến, như: video ngắn, infographic, podcast… mạng xã hội để tiếp cận giới trẻ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp để kiểm soát và ngăn chặn các trang mạng xã hội, các kênh truyền thông không chính thống đăng tải những thông tin, hình ảnh sai sự thật hoặc cá biệt làm xấu hoặc hiểu sai về người Hà Nội thanh lịch”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng chia sẻ.
Phê phán những lệch chuẩn trong văn hóa
Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, báo chí và truyền thông đóng vai trò như những người dẫn đường, không chỉ phản ánh hiện thực mà còn định hướng giá trị, lan tỏa những điều tốt đẹp. Việc thường xuyên đưa tin, phản ánh những tấm gương người tốt, việc tốt, những hành động thể hiện tinh thần người Hà Nội thanh lịch văn minh sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, khơi dậy lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân.
Luôn đồng hành cùng thành phố Hà Nội trong việc tuyên truyền người dân thực hiện Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Trong thời gian qua, Báo Nhân dân đã có nhiều bài viết phản ánh kịp thời, phân tích, cảnh báo thiết thực, góp phần chấn chỉnh hành vi thiếu chuẩn, xây dựng văn hóa ứng xử trong xã hội ở Thủ đô Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung. Báo đã có một loạt các bài viết về việc gìn giữ nét thanh lịch của người Hà Nội, ứng xử văn hóa trong giới trẻ, văn hóa xếp hàng… đã phản ánh kịp thời hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội. Đặc biệt là bệnh thờ ơ, vô cảm, lối sống vị kỷ, ứng xử lệch chuẩn, phản văn hóa, kém văn minh... Qua đó rung lên hồi chuông báo động về sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử, rộng hơn là sự xuống cấp về đạo đức xã hội.
Không dừng lại ở các bài lẻ, trên trang nhất báo giấy hằng ngày, tại chuyên mục “Cùng suy ngẫm” cũng thường xuyên đăng tải các bài viết nhận diện và thẳng thắn chỉ ra những hành vi chưa đẹp, chưa văn minh của người dân. Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân dân Điện tử chia sẻ: “Việc hình thành, xây dựng, định hướng chuẩn mực văn hóa, thực hiện tốt các quy tắc ứng xử là công việc lâu dài, phức tạp, muốn thành công phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, tổ chức, trong đó có lực lượng báo chí cả nước”.
Cùng quan điểm cho vấn đề này, nhà báo Nguyễn Anh Vũ - Tổng Biên tập Báo Văn Hóa khẳng định: Bên cạnh việc tuyên truyền những hành động đẹp thì báo chí chắc chắn phải có động thái phê phán, phản ánh những hành vi lệch chuẩn, phản ánh chân thực có tính xây dựng nhằm tạo nên những chuyển biến tích cực trong xã hội. Ngoài ra, mỗi cơ quan báo chí cần quan tâm đầu tư những chuyên mục về văn hóa, tổ chức những chuyên đề về người Hà Nội thanh lịch văn minh trên các loại hình báo chí và mạng xã hội.
“Mỗi cơ quan báo chí cần giữ vai trò cầu nối, khuyến khích người dân mạnh mẽ chia sẻ những câu chuyện đẹp, hành động ý nghĩa qua các nền tảng số. Việc tự người dân chia sẻ sẽ tạo ra độ lan tỏa rộng khắp, góp phần hạn chế những thông tin mang tính tiêu cực đang tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội”, nhà báo Nguyễn Anh Vũ chia sẻ thêm.
Có thể khẳng định, bằng nhiều giải pháp khác nhau, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã có những cách làm hiệu quả trong tuyên truyền về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo cách riêng của đơn vị mình. Điều này không chỉ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến mà còn làm giàu đời sống văn hóa, tinh thần cho người Hà Nội, từ đó góp phần bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.