A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Tại Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 13/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Phiên họp thứ 18 - phiên họp thường kỳ của tháng 12 là phiên họp rất quan trọng cuối năm.

Xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đáng chú ý, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhấn mạnh dự án luật này là một nội dung trọng tâm của công tác lập pháp trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những nội dung cần phải xin ý kiến, cách thức tổ chức xin ý kiến nhân dân và thời gian xin ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội làm rõ, dự kiến khung thời gian để xin ý kiến các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành, các giai tầng xã hội lại rơi vào dịp Tết âm lịch và Tết dương lịch.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề có thể nới khung này thêm không để đảm bảo được yêu cầu, hiệu quả cao nhất và thực chất nhất, thực sự phát huy được dân chủ và trí tuệ của toàn dân, của các giới, các cấp, các ngành để đóng góp cho dự án rất quan trọng này.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là khâu hết sức quan trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành kế hoạch về vấn đề này trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để sớm có quyết định.

Cùng với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghe và cho ý kiến về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội làm rõ, dự án Luật này dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, nhưng để đảm bảo chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế thì Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ và trình Quốc hội là chưa xem xét thông qua.

Từ khi kết thúc Kỳ họp thứ 4 đến nay, Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế, các cơ quan, tổ chức hữu quan của cả Chính phủ và Quốc hội đã nỗ lực hoàn thiện nội dung này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét điều kiện để trình dự án Luật này vào kỳ họp bất thường để Quốc hội xem xét quyết định.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu được trình được sớm các cơ quan có thêm thời gian khoảng nửa năm so với dự kiến để ban hành các nghị định, các văn bản hướng dẫn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), qua tổng hợp dư luận xã hội cho thấy còn nhiều vấn đề như: Giải quyết thế nào giữa quan hệ Nhà nước và thị trường ở trong vấn đề liên quan đến xã hội hóa, vấn đề tài chính, tự chủ của cơ sở khám, chữa bệnh, vai trò quản lý Nhà nước; giải quyết mối quan hệ giữa quản lý Nhà nước với vai trò của các tổ chức nghề nghiệp, Hội đồng y khoa quốc gia, vai trò hiệp hội.

Hay, việc cấp phép, gia hạn phép để vừa đảm bảo được yếu tố về chất lượng của đội ngũ hành nghề y vừa phát huy được vai trò của các tổ chức nghề nghiệp, vai trò của quản lý nhà nước tạo thuận lợi cao nhất; mối quan hệ của người thầy thuốc và người bệnh theo Nghị quyết 20 của Trung ương với tinh thần lấy người bệnh làm trung tâm, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn trong môi trường bệnh viện…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội dốc sức nghiên cứu, tổng hợp, lắng nghe ý kiến, tiếp thu và giải trình kỹ lưỡng và có quan điểm rõ ràng, nhất quán.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nội dung liên quan đến Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nêu rõ Quy hoạch tổng thể quốc gia là một nhiệm vụ được đặt ra theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Chủ tịch Quốc hội cho hay, đây là lần đầu tiên đất nước ta tiến hành xây dựng một quy hoạch như thế này, chưa có tiền lệ. Do đó, đây là việc rất mới và rất khó.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, định hướng cho công tác quy hoạch này đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương xem xét và thông qua định hướng chung. Dựa trên cơ sở định hướng chung đó Chính phủ sẽ cụ thể hóa thành quy hoạch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm xem xét, chuẩn bị nội dung này để trình cho Quốc hội xem xét và quyết định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành kế hoạch về thẩm tra quy hoạch này theo đề nghị của Ủy ban Kinh tế. Đây là nội dung đòi hỏi chuẩn bị kỹ lưỡng và rất công phu.

Trên cơ sở chuẩn bị của Chính phủ và kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải rà soát, xem xét nội dung này. Đây cũng là nội dung quan trọng nhất, quyết định có hay không có tiến hành kỳ họp bất thường - Chủ tịch Quốc hội nêu.

Bởi, theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch này là quy hoạch cấp cao nhất, chi phối các quy hoạch quốc gia khác như quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch vùng, quy hoạch của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều phải dựa trên quy hoạch cấp cao nhất này, do đó không thể để muộn được.

Mặt khác, theo Nghị quyết của Quốc hội về giám sát đối với chính sách pháp luật về quy hoạch thì quy hoạch này cần phải được phê duyệt cuối năm nay. Nếu chuẩn bị kịp, chuẩn bị kỹ sẽ xem xét, phê duyệt vào đầu tháng 1 tới, cũng là căn cứ để rà soát lại các quy hoạch khác.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết