Xây dựng cơ chế bảo vệ chủ thể tham gia hoạt động kiểm soát quyền lực
Việt Nam có một hệ thống thể chế, pháp luật khá đầy đủ, toàn diện, cho phép các chủ thể trong xã hội tham gia tích cực vào hoạt động quản lý Nhà nước.
Theo TS. Đinh Văn Minh, phân mảnh quyền lực càng rõ ràng thì kiểm soát tham nhũng càng dễ dàng. Ảnh: TH |
TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh, đến nay, Việt Nam có một hệ thống thể chế, pháp luật khá đầy đủ, toàn diện, cho phép các chủ thể trong xã hội tham gia tích cực vào hoạt động quản lý Nhà nước, đặc biệt là kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động
Tại hội thảo đề tài cấp quốc gia về “Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam”, TS. Đinh Văn Minh cho rằng, việc hoàn thiện thể chế chuyên ngành về kiểm soát quyền lực bên trong, cũng như kiểm soát từ bên ngoài bộ máy Nhà nước là nhiệm vụ cần tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.
Về kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy Nhà nước, theo TS. Đinh Văn Minh, cần làm rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm, thẩm quyền của các chủ thể quy định trong các luật, tăng cường tính độc lập của các chủ thể được trao quyền giám sát nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và kiểm soát quyền lực.
Củng cố và hoàn thiện các cơ chế bảo đảm thực hiện kiểm soát quyền lực cũng như PCTN. Ví dụ, đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết quả giám sát. Hoàn thiện các quy định nhằm bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán; hoàn thiện các quy định liên quan đến sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động kiểm soát quyền lực và PCTN.
Tương tự, đối với cơ chế kiểm soát từ bên ngoài, ông Minh cho rằng phải nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò giám sát của nhân dân; trách nhiệm trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát; cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiển toán.
Cùng với đó là xây dựng cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử và chế tài xử lý tổ chức, cá nhân không hợp tác, gây khó khăn, cản trở hoạt động giám sát, phản biện xã hội hoặc lợi dụng quyền giám sát, phản biện xã hội để gây tổn hại cho tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, bổ sung các quy định để huy động và khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực hơn nữa của các tổ chức, người dân, doanh nghiệp vào chính hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật.
Phân mảnh quyền lực càng rõ ràng thì kiểm soát tham nhũng càng dễ dàng
Cải cách trong lĩnh vực kiểm soát quyền lực và PCTN theo cơ chế kiểm soát bên ngoài cần phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế để bảo vệ các chủ thể khi tham gia vào hoạt động kiểm soát quyền lực nhằm PCTN. Trong thực tế hiện nay, nhiều người dân, nhà báo, cơ quan báo chí ngại tham gia đấu tranh PCTN, tiêu cực vì tâm lý lo sợ gánh chịu hậu quả, sợ người bị tố cáo có chức vụ, quyền hạn và có vị trí cao hơn trong xã hội. Khả năng bị đánh đập, bị đe dọa, bị gây nguy hiểm đến tính mạng và người thân trong gia đình là hoàn toàn có thể xẩy ra. “Vì thế, rất cần có cơ sở pháp lý đầy đủ để cung cấp thông tin, bảo vệ người dân, nhà báo, các cơ quan báo chí trong công cuộc kiểm soát quyền lực và PCTN”, ông Minh nói.
Xây dựng cơ chế để bảo vệ các chủ thể khi tham gia vào hoạt động kiểm soát quyền lực nhằm PCTN. Ảnh minh họa |
Đối với hoạt động của báo chí, sau nhiều năm triển khai thực hiện Luật Báo chí năm 2016, mặc dù đạt được nhiều thành tựu, song thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, theo ông Minh, cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Báo chí năm 2016 và Nghị định 92 về quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước, nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập, bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của báo chí.
Bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành, thì việc tăng cường kiểm soát quyền lực và PCTN đòi hỏi những cải cách sâu rộng trong thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động quản lý hành chính Nhà nước.
Theo ông Minh, trong phương diện của đổi mới quản trị quốc gia, quản trị Nhà nước hiện nay, một vấn đề đã và đang được đẩy mạnh, được xem là trụ cột quan trọng của cải cách hành chính, đồng thời có ý nghĩa không nhỏ đối với kiểm soát quyền lực và PCTN, đó là phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước.
“Quyền lực được phân mảnh và định minh càng rõ ràng thì quá trình kiểm soát việc lạm dụng quyền lực hay công tác phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng thẩm quyền, quyền hạn để tham nhũng… sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn”, ông Minh cho hay.
“Để đảm bảo tính toàn diện trong kiểm soát quyền lực và PCTN thì thể chế, chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực này cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp kiểm soát từ bên trong, kiểm soát từ bên ngoài, kết hợp giữa kiểm soát quyền lực, PCTN với cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, đặc biệt là hoạt động quản lý hành chính Nhà nước, nhằm mục đích xử lý tốt, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa ổn định và phát triển đã được đề cập tại Nghị quyết Đại hội XIII”, TS Đinh Văn Minh nhấn mạnh.